3 phản ứng lành tính đến hiếu chiến có thể của Trung Quốc với phán quyết của PCA

11/07/2016 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Hoặc là Mỹ phải thừa nhận uy thế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và sự suy giảm tương ứng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, hoặc phải bắt đầu...

Bloomberg News ngày 11/7 đưa ra dự đoán 3 phương án Trung Quốc có thể phản ứng với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines khởi kiện nước này (áp dụng sai, giải thích sai, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS 1982) ở Biển Đông.

Ngày mai 12/7 PCA sẽ ra phán quyết chính thức về vụ kiện này, Bloomberg News đưa ra 3 phương án dự kiến khả năng phản ứng của Bắc Kinh, từ lành tính đến hiếu chiến.

Manh động trên Biển Đông, Trung Quốc có thể kích hoạt các phản ứng Bắc Kinh không mong muốn từ Hoa Kỳ, ảnh minh họa: intpolicydigest.org.
Manh động trên Biển Đông, Trung Quốc có thể kích hoạt các phản ứng Bắc Kinh không mong muốn từ Hoa Kỳ, ảnh minh họa: intpolicydigest.org.

Phản ứng nhẹ

Đối mặt với áp lực từ một bộ phận dư luận theo đuổi chủ nghĩa dân túy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ đưa ra những tuyên bố với ngôn từ đao to búa lớn từ chối chấp nhận phán quyết của PCA.

Bắc Kinh tiếp tục mở rộng chiến dịch tuyên truyền về việc 60 quốc gia hỗ trợ lập trường của họ. Cho đến nay, chưa ai nhìn thấy danh sách 60 quốc gia ủng hộ Trung Quốc chống PCA gồm những nước nào.

Tuy nhiên ngoài thực địa, Trung Quốc sẽ giảm bớt căng thẳng bằng cách hạn chế sách nhiễu ngư dân Philippines. Không triển khai thêm các căn cứ quân sự mới (bất hợp pháp) ở Trường Sa, rời khỏi Scarborough.

Quân đội Trung Quốc đồn trú tại các đảo nhân tạo không phát tín hiệu cảnh báo đến máy bay quân sự các nước khác bay qua khu vực. Tiếp tục thúc đẩy kêu gọi đàm phán trực tiếp với Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte.

Nếu những phản ứng này diễn ra, Trung Quốc đang dọn đường cho việc "gác lại tranh chấp, cùng khai thác" ở Biển Đông.

Phản ứng vừa

Bắc Kinh có thể đơn phương áp đặt một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, nhưng sẽ khó thực thi trong thực tế. Mỹ có thể bỏ qua ADIZ này.

Tăng cường sử dụng lực lượng tàu hải cảnh, hải quân và tàu cá (trá hình) quấy rối ngư dân các nước khác, phong tỏa lực lượng Philippines đóng trên con tàu cũ BRP Sierra Madre ngoài bãi Cỏ Mây.

Trung Quốc rút khỏi UNCLOS 1982 để tránh ràng buộc bởi luật pháp quốc tế khi nó xung đột với (cái gọi là) lợi ích riêng.

Phản ứng quy mô "vừa" như trên sẽ không kích hoạt Mỹ trả đũa, nhưng có thể thúc đẩy các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông diẽn ra nhiều hơn, như Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jea-Yves Le Drian phát biểu tại Đối thoại Shangri-la tháng trước.

Phản ứng mạnh

Bắt đầu triển khai xây dựng đảo nhân tạo ngoài bãi cạn Scarborough chiếm của Philippines năm 2012. Radar, máy bay hoặc tên lửa sẽ được kéo ra đây, đe dọa các căn cứ quân sự Philippines cho Mỹ sử dụng.

Phong tỏa hoặc kéo đổ xác tàu BRP Sierra Madre và chiếm bãi Cỏ Mây như đề xuất của Nhân Dân nhật báo trong một bài xã luận hiếu chiến hồi tháng trước.

Xác định tọa độ của đường 9 đoạn, công bố đó là "biên giới lãnh thổ" hòng củng cố tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông và các nguồn tài nguyên bên trong đường 9 đoạn.

Nếu điều này xảy ra sẽ đẩy Hoa Kỳ vào tình thế khó khăn và buộc phải lựa chọn. Giáo sư Hugh White từ Đại học Quốc gia Australia gọi đây là sự lựa chọn tai hại.

Theo ông, hoặc là Mỹ phải thừa nhận uy thế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và sự suy giảm tương ứng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, hoặc phải bắt đầu một cuộc đụng độ vũ trang có thể leo thang thành một cuộc xung đột lớn.

Cá nhân người viết cho rằng, thẩm quyền của PCA trong vụ kiện này là hoàn toàn hợp pháp và không thể công kích. Càng tìm cách chống đối PCA, chống đối luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, Trung Quốc càng làm xấu hình ảnh của mình, làm suy yếu mục tiêu trỗi dậy hòa bình hay "Trung Quốc mộng".

Trong thế giới văn minh hiện tại và tương lai, không có quốc gia nào chà đạp lên luật pháp quốc tế mà lại được phần còn lại của thế giới tôn trọng. Một sức mạnh thực sự phải đến từ thượng tôn pháp luật, duy trì và bảo vệ công lý, hòa bình, ổn định và phát triển.

Trung Quốc hiện nay có thể tin rằng quyền lực đi ra từ nòng súng, nhưng uy tín và thương hiệu không thể có được bằng con đường sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực.

Hồng Thủy