Ba vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế quốc dân

02/08/2016 11:35
ThS. Trương Khắc Trà
(GDVN) - Năng suất lao động thấp, nợ công và những bất cập của giáo dục bậc Đại học đang là những nút “thắt” buộc phải gỡ bỏ nếu muốn mở cửa hội nhập kinh tế.

LTS: Trong hai kì viết trước, ThS.  Trương Khắc Trà đã đặt ra những thách thức “nổi cộm” còn tồn đọng, trở thành những nhiệm vụ cần giải quyết cho Chính phủ mới (nhiệm kì 2016 – 2021).

Những vấn đề bao gồm: nạn tham nhũng, lãng phí; vấn nạn thực phẩm bẩn; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; công tác nhân sự trong bộ máy Nhà nước; những quyết sách về Biển Đông và kinh tế biển đảo; …

Trong kì này tác giả tiếp tục đưa ra ba vấn đề được xem là liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế quốc dân mà theo tác giả là cái “then” cần dỡ bỏ nếu muốn mở cánh cửa hội nhập kinh tế cho đất nước.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Tiếp theo hai bài viết trước trong bài này, người viết nêu ra thêm ba vấn đề liên quan trực tiếp đến phát triển nền kinh tế quốc dân, dù muốn hay không Chính phủ mới cũng phải đối mặt và giải quyết, bởi theo quan điểm cá nhân của mình tôi cho rằng đây là những cái “then” cần phải dỡ bỏ nếu muốn mở cánh cửa hội nhập.

Thứ nhất: Năng suất lao động thấp - một nút thắt của nền kinh tế

Tình trạng này đã được các chuyên gia, nhà khoa học cảnh báo từ lâu nhưng chúng ta thiếu đi những giải pháp căn cơ để biến chuyển tình hình. 

Năng suất lao động như là đôi cánh của nền kinh tế, nền kinh tế có bay cao, bay xa hay không là phụ thuộc vào đôi cánh này. 

Thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp vẫn có thể tồn tại trong tình trạng thiếu vốn, hẹp thị trường và chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt nhưng chắc chắn sẽ chết dần, chết mòn nếu năng suất lao động thấp.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần [1], là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, xấp xỉ Lào và chỉ cao hơn chút ít so với Myanmar và Campuchia.

Phụ nữ Việt Nam phải làm việc nhiều giờ/tuần, thu nhập thấp nhưng vẫn thấy hài lòng! (Ảnh nguồn: vtc.vn).
Phụ nữ Việt Nam phải làm việc nhiều giờ/tuần, thu nhập thấp nhưng vẫn thấy hài lòng! (Ảnh nguồn: vtc.vn).

Những con số thống kê cho thấy năng suất lao động của người Việt đang ở mức báo động đỏ. 

Điều này càng khó chấp nhận với một đất nước hơn 90 triệu dân đang trong thời điểm dân số “vàng” (tạm hiểu là có số đông người trong độ tuổi lao động), có hơn 400 trường Đại học, Cao đẳng; 24.000 Tiến sỹ; hơn 225.000 cử nhân, thạc sỹ đang… ngồi chơi xơi nước!

“Tụt hậu”, “bị bỏ lại phía sau” là thực trạng không còn nằm trong vùng “nguy cơ” mà đã trở thành hiện thực vì nếu (giả định) Việt Nam vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007 - 2012 thì phải đến năm 2038 chúng ta mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.

Chỉ đơn cử như Singapore, quốc gia 5 triệu dân nhưng họ đã tạo ra khối lượng GDP 200 tỷ USD, trong khi dân số Việt Nam gấp hơn 18 lần họ nhưng cũng chỉ tạo ra khối lượng GDP tương đương, con số đủ để nói lên chúng ta đang bị bỏ lại xa so với khu vực và thế giới như thế nào.

Ba vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế quốc dân ảnh 2

7 nỗi lo lớn của dân tộc, lo cả ngoại xâm và nội xâm

Đã  hơn 20 năm tham gia cộng đồng ASEAN nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 quốc gia lạc hậu hơn so với phần còn lại, trong 20 năm đó lượng vốn ODA đổ vào Việt Nam là 90 tỷ USD [2] gần bằng ½ GDP hiện tại! 

Nhưng bài toán tụt hậu vẫn chưa có lời giải, các chuyên gia WB (Ngân hàng thế giới) nhận xét “Việt Nam là nước không chịu phát triển”. 

Có nhiều nguyên nhân gây ra kết quả không mong muốn này nhưng “nút thắt” cổ chai đó là năng suất lao động thấp.

Thứ hai: “Bài toán” nợ công sẽ được Chính phủ mới giải như thế nào?

Tham nhũng, lãng phí, “lạm phát” biên chế trong bộ máy Nhà nước và thiếu hiệu quả đầu tư công… là những tác động tổng hợp khiến nợ công tăng vùn vụt trong vài năm qua khiến Chính phủ lần đầu tiên thẳng thắn thừa nhận “nợ công đang tăng nhanh” với những con số gây giật mình. 

Năm 2011, nợ công bằng 50% GDP, tăng 24% so với năm trước; đến năm 2012 là 50,8%; năm 2013 là 54,2%; năm 2014 ước đạt 60,3% và 2015 là 64% GDP. [3]

Ba vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế quốc dân ảnh 3

Nợ công tăng do chúng ta vay để trả nợ

Căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều chuyên gia đưa ra ước tính và cho rằng tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã vượt mức 100%. 

Rõ ràng nền kinh tế sẽ bất ổn nếu cứ cắp rổ đi vay và trả nợ, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển sẽ teo tóp dần, lưu ý rằng nhiều khoản vay quốc tế được đánh đổi bằng ưu đãi về đầu tư cho các nhà tư bản ngoại quốc, cái mà C. Mác gọi “Tư bản tài chính”.

Việc dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dự kiến vay của Trung Quốc 7000 tỷ đồng để xây dựng khiến dư luận lo lắng về những thứ phải đánh đổi để có được nguồn vốn này, bài học về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông liên tục đội vốn, chậm tiến độ do nhà thầu Trung Quốc “lật kèo” vẫn còn đó.

Nợ công chính là bài toán đau đầu nhất trong tất cả những vấn đề mà Chính phủ phải đương đầu trong nhiệm kỳ mới, khái quát tình trạng này tờ Dân trí đã giật tít “Ngân sách “đi trên dây” và cơn đau đầu của Bộ trưởng tài chính”.

Thứ ba: Tình trạng thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp và chất lượng nền giáo dục Đại học là những vấn đề không thể không quan tâm giải quyết.

Thị trường lao động Việt Nam đang lâm vào nghịch cảnh “thừa thầy thiếu thợ” bởi có trên 225.000 cử nhân và thạc sỹ đang thất nghiệp và con số này chắc chắn sẽ còn tăng trong những năm tới

Ba vấn đề trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển kinh tế quốc dân ảnh 4

Việt Nam phải có đại học tầm quốc tế, đào tạo ra công dân toàn cầu

Song hành với tình trạng này là chất lượng giáo dục Đại học nước ta đang gặp phải những trở ngại mang tính chiến lược.

Hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp đã gây lãng phí quá lớn về nguồn lực “vàng” để phát triển kinh tế, liệu Việt Nam có tránh được tình trạng “chưa giàu đã già” như nhận xét gãy gọn của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh!

Chất lượng giáo dục Đại học và thực trạng cử nhân ngồi chơi xơi nước đã gây ra tình cảnh chảy máu chất xám và chính sách “trải thảm đỏ” chưa thực chất khiến 13 quán quân Olympia du học thì 12 người ở lại phục vụ xứ người; đây chỉ là một trong hàng trăm trường hợp phung phí nhân tài có nguồn gốc sâu xa từ nền giáo dục lạc hậu.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, chưa bao giờ Việt Nam lại rơi vào cuộc khủng hoảng thừa... bằng cấp trầm trọng như giai đoạn hiện nay. 

Điều đáng nói là trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước có xu hướng giảm thì tỷ lệ thất nghiệp ở trình độ từ cử nhân trở lên lại gia tăng.

“Tự chủ Đại học” là giải pháp và con đường không thể không “đi” nếu muốn hiện đại hóa nền giáo dục Đại học, làm xích lại gần nhau hơn giữa “thị trường” và “nhà trường”.

Những vấn đề nhức nhối này vẫn đang chờ Chính phủ mới tìm cách giải quyết, là những “ung nhọt” khiến những cơn đau kéo dài và gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. 

Nhưng chúng ta có lý do để hy vọng và chờ đợi vào một Chính phủ kiến tạo và phục vụ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Chùm bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn, hướng nghiên cứu và cách hành văn của riêng tác giả.

Tài liệu tham khảo

[1]http://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/nguyen-nhan-sau-xa-khien-nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-thap-361520.vov

[2] http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/them-nhung-su-that-dang-long-ve-kinh-te-viet-nam-3281364/

[3] http://vietnamnet.vn/vn/ban-tron-truc-tuyen/206233/bai-hoc-tu-nhung-cong-trinh-tien-ty-bo-hoang.html

ThS. Trương Khắc Trà