Tuổi ô mai vừa đi học, vừa nuôi vợ

11/10/2011 01:40
Xuân Trung
(GDVN) - “Giờ em như cây đứng giữa rừng, gió thổi bốn bề không biết ngả về đâu. Nếu em không đến trường, các cô trách. Em đi học, vợ trách không hoàn thành việc".
Lời em Sùng A Sinh ở bản Khe Chất (cách trường cấp II Cát Thịnh 15km đường rừng), trong một lá thư gửi lại các thầy cô giáo trường THCS Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái về sự khó xử trước việc có nên đi học tiếp hay không.

Huy động thầy cô đi vận động học sinh

Chuyện các em học sinh vùng sâu, vùng xa bỏ học giữa chừng đã là cơm bữa, những em phải đi học xa tới 30km, mà lại đi bộ, nên để duy trì sĩ số trên lớp là rất khó thực hiện. Thực tế, đây cũng là điểm chung của hầu hết các đơn vị giáo dục vùng cao.
Chị Hà Thị Bích Phương, Hiệu trưởng trường THCS Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái: : Duy trì sĩ số lớp học đã là khó chưa nói gì tới chất lượng giảng dạy các em ở vùng cao. Ảnh Xuân Trung
Chị Hà Thị Bích Phương, Hiệu trưởng trường THCS Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái: : Duy trì sĩ số lớp học đã là khó chưa nói gì tới chất lượng giảng dạy các em ở vùng cao. Ảnh Xuân Trung
Nhân dịp đưa HS xuống thăm Hà Nội, đốn ngày giải phóng thủ đô, chị Hà Thị Bích Phương, Hiệu trưởng trường THCS Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái chia sẻ: Ở vùng cao, việc các em đi học phải đi bộ vài chục km là chuyện thường. Thậm chí, có em học buổi chiều nhưng phải đi học từ sáng cho kịp giờ. Chính vì do nhà xa như thế, buổi chiều 4 tiết nhưng chỉ tiết thứ 2, thứ 3, học sinh mắt trước mắt sau trốn về mất.

Chị Phương cho biết, toàn trường cấp II Cát Thịnh có tổng là 435 học sinh, trong đó có 50% là học sinh vùng cao, dân tộc (dân tộc Mông, Dao, Tày…), nếu tính cả những điểm trường ở các bản xa nhất là Làng Lao (bản Làng Lao cách trường Cát Thịnh 30km đi đường rừng) thì các em  đến lác đác từ 26 bản khác nhau. Những trở ngại về địa hình khiến các em ở đây đi học ngày một ít đi.

Tình trạng học sinh bỏ học nhiều nhất là vào dịp cuối năm, đây là thời gian cho mùa màng, hầu hết các em học sinh lớn đều nghỉ học ở nhà giúp gia đình.

“Khi các em bỏ học giữa chừng rất dễ ở nhà phải lấy vợ, vì để có thêm người làm. Đây là thói quen ở trên này, đứa lớn làm nhiều quá trông già hơn tuổi, đứa nhỏ thì do lao lực từ nhỏ nên còi xương không lớn nổi. Nhiều lần, các thầy cô phải đi bộ vào tửng bản để gặp các em, động viên các em đi học trở lại, nhưng khi vào tới nhà hầu như các em theo bố mẹ đi nương hết”.
em Hờ A Thinh, một trong những em học sinh lớn nhất lớp có suy nghĩ: Phải học đã chứ chưa thích lấy vợ. Ảnh Xuân Trung
em Hờ A Thinh, một trong những em học sinh lớn nhất lớp có suy nghĩ: Phải học đã chứ chưa thích lấy vợ. Ảnh Xuân Trung
Theo chị Phương, những lần vào tận bản mà không gặp học sinh thì phải bắt trưởng thôn đưa vào tận nương để gặp. Gặp học sinh đang làm, có em có ý muốn quay trở lại học nhưng không dám chắc bố mẹ có cho đi học, hơn nữam đã chót lấy vợ, giờ quay lại trường cũng khó.

Trong một bức thư gửi tới các thầy cô giáo trường Cát Thịnh, em Sùng A Sinh (lớp 9) ở bản Khe Chất tâm sự: “Giờ em như cây giữa rừng, gió thổi bốn bề không biết ngả về đâu. Nếu em đến trường không làm bài tập thì các cô trách mắng. Ngược lại, nếu em đi học thì vợ ở nhà lại trách mắng em không hoàn thành việc nhà”.

Còn nhớ, cách đây vài năm trước, 12 thầy cô trường cấp II Cát Thịnh ngược suối, đường rừng đến tận bản các em sinh sống để ăn, ở động viên bố mẹ cho các em tiếp tục được đi học. Khi các em quay trở lại trường, theo chị Phương, khó khăn lớn nữa đối với giáo viên dạy học ở đây là mỗi lớp phân loại học sinh không đồng đều. “Để dạy được một tiết học, giáo viên phải tách kiến thức ra cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Vùng thấp, các em tiếp thu nhanh. Vùng cao, các em bị chi phối nhiều quá nên học bị chểnh mảng, tiếp thu chậm hơn” chị Phương cho biết.

Và hiện tại, để “giữ chân” học sinh không rơi rụng như trước, Ban giám hiệu cùng các thầy cô quyết định lập những ngôi nhà bán trú để cho các em học sinh người Mông, nhà xa ở lại.

Hằng tháng, các em về nhà mang gạo, mang rau xuống tự nấu ăn. Theo chị Phương, từ khi có khu nhà bán trú, các em học hành, ăn ở rất tiện, ít còn cảnh bỏ học giữa chừng.

“Đời bố mẹ đã khổ, đời em sẽ cố gắng học”

Chia sẻ với chúng tôi nhân dịp về thăm Thủ đô, nhiều em cho biết, các em muốn được học tiếp, học đến bao giờ không học được nữa mới thôi.
Em Hờ A Lềnh đang trò chuyện với PV, em có mong muốn giản dị: Được làm người nông thôn. Ảnh Xuân Trung
Em Hờ A Lềnh đang trò chuyện với PV, em có mong muốn giản dị: Được làm người nông thôn. Ảnh Xuân Trung
Em Hờ A Thinh, năm nay đã 16 tuổi nhưng chỉ học lớp 8, với vẻ mặt rạng ngời nhưng có phần già đi đôi chút so với tuổi của em. Các cô giáo cho hay, ở nhà, Thinh được coi là một lao động chủ lực, không thể thiếu. Trong 8 anh chị em duy chỉ còn Thinh được học tới bây giờ.

Em cho chúng tôi biết, mặc dù nhà ở xa (bản Làng Lao) mỗi lần đi bộ hết khoảng 6-7 tiếng mới tới lớp học nhưng không vì thế mà A Thinh bỏ học.

“Bố mẹ ở nhà chỉ làm ruộng thôi. Nhà nhiều ruộng nhưng toàn ở trên cao, không bón được phân nên không tốt. Ở nhà cũng có 2 cong (con) bò, hơn 10 cong lợn và gà. Bố mẹ ở nhà quanh năm đói, không đủ ăn. Bố mẹ cho mình đi học đã dặn rồi, không được lấy vợ sớm, bao giờ học xong thì lấy vợ vẫn chưa muộn. Năm trước mình có thích 1 đứa ở bản, nó bảo cưới nhưng mình bận học nên nó bỏ đi lấy chồng rồi. Đời mình cũng cố gắng học, dù gì đi nữa đời bố mẹ khổ rồi. Mình sẽ cố gắng học xong lớp 12” - Hờ A Thinh dứt khoát nói.

Nói nhỏ với tôi, Hờ A Thinh bảo, mong muốn làm nhiều việc lắm, sau này muốn được làm công an bản, vì tại bản chưa có ai làm công an. Một ước mơ khác của A Thinh là làm xây dựng.

Cùng suy nghĩ với Hờ A Thinh, em Hờ A Lềnh, lớp 9C ở thôn Táng Khờ thủ thỉ rằng, sau này em mong muốn được làm người nông thôn. Sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em, riêng 2 anh trai không được học gì vì: “Ngày xưa, nó khổ, bố mẹ cũng khổ vì phải kiếm ăn nên không đi học được".

Mong  muốn của mình ư! Chỉ mong học tiếp lên cấp III thôi, sau này được học tiếp thì học mà không thì về làm người nông dân” Hờ A Lềnh cho biết về dự định tương lai của mình.

Những em nhỏ vùng cao là thế, do cách trở địa hình, ít khi được tiếp cần với môi trường đông người, ngay cả tiếng kinh các em vẫn chưa sõi. Ít khi các em tự ý thức được những ước mơ của mình. Nhưng khi gặp, những lời nói và ánh mắt của các em học sinh vùng cao này đủ để nói lên nhiều điều suy nghĩ.

Em Sùng Thị Sua, học sinh lớp 7A cho biết, mặc dù đi bộ 10km để tới trường nhưng chưa bao giờ em nghĩ sẽ bỏ học giữa chừng. “Ước  mơ sau này của em sẽ trở thành bác sỹ để về khám chữa bệnh cho các em trong bản. Có thầy thuốc tại bản sẽ chữa được nhiều bệnh hơn, không phải đi xuống huyện như trước kia nữa”.

Em Sùng Thị Sa, học sinh lớp 8A cũng thầm ước: “Nhà em làm ruộng, hiện có 3 anh đang đi học. Nhưng học xong lớp 12 vẫn chưa xin được việc. Riêng em, em chỉ mong ước sau này được thành người làm trong ngành công nghiệp hay giáo viên ở bản để dạy và động viên các em đi học”.

Xuân Trung