Gánh nặng của học thêm đâu chỉ là tốn kém thời gian và tiền bạc!

30/07/2016 07:55
Phan Tuyết
(GDVN) - Việc học thêm nhiều đã trở thành gánh nặng về thời gian và tiền bạc cho học sinh và chính gia đình các em.

LTS: Tiếp tục bàn luận về tác hại của việc học thêm, cô giáo Phan Tuyết đã có bài viết thể hiện quan điểm cho rằng việc học thêm đã trở thành gánh nặng về thời gian và tiền bạc cho học sinh và chính gia đình các em.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Với học sinh cấp hai, cấp ba nếu làm cuộc phỏng vấn: “Em có đi học thêm không?” chắc chắn sẽ nhận được ít nhất 90% câu trả lời là có, với những em học ít thì chỉ học một môn, nhiều thì đến năm môn một tuần.

Đã có nhiều công văn, nhiều quy định về việc dạy thêm, học thêm tràn lan nhưng tình trạng ấy không được chấm dứt, mà chỉ chuyển từ việc dạy công khai đơn lẻ sang dạy tập trung dưới danh nghĩa trung tâm hay nhà trường. 

Việc học thêm nhiều đã trở thành gánh nặng về thời gian và tiền bạc cho học sinh và chính gia đình các em.

Trong thực tế, vẫn còn không ít thầy cô giáo lấy việc dạy thêm làm thu nhập chính nên không ít người đã tung “chiêu” theo kiểu “nhử mồi” để hút các em vào lớp dạy thêm của mình. 

Một học sinh hiện đang học lớp 9 trường Trung học Cơ sở X. than phiền: 

Con tự học ở nhà, dù rất cố gắng nhưng mỗi lần kiểm tra giỏi lắm cũng chỉ được 8 điểm còn mấy bạn trên lớp, học dở hơn con nhưng nhờ đi học thêm của cô giáo mà luôn làm được điểm 9, 10”. 

Muốn chấm dứt tình trạng học thêm, dạy thêm, nếu chỉ cấm thôi chưa đủ (Ảnh: anninhthudo.vn).
Muốn chấm dứt tình trạng học thêm, dạy thêm, nếu chỉ cấm thôi chưa đủ (Ảnh: anninhthudo.vn).

Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi khi đi học thêm các em sẽ được ôn các dạng toán sẽ có trong đề kiểm tra đặc biệt là một số bài toán nâng cao mà trên lớp học không có thời gian để thầy cô giảng.

Lý do học sinh đi học thêm

Khác với những thế hệ học sinh trước đây luôn lấy việc tự học là chính, ngoài giờ lên lớp, các em về nhà mua sách vở và tự học, có khi đôi ba bạn học sinh cùng trình độ tự thành lập nhóm học thêm mà không cần đến giáo viên, ngày nay, rất hiếm bắt gặp những nhóm học như thế. 

Ngoài một số ít học sinh đi học thêm để có thêm kiến thức, sự hiểu biết cho mình, nhiều em đi học thêm với những lý do thật ngớ ngẩn, học thêm để có điểm cao cho ba mẹ vui lòng. 

Số khác lại tình nguyện đi học thêm bởi: “Về nhà đỡ mất công học bài, soạn bài bởi đi học thêm thầy cô đã giảng trước những kiến thức bài mới”, không ít em đi học thêm chỉ với lý do đơn giản “đỡ sợ bị thầy cô đì, thầy cô làm khó”. 

Gánh nặng thời gian, tiền bạc

Mức học phí thường được giáo viên dạy thêm ấn định. 

Gánh nặng của học thêm đâu chỉ là tốn kém thời gian và tiền bạc! ảnh 2

Cô giáo liệt kê những “độc chiêu” ép học sinh đi học thêm

(GDVN) - Chỉ học thêm mới thi trúng đề, được ưu ái và thuộc những nội dung kiểm tra trên lớp là những “chiêu trò” các giáo viên đang áp dụng với lớp học thêm của mình.

Một giáo viên cấp 3 nói: “Mỗi cua dạy phải đảm bảo ít nhất 3 triệu đồng trở lên mới đảm nhận”. 

Nếu một em học cũng phải trả 3 triệu đồng/tháng, 10 em học mỗi em đóng 300 ngàn đồng. 

Thường thì những gia đình có điều kiện họ gửi học kèm cho con theo chế độ đặc biệt 3 triệu đồng cho 8 buổi học một môn mỗi tháng. 

Nếu học kèm 3 môn cho khối mình sẽ dự thi, cha mẹ các em phải bỏ ra gần chục triệu đồng một tháng. 

Thường thì vài em chung một nhóm nhưng có em chỉ thích thầy cô kèm một mình. 

Những lớp học có vài chục em, học phí giao động từ 200 đến 300 ngàn một em, đây là số tiền không nhỏ đối với các gia đình lao động phổ thông. 

Một phụ huynh chia sẻ: “Không cho con đi học thì không yên tâm, đi học thêm kiểu này, lo tiền cho con cũng đuối. Nhiều khi tiền ăn có thể thiếu nhưng tiền học thêm của con phải đầy đủ nếu không thầy cô sẽ cho con nghỉ học ngay”. 

Gánh nặng của học thêm đâu chỉ là tốn kém thời gian và tiền bạc! ảnh 3

Làm được những điều này, không cần cấm thì dạy thêm học thêm cũng sẽ giảm

Mỗi tiết học không quá một tiếng rưỡi, mỗi tuần học khoảng 3 tiếng đồng hồ, với mức thu học phí như thế quả không nhỏ chút nào, một giáo viên chịu khó “cày” một tháng thu cũng vài chục triệu đồng.

Ngoài giờ trên lớp, các em lại tất tả chạy xô về các lớp học thêm, nhiều em tan trường chưa kịp ăn miếng gì lót dạ đã phải vào lớp học thêm học tiếp, có em về đến nhà trong tình trạng mệt mỏi, bơ phờ trông đến tội. 

Giá như các trường đều tổ chức ôn tập, phụ đạo cho học sinh yếu kém, dạy nâng cao, bồi dưỡng cho học sinh khá giỏi mà mức thu học phí vừa phải như những năm trước đây chắc chắn sẽ giảm được áp lực kinh tế cho nhiều gia đình, cũng góp phần hạn chế được tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan như hiện nay.

Phan Tuyết