Phó thủ tướng Vương Đình Huệ muốn 13 tỉnh Sông Cửu Long hành động ngay tức khắc

12/07/2016 15:14
Liêm Thanh
(GDVN) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long triển khai ngay cơ chế liên kết vùng theo quyết định của Thủ tướng Chính

Sáng ngày 11/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đạt được các kết quả khá toàn diện trên các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong 6 tháng đầu năm 2016.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là những con số đáng mừng!
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là những con số đáng mừng!

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế toàn vùng đạt 6,5%, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước là 5,52%. Sản xuất công nghiệp xây dựng và dịch vụ tăng cao hơn bình quân chung cả nước. Lạm phát tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức bình quân của cả nước. Đặc biệt trong bối cảnh thu ngân sách của cả nước mới chỉ đạt 47% kế hoạch nhưng các tỉnh đã đạt 57%.

Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của toàn vùng có xu hướng tăng khi mời gọi được 79 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1 tỷ USD. Ngoài ra, có gần 3.900 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn là 40.000 tỷ đồng, tăng 9,2% về số lượng và 128% về vốn đăng ký. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là những con số đáng mừng, thể hiện tác động tích cực của các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35) và hứa hẹn tăng trưởng kinh tế của vùng sẽ cao hơn trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá các vấn đề quốc phòng, an ninh cùng vùng được đảm bảo cơ bản, tình hình tôn giáo ổn định.

Tuy nhiên, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ bày tỏ lo ngại về vấn đề nông lâm ngư nghiệp gặp khó khăn trong tăng trưởng, nhất là nông nghiệp.

Sản lượng lương thực cả nước giảm 1,3 triệu tấn thì tại vùng ĐBSCL đã giảm 1 triệu tấn, đã tác động chủ yếu tới hệ quả tăng trưởng âm (2,2%) của ngành sản xuất nông nghiệp nói chung. 

Bên cạnh đó, nhìn vào số liệu xuất nhập khẩu, Phó Thủ tướng cho rằng 13 tỉnh ĐBSCL có giá trị xuất khẩu tăng 5,5% và đặc biệt nhập khẩu giảm 2% và đề nghị các địa phương phân tích rõ việc giảm nhập khẩu do yếu tố giá hay sản lượng để đánh giá ảnh hưởng tới việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất trong Quý III và Quý IV/2016.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm tới quốc phòng, an ninh và vấn đề tôn giáo khi còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp; tình trạng gian lận và buôn lậu ở tuyến biên mậu và việc phòng, chống ma túy trên địa bàn.

Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2016 của cả nước và của mỗi địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các tỉnh, thành trong vùng bám sát các Nghị quyết 01 của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 2016, đặc biệt là các Nghị quyết 19 và 35 để tập trung chỉ đạo thực hiện. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết của Chính phủ mới ban hành, kể cả giải ngân vốn xây dựng cơ bản, trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA để tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm. “Năm nay phải giải ngân hết, không để có tiền mà không tiêu được”, Phó Thủ tướng nói tinh thần của Nghị quyết này.

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai 6 tháng cuối năm.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai 6 tháng cuối năm.

Một giải pháp nữa để đảm bảo tăng trưởng, theo Phó Thủ tướng là đẩy mạnh nuôi trồng tôm thẻ chân trắng, sản xuất vụ lúa đông xuân của vùng đi liền với tiết kiệm chi phí, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến để lấy lại đà tăng trưởng của nông nghiệp.

Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các địa phương trong vùng phối hợp với tổng công ty lương thực miền Bắc để thực hiện chính sách tạm trữ muối, đảm bảo đời sống của diêm dân.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhanh chóng kiện toàn bộ máy để đi vào hoạt động gắn với triển khai Quyết định số 593 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm cơ chế liên kết vùng ĐBSCL và gắn với kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn 2016- 2020. 

“Nếu liên kết vùng mà cứ làm theo cách cũ thì khó thành công. Các tổ chức Quốc tế nói ĐBSCL phải hành động không hối tiếc còn giờ Chính phủ cần ĐBSCL hành động ngay tức khắc, không chậm chễ khi mà biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nặng nề hơn mức ta dự báo rất nhiều”, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nói.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư- cơ quan chủ trì việc thực hiện Quyết định 593 xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết để các Bộ, ngành và địa phương thực hiện.

Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phát huy vai trò điều phối để phối hợp thực hiện. Thành lập Tổ liên ngành triển khai Quyết định này do Phó ban thường trực Ban và Thứ trưởng Bộ KHĐT làm đồng Tổ trưởng và tạo mọi điều kiện để các bên hoạt động.

Nhằm đổi mới cách làm trong thực hiện liên kết vùng, Phó Thủ tướng giao Thường trực Ban chỉ đạo đăng phối hợp với các Bộ về kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, giải quyết bài toán logistic ở vùng theo hướng hạn chế xây dựng thêm công trình BOT.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ muốn 13 tỉnh Sông Cửu Long hành động ngay tức khắc ảnh 3

Ông Vương Đình Huệ: Tìm giải pháp xóa tình trạng 63 tỉnh, 63 nền kinh tế

(GDVN) - Sáng 3/ 4, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị chuyên đề về kiểm soát mặn, trữ ngọt và quản lý tài nguyên nước trong đó có lồng ghép cả vốn ODA để thực hiện và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trong tháng 9, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị chuyên đề về tái cơ cấu nông nghiệp, kết hợp định hướng sử dụng đất 5 năm tới, việ thực hiện chương trình nông thôn mới, phát triển kinh tế hợp tác và chuỗi giá trị cho ĐBSCL để có quyết sách cụ thể về tái cơ cấu và thích ứng biến đổi khí hậu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị thu hút vốn đầu tư FDI, các chương trình tín dụng cho ĐBSCL, khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các địa phương tổ chức tốt Diễn đàn kinh tế đầu tư vùng ĐBSCL- MDEC 2016 Hậu Giang. Đồng thời chuẩn bị tốt cho MDEC 2017 dự kiến tổ chức tại Bạc Liêu; đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Đề án đặc khu Phú Quốc.

Liêm Thanh