Chung cư của ông Thản dẫn đầu danh sách "đen" mất an toàn cháy, nổ

01/08/2016 07:12
Mai Anh
(GDVN) - Có đến 15 trong tổng số 38 chung cư trên địa bàn Hà Nội không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy là của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội vừa công bố danh sách các dự án chung cư cao tầng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.

Trong danh sách 38 dự án thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật về phóng cháy chữa cháy, có đến 15 dự án do chi nhánh hoặc trực tiếp Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (do “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản làm giám đốc - PV) làm chủ đầu tư.

Thậm chí, có những dự án chung cư cao tầng của vị đại gia này dù đã được cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội nhiều lần nhắc nhở nhưng không khắc phục các tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy. 

Một góc tòa nhà HH4C nằm trong tổ hợp chung cư HH Linh Đàm của đại gia Lê Thanh Thản - ảnh: H.Lực.
Một góc tòa nhà HH4C nằm trong tổ hợp chung cư HH Linh Đàm của đại gia Lê Thanh Thản - ảnh: H.Lực.

Thông tin những dự án của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản chiếm gần một nửa danh sách các chung cư không đảm bảo yêu cầu phòng chống cháy nổ không khiến dư luận bất ngờ.

Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, hàng loạt vụ cháy, nổ đã xảy ra tại các chung cư của đại gia Lê Thanh Thản như Xa La và Linh Đàm khiến cư dân tại đây luôn bị đặt vào tình trạng "sống trong sợ hãi".

Đáng chú ý, đây là 2 khu chung cư có mật độ xây dựng lớn, tập trung dân cư đông đúc bậc nhất tại Hà Nội.

Vụ cháy nổ xảy ra  hồi 20h ngày 11/10/2015 tại khu chung cư CT4A-CT4B-CT4C khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) đã bộ lộ rõ thiết kế thiếu an toàn của tòa nhà này. 

Tòa nhà VP5 một trong 15 chung cư của đại gia Lê Thanh Thản thiếu an toàn về phòng cháy chữa cháy - ảnh H.Lực.
Tòa nhà VP5 một trong 15 chung cư của đại gia Lê Thanh Thản thiếu an toàn về phòng cháy chữa cháy - ảnh H.Lực.

Cụ thể vào thời điểm trên, sau tiếng nổ lớn phát ra từ tầng hầm, ngọn lửa, kèm khói đen bốc lên nghi ngút. Do tầng hầm của CT4A, CT4B, CT4C thông nhau nên khói đen tỏa đi khắp nơi.

Điện bị cắt, thang máy ngừng hoạt động khiến cư dân hoảng loạn chạy xuống. Hàng trăm bộ đội, dân quân được huy động đến hiện trường, cùng nhiều xe chữa cháy, xe thang, quạt hút khói tới để hạn chế khí độc bốc mạnh lên các tầng trên.

Gần 4h chữa cháy, cứu hộ, lực lượng chức năng đã cứu được hơn 200 người mắc kẹt ở các tòa nhà, trong đó có khoảng 10 người bị ngạt khói phải nhập viện. Theo thống kê ban đầu có khoảng hơn 200 xe máy bị cháy và 1 ô tô bị ảnh hưởng bởi nhiệt.

Những chung cư của đại gia Lê Thanh Thản có nguy cơ cháy nổ do thiếu điều kiện an toàn về phóng cháy chữa cháy gồm: Tòa CT1; Tòa CT2; Tòa CT3; Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp; Tòa nhà CT4; Tòa nhà CT6 Xa La thuộc Khu đô thị Xa La - Hà Đông;

Tòa nhà VP5; Tòa nhà VP3; chung cư HH1 thuộc bán đảo Linh Đàm; Chung cư cao tầng CT12 và CT12 thuộc Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ
Hoàng Mai; Tòa nhà VP6 (Hoàng Liệt - Hoàng Mai)

Tòa nhà CT5 xã Tân Triều -Thanh Trì; Chung cư CT10 và Chung cư CT8 (Tả Thanh Oai - Thanh Trì).

Tương tự vụ cháy tại tòa B CT5 khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) ngày 20/9/2015 cũng khiến người dân hốt hoảng.

Theo người dân cho biết, khoảng 20h tòa nhà bị mất điện, hệ thống báo cháy không có tín hiệu. Khói đen bốc lên từ tầng kỹ thuật điện (tầng 9) của tòa nhà và lan dần ra các tầng khác, ngay lập tức, các hộ dân hò hét nhau chạy.

Trong số dự án chung cư cao tầng do doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư, dự án chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) mới được đưa vào hoạt động năm 2015 cũng gặp các sự cố cháy nổ.

Mới nhất xảy ra vào khoảng 9h sáng 29/3/2016. Theo người dân sống tại chung cư, thời điểm đó họ nghe thấy hàng loạt tiếng nổ lớn kèm theo khói đen mù mịt bốc ra từ bốt điện phía sau toà nhà HH4C, giữa khu chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Rất may khi sự việc xảy ra, không có ai ở gần, nên không có thiệt hại về người, tuy nhiên, nhiều tòa nhà tại khu chung cư HH Linh Đàm bị mất điện.

Trước đó vào khoảng 11h trưa 16/9/2015, tòa nhà HH4A thuộc chung cư HH Linh Đàm bị cháy. Tại hiện trường, lực lượng cứu hỏa sử dụng 1 xe thang để tiếp cận đám cháy, giải cứu những nạn nhân mắc kẹt bên trong.

Đến hơn 12 giờ, lực lượng chức năng đã đưa được gần 80 người ra khỏi tòa nhà, trong đó có nhiều trẻ em. Nguyên nhân vụ cháy được xác định là do sự cố từ hộp kỹ thuật tầng 17. 

Mặc dù liên tiếp xảy ra cháy, nổ nhưng các chung cư này khắc phục sự cố đến đâu, đã đảm bảo điều kiện an toàn hay chưa? Các cơ quan chức năng có thanh, kiểm tra, xử lý các dự án của ông Thản hay không? Đặc biệt, tại sao liên tục vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng chủ đầu tư này vẫn được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép hàng loạt các dự án trên địa bàn?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: “Trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội”.

TS Phạm Sỹ Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trong cuộc trao đổi với phóng viên (ảnh H.Lực).
TS Phạm Sỹ Liêm nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trong cuộc trao đổi với phóng viên (ảnh H.Lực).

Trách nhiệm cơ quan nhà nước thể hiện ở hai khía cạnh: Thứ nhất, trong quá trình phê duyệt đầu tư dự án chung cư cao tầng luôn có thiết kế phòng cháy chữa cháy. Thiết kế bao gồm hệ thống thang bộ, lối thoát hiểm, thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ…

“Phải căn cứ vào thiết kế phòng cháy đã được cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phê duyệt thì cơ quan quản lý xây dựng mới cấp phép cho doanh nghiệp được xây dựng”, TS. Liêm cho biết.

Thứ hai, khi dự án hoàn thành nghiệm thu bao giờ cũng nghiệm thu điều kiện phóng cháy chữa cháy tại các chung cư, đơn vị nghiệm thu chính là cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

“Vấn đề ở đây, tại sao các dự án của ông Thản nói riêng và 38 dự án chung cư tại Hà Nội lại không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy nói chung vẫn được hoạt động. Cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra như thế nào, xử lý như. Có dứt khoát quyết liệt xử lý hay không”, TS. Liêm nói.

Về phía chủ đầu tư như Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên, theo TS. Liêm, đầu tư kinh doanh bất động sản không phải ăn xổi, xong dự án là xong mà phải giữ uy tín doanh nghiệp, có trách nhiệm với dự án mình đầu tư. 

Rõ ràng, các sự cố cháy, nổ tại các chung cư của ông Thản diễn ra trong thời gian dài vừa qua nhưng đến nay, thông tin của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội công bố vẫn cho thấy một lượng lớn các dự án của đơn vị này vẫn vi phạm an toàn cháy, nổ là không bình thường. 

Bởi, dự án đã không an toàn thì không được phê duyệt, không được nghiệm thu trong khi các chung cư vi phạm trên đã đi vào hoạt động. Vậy lổ hổng ở đâu? Các cư dân phải ứng phó thế nào khi sống trong những khu chung cư như thế?

Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những bất cập trong các dự án này. 

Mai Anh