Từ vụ cấm ô tô qua cầu Việt Trì, Chính phủ yêu cầu rà soát BOT cầu Hạc Trì

11/07/2016 06:47
Mai Anh
(GDVN) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trước thông tin dựng trụ bê tông cấm ô tô đi qua cầu Việt Trì.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Phú Thọ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về rà soát việc thực hiện Dự án xây dựng cầu Hạc Trì (Phú Thọ) theo hình thức Hợp đồng BOT nêu rõ, trong thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) phản ánh việc cấm ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì, buộc các phương tiện lưu thông qua cầu Hạc Trì để thu phí.

Người dân đặt câu hỏi tại sao kết quả kiểm nghiệm cầu Việt Trì lại được đưa ra trùng với thời gian dự án BOT cầu Hạc Trì đi vào hoạt động và thu phí - ảnh nguồn Báo Nhân dân.
Người dân đặt câu hỏi tại sao kết quả kiểm nghiệm cầu Việt Trì lại được đưa ra trùng với thời gian dự án BOT cầu Hạc Trì đi vào hoạt động và thu phí - ảnh nguồn Báo Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ rà soát việc thực hiện Dự án xây dựng cầu Hạc Trì theo hình thức Hợp đồng BOT; đồng thời, đánh giá tình trạng kỹ thuật cầu Việt Trì để có giải pháp phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/7/2016.

Trước đó như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, từ khi cầu Hạc Trì chính thức đưa vào hoạt động và thu phí, người dân sống tại phường Bạch Hạc (TP Việt Trì, Phú Thọ) nhiều lần bức xúc kéo đến khu vực trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì (TP.Việt Trì) ngăn không cho xe ô tô đi qua để phản đối việc đơn vị BOT đã cho dựng các ụ bê tông chặn chắn ngang đường ngăn không cho ô tô qua cầu Việt Trì cũ.

Sự việc tái diễn nhiều lần nhưng cả UBND tỉnh Phú Thọ cũng như Bộ Giao thông vận tải vẫn không có biện pháp giải quyết làm thỏa mãn những khúc mắc của người dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có hai vấn đề người dân phường Bạch Hạc TP.Việt Trì đặt ra cho Bộ Giao thông vận tải cũng như Tổng Cục Đường bộ: Thứ nhất, kết quả kiểm nghiệm cẩu Việt Trì với kết luận cho rằng phần đường bộ hai bên cầu bị yếu tại sao lại trùng khớp với thời gian cầu Hạc Trì hoàn thành.

Từ vụ cấm ô tô qua cầu Việt Trì, Chính phủ yêu cầu rà soát BOT cầu Hạc Trì ảnh 2

Dân vây trạm thu phí Hạc Trì: Phải làm rõ việc đặt trụ bê tông ngăn cầu Việt Trì

(GDVN) - Câu hỏi trên được PGS.TS Phạm Quý Thọ đặt ra khi chủ đầu tư dự án cầu Hạc Trì dựng trụ bê tông ngăn ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì.

Từ vụ cấm ô tô qua cầu Việt Trì, Chính phủ yêu cầu rà soát BOT cầu Hạc Trì ảnh 3

Tỉnh xin giảm phí BOT, Bộ nói "quyền của chủ đầu tư"

(GDVN) - UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản gửi các cơ quan ban ngành xem xét điều chỉnh giảm mức phí xe container trên Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Người dân cho rằng, nếu kết quả kiểm nghiệm cầu Việt Trì được đưa ra trước khi xây dựng dự án BOT cầu Hạc Trì với lý do giảm tải, tránh nguy hiểm cho phương tiện ô tô qua cầu Việt Trì  thì sẽ thuyết phục người dân hơn.

Mặt khác, người dân sẽ được tham gia các phương án có thể như không cần xây cầu Hạc Trì mà chỉ cần cải tạo sửa chữa cầu Việt Trì. Khi đó, mức đầu tư sẽ thấp hơn, dù có kêu gọi BOT mức phí người dân chi trả cũng thấp hơn hiện nay.

Thứ hai, việc đặt trụ bê tông trước cầu Việt Trì. Câu hỏi đặt ra UBND tỉnh Phú Thọ hay Bộ Giao thông vận tải đã đặt trụ bê tông cầu Việt Trì ngăn cản quyền tự do đi lại của người dân. Nên nhớ trước đó, cơ quan quản lý nhà nước không hề có thông báo chính thức nào về kết luận kiểm nghiệm cầu.

Việc dựng trụ bê tông diễn ra từ sau khi cầu Hạc Trì đi vào thu phí, như vậy nếu xác định cầu Việt Trì yếu không đảm bảo lưu thông thì phải đặt trụ cầu trước đó. Sự trùng hợp kỳ lạ này dẫn đến nghi ngại người dân bị buộc phải đi đường BOT.

Trước hiện tượng đặt trụ bê tông cấm ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì và cáo buộc bắt người dân phải đi qua cầu Hạc Trì, trao đổi với phóng viên TS. Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị nêu quan điểm nguyên tắc BOT là người dân phải có sự lựa chọn. 

Ông Thủy cho rằng làm cầu, đường BOT nhưng đi hay không là quyền lựa chọn của người dân, đặc biệt là người dân địa phương.

Theo TS. Thủy, nếu đi từ Hà Nội lên vùng Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang có thể lựa chọn đi qua Quốc lộ 32C nhưng với người dân địa phương ngày ngày đi qua lại thì rõ ràng họ chỉ có 2 lựa chọn qua cầu Việt Trì hoặc cầu Hạc Trì. Khi một cây cầu đặt trụ bê tông thì buộc người dân phải lưu thông trên cây cầu kia.

Mặt khác, đầu tư đường BOT tức là nhà đầu tư đã tính toán hiệu quả công trình, trong đó có cả yếu tố cạnh tranh. Nêu ví dụ, vị chuyên gia này cho biết, hiện nay người dân đi từ Hà Nội - Lào Cai đều lựa chọn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thay cho việc việc di chuyển theo Quốc lộ 2 đến Ngã ba Đoan Hùng rẽ Quốc lộ 70,dù mức phí không hề rẻ bởi vì tuyến đường có yếu tố cạnh tranh.

Yếu tố khác biệt, yếu tố cạnh tranh của đường BOT Nội Bài - Lào Cai nói riêng hay các tuyến đường BOT khác phải có là rút ngắn thời gian di chuyển, mặt đường tốt giảm hư hại phương tiện, giảm chi phí trên đường. 

Từ đó đặt ra vấn đề, làm dự án đường BOT phải xác định có yếu tố khác biệt, yếu tố cạnh tranh để thu hút phương tiện người dân thay vì các hành vi áp đặt hành chính gây bức xúc trong dân.

TS. Thủy kết luận, đầu tư BOT nhưng lựa chọn đi hay không là quyền của người dân, từ đó bản thân nhà đầu tư cũng phải tính toán yếu tố cạnh tranh, thu hút phương tiên để dự án thành công chứ không phải BOT tràn lan sau đó tìm mọi cách bắt người dân phải đi qua tuyến đường BOT đó.

Mai Anh