TP.Hồ Chí Minh không thể là "vương quốc" riêng về giáo dục

09/07/2016 06:55
Ngọc Quang
(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí nhận định, TP. Hồ Chí Minh xây dựng chương trình - sách giáo khoa riêng sẽ trở thành một “vương quốc” riêng về giáo dục.

Việc ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo TP. Hồ Chí Minh đề nghị cho phép thực hiện các cơ chế đặc thù về giáo dục như: tự xây dựng chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa riêng phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ Giáo dục, đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia giáo dục.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ pháp lý (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: "TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội. TP. Hồ Chí Minh đề nghị xây dựng chương trình - sách giáo khoa riêng sẽ trở thành một “vương quốc” riêng về giáo dục".

Trước giải thích của một vị lãnh đạo rằng con người Nam Bộ phóng khoáng, hào sảng... vì vậy cần có cơ chế đặc thù, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí nhận định: "Nếu giải thích như vậy thì tỉnh Bắc Ninh là một địa danh nổi tiếng của Đồng bằng Bắc Bộ, con người cũng rất hào hoa có lẽ cũng xin được cơ chế đặc thù. Chẳng lẽ tỉnh này cũng cần một chương trình - sách giáo khoa riêng?

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, chẳng có lý gì lại không được coi là đặc thù?

Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... đều là những thành phố lớn, họ cũng có lý do xin cơ chế đặc thù. Cứ như vậy không cẩn thận sẽ lạm phát cơ chế đặc thù".

PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí cho biết, trong chương trình khung chuẩn quốc gia luôn có một khoảng cho phép địa phương, các trường sáng tạo, vì vậy trong đó đã thể hiện được tính đặc thù. ảnh: Ngọc Quang.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí cho biết, trong chương trình khung chuẩn quốc gia luôn có một khoảng cho phép địa phương, các trường sáng tạo, vì vậy trong đó đã thể hiện được tính đặc thù. ảnh: Ngọc Quang.

Dưới góc nhìn của một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về luật pháp, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí khẳng định, cơ chế đặc thù cần thiết với sự phát triển của đất nước, nhưng phải đáp ứng được ba điều kiện:

Áp dụng trong hoàn cảnh rất đặc biệt; Để thực hiện những nhiệm vụ rất đặc biệt; Chỉ diễn ra trong một thời hạn nhất định.

PGS.Chí nêu thí dụ: "Hiến pháp năm 1960 đã thể hiện rất rõ nước ta có hai khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc. Các địa phương khác không có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng hai khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc thì được phép, thậm chí có những quy định khác với quy định áp dụng chung cho các tỉnh còn lại.

Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định rõ là bắt buộc thực hiện chế độ một vợ - một chồng. Tuy nhiên, ở Việt Bắc và Tây Bắc lúc đó chưa áp dụng ngay được, vì văn hóa ở hai vùng này có những điểm rất khác biệt.

TP.Hồ Chí Minh không thể là "vương quốc" riêng về giáo dục ảnh 2

"Ai tự thấy không xứng đáng thì đừng đứng vào đội ngũ người thầy"

Tuy nhiên, sau khi đã thống nhất đất nước, đời sống của đồng bào dân tộc ít người đã được nâng lên, trình độ văn hóa cũng được cải thiện thì phải thống nhất áp dụng quy định chung chế độ một vợ - một chồng.

Hiến pháp năm 1980 không còn hai khu tự trị Việt Bắc và Tây Bắc.

Một thí dụ khác, thời kỳ chiến tranh, nước ta đã từng có đặc khu Vĩnh Linh. Sau khi đất nước thống nhất thì không còn đặc khu này nữa, mà Vĩnh Linh là một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Trị".

Giáo dục là con người, không thể chỉ tuyên bố chịu trách nhiệm là xong

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, sự thống nhất của một thể chế vô cùng quan trọng. Yêu cầu của nhà nước pháp quyền, đặc biệt là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa càng cần phải có sự thống nhất về thể chế, biểu hiện rõ nhất là sự thống nhất về luật pháp.

Cơ chế đặc thù phải được ban hành bởi cơ quan xây dựng luật pháp đó là Quốc hội, để đảm bảo sự thống nhất về quy chuẩn pháp luật.

TP.Hồ Chí Minh không thể là "vương quốc" riêng về giáo dục ảnh 3

Bộ Giáo dục không thể làm trái Nghị quyết của Quốc hội

"Cơ chế đặc thù nói cho đúng bản chất là thực hiện khác với pháp luật thông thường.

Và khi đã đặc thù thì cũng có nghĩa là quyền của những người lãnh đạo tại địa phương đó lớn hơn so với những người khác ở vị trí tương đồng ở các tỉnh còn lại.

Khi xin cơ chế đặc thù, người ta luôn đưa ra rất nhiều lý do và kèm theo phải có lời hứa. Nhưng quan trọng là có ai kiểm chứng được lời hứa ấy?

Thậm chí khi đưa ra ý kiến xin xây dựng chương trình – sách giao khoa riêng cho TP. Hồ Chí Minh thì người ta cũng đề cập tới trách nhiệm của những người đứng đầu. Nhưng xin hỏi là chịu trách nhiệm thế nào, hay rồi sẽ hòa cả làng, rồi lại rút kinh nghiệm?

Giáo dục có sự ảnh hưởng rất lớn, tác động tới hàng triệu học sinh, để nhìn thấy được kết quả ít nhất cũng phải 3 năm, 5 năm, thậm chí lâu hơn nữa, chứ không phải chỉ diễn ra vài tháng.

Đó là vấn đề liên quan trực tiếp tới con người, không thể chỉ tuyên bố chịu trách nhiệm là xong", PGS. Chí nêu quan điểm.

Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí khẳng định, pháp luật của nước ta không sơ cứng, mà luôn tính đến các yếu tố phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng vùng miền.

PGS.Chí phân tích: "Tôi lấy thí dụ việc xây dựng chương trình khung của Bộ Giáo dục là phải đảm bảo thống nhất, tất cả các cơ sở giáo dục toàn quốc phải tuân thủ để đảm bảo chuẩn kiến thức chung.

Tuy nhiên, trong chương trình ấy luôn có một khoảng cho phép các địa phương, các ngành, từng cơ sở đào tạo bổ sung, sáng tạo thêm để phù hợp với nhu cầu của từng vùng miền, từng trường.

Như vậy là trong yêu cầu thống chung một chương trình khung chuẩn thì đã bao gồm cả những yếu tố đặc thù của từng địa phương rồi.

Chỉ có điều có những địa phương, có những ngành chưa thực hiện được, và khi thấy khó mà muốn làm cho dễ hơn thì xin cơ chế đặc thù để có quyền to hơn, xé bỏ những yêu cầu chung. Như vậy là rất không ổn".

Ngọc Quang