Chủ đầu tư "dọa" đóng cầu Hạc Trì: Anh đóng cũng được, chứ đừng thách đố

10/08/2016 10:47
Mai Anh
(GDVN) - Trước đề nghị của chủ đầu tư cầu Hạc Trì, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Anh đóng cầu cũng được, chứ đừng thách đố với Nhà nước".

Ra "tối hậu thư" dọa đóng cầu Hạc Trì

Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì – chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng, đề nghị có phương án cấm triệt để phương tiện ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì cũ. Đồng thời trả nguyên trạng ụ nổi, rào chắn phân luồng giao thông qua cầu Việt Trì cũ.

Chủ đầu tư cầu Hạc Trì cho biết, đang rất khó khăn khi hàng loạt cam kết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà đầu tư trong phương án tài chính xây dựng cầu Hạc Trì đã không được thực hiện.

Theo phương án tài chính xây dựng cầu Hạc Trì, dự án phải đạt mức thu phí 138 tỷ đồng/năm, tương đương 11,5 tỷ đồng/tháng, nhưng hiện chỉ đạt 7-8 tỷ đồng/tháng.

Với doanh thu này, Công ty BOT cầu Việt Trì không đủ trả lương cho người lao động địa phương, trả lãi ngân hàng và chi phí quản lý, khai thác cầu chứ chưa nói gì đến việc thu hồi vốn đầu tư.

Chủ đầu tư BOT cầu Hạc Trì ra “tối hậu thư” gửi các cơ quan chức năng nếu không được giải quyết trong 15 ngày sẽ dừng hoạt động cầu - ảnh nguồn Báo Giao thông vận tải.
Chủ đầu tư BOT cầu Hạc Trì ra “tối hậu thư” gửi các cơ quan chức năng nếu không được giải quyết trong 15 ngày sẽ dừng hoạt động cầu - ảnh nguồn Báo Giao thông vận tải.

“Nếu tình trạng này kéo dài thêm một thời gian thì Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì và các cổ đông của công ty có thể sẽ bị phá sản. Kéo theo hàng trăm người lao động của chúng tôi đứng trước nguy cơ thất nghiệp”, văn bản của Công ty cổ phần BOT Cầu Việt Trì nêu rõ.

Do vậy, nhà đầu tư đề nghị trả lại nguyên hiện trạng hệ thống kỹ thuật phân luồng giao thông tại cầu Việt Trì cũ, để đảm bảo thu hồi vốn theo cam kết khi kêu gọi thực hiện dự án đối với nhà đầu tư xây dựng cầu Hạc Trì.

Đồng thời, về lâu dài nhà đầu tư xin đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 2 đoạn Việt Trì – Vĩnh Yên và dịch chuyển trạm thu phí, nhằm khai thác đồng bộ, hiệu quả với hệ thống hạ tầng hiện có.

Trong văn bản gửi đến các cơ quan chức năng, chủ đầu tư dự án cầu Hạc Trì nhấn mạnh: “Trong thời gian 15 ngày, nếu các cơ quan có thẩm quyền không giải quyết triệt để vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư, trong đó hệ lụy đến hàng trăm người lao động địa phương, đối tác, nhà thầu, ngân hàng thì chúng tôi xin được dừng hoạt động cầu Hạc Trì để giải quyết vụ việc rõ ràng thấu đáo khi chúng tôi bị dồn vào đường cùng”.

"Anh đóng cầu cũng được, đừng thách đố Nhà nước"

Trước tối hậu thư dọa đóng cầu Hạc Trì nhằm gây sức ép lên cơ quan quản lý nhà nước của Công ty Cổ phần BOT Việt Trì, trả lời báo chí ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: Công ty CP BOT Việt Trì không có quyền dừng hoạt động cầu Hạc Trì, nếu tự ý thực hiện sẽ bị xử phạt.

“Kiến nghị của chủ đầu tư sẽ được các Bộ ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền. Nhà đầu tư không được phép tự ý dừng hoạt động công trình BOT.

Hiện Tổng cục Đường bộ đang chờ có kết luận của Tổ công tác đánh giá chất lượng cầu Việt Trì cũ, sau đó có phương án sửa chữa cầu cũ để cho xe từ 7 chỗ trở xuống lưu thông. Tiếp đó sẽ đưa ra kiến nghị về phương án tài chính cho chủ đầu tư cầu Hạc Trì”, ông Huyện cho biết.

Chủ đầu tư "dọa" đóng cầu Hạc Trì: Anh đóng cũng được, chứ đừng thách đố ảnh 2

Kết luận của Phó Thủ tướng về kiểm tra cầu Việt Trì, Hạc Trì

Chủ đầu tư "dọa" đóng cầu Hạc Trì: Anh đóng cũng được, chứ đừng thách đố ảnh 3

Từ vụ cấm ô tô qua cầu Việt Trì, Chính phủ yêu cầu rà soát BOT cầu Hạc Trì

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc khảo sát, đánh giá lại toàn bộ cầu Việt Trì cũ, sau đó sẽ lên phương án tổ chức giao thông qua cầu Việt Trì và Hạc Trì.

“Sau khi khảo sát và đánh giá năng lực khai thác của cầu Việt Trì có thể tính tới phương án hạn chế phương tiện trên 7 chỗ qua cầu, chỉ cho phép lưu thông qua cầu Việt Trì đối với xe từ 7 chỗ trở xuống.

Đồng thời, có thể sẽ hỗ trợ nhà đầu tư bằng biện pháp kéo dài thời gian thu phí hoặc Nhà nước hỗ trợ lãi suất ngân hàng nhằm đảm bảo phương án tài chính và khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.

Trả lời Dân Việt về những đề nghị trên của chủ đầu tư Cầu Hạc Trì, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Không thể nào chấp nhận được những nhà đầu tư kiểu đó. Anh đóng cầu cũng được, chứ đừng thách đố với Nhà nước. Tiền đầu tư xây cầu anh đi vay ngân hàng thương mại, suy cho cùng cũng là tiền của dân gửi vào mà bây giờ còn đi thách đố”.

Mâu thuẫn giữa người dân TP Việt Trì với chủ đầu tư cầu Hạc Trì bùng phát trong thời gian gần đây. Nhiều lần người dân đã chặn trạm thu phí cầu Hạc Trì vì cho rằng “bị ép đi cầu mới dù cầu cũ vẫn có thể sử dụng được”.

Trước việc chủ đầu tư ra “tối hậu thư”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho rằng: “Anh nhắm mắt nhắm mũi vào đầu tư, bây giờ không thu được lại kêu là phá sản. Doanh nghiệp kinh doanh thì phải tính được lời lãi thế nào, chứ bây giờ tính nhầm lại đổ hết lên đầu dân là không được”.

Ông Thanh cũng đề nghị kiểm toán lại công trình này để xem tổng mức đầu tư đã hợp lý chưa.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông cũng nhấn mạnh: “Cách làm của chủ đầu tư dự án BOT cầu Hạc Trì là ra điều kiện, gây sức ép cơ quan quản lý nhà nước. Không thể chấp nhận cách hành xử này của doanh nghiệp”. 

Theo TS. Thủy với nhà đầu tư đặt điều kiện, gây sức ép như Công ty CP BOT Cầu Việt Trì thì không thể cấp phép cho đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 2 đoạn Việt Trì – Vĩnh Yên và dịch chuyển trạm thu phí như đề nghị được.

“Anh phải hiểu đường này là của người dân, anh xin đầu tư kinh doanh thì phải tính toán được lời lãi, phải tính toán được dự án khi đi vào khai thác sẽ gặp khó khăn trở ngại gì. Huống hồ khi người dân thấy bất hợp lý có ý kiến phản đối, rồi khi cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra giám sát lại ra “tối hậu thư” đòi đóng cầu. Hành xử như vậy không thể cấp phép đầu tư dự án khác”, TS. Thủy nêu quan điểm.

Theo TS. Thủy, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải đánh giá toàn diện cầu Việt Trì cũ, xây dựng phương án lưu thông trên cầu cũ đảm bảo an toàn cho cầu, thuận lợi cho người dân. Đồng thời ông Thủy cho rằng, cần rà soát lại suất đầu tư và phương án thu phí cầu Hạc Trì.

Được biết hiện, Bộ Giao thông vận tải đang lên phương án sửa chữa cầu Việt Trì để phục vụ xe dưới 7 chỗ ngồi cho người dân đi lại (chưa quyết định sẽ sửa chữa bằng vốn ngân sách hay vốn của nhà đầu tư), đi kèm với đó sẽ tính lại phương án tài chính, thời gian thu phí của dự án cầu Hạc Trì.

Mai Anh