Hậu kiểm tra thu phí BOT: Nếu không minh bạch xử lý dễ bị hiểu là bao che

12/08/2016 07:26
Mai Anh
(GDVN) - Sau khi kiểm tra phát hiện sai sót, Bộ Giao thông vận tải làm gì? Điều này phải minh bạch, công khai tránh dư luận cho rằng Bộ đang bao che”, TS. Thủy nói.

Sau khi kiểm tra, xử lý thế nào?

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa cho biết, sẽ tiến hành thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong việc giám sát, chống thất thu tại trạm thu phí Km 82+300 trên Quốc lộ 5 thuộc xã Lê Thiện, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, hiện do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) quản lý, khai thác.

Thời gian thực hiện kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện 24/24 giờ trong 10 ngày liên tục, dự kiến bắt đầu từ ngày 15-24/8/2016.

Trong thời gian đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổ chức lực lượng tiến hành giám sát công tác thu phí nhằm xác định doanh thu thực tế tại trạm.

Dự kiến bắt đầu từ ngày 15-24/8/2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiến hành giám sát 24/24 giờ công tác thu phí tại Quốc lộ 5. Ảnh: nguồn Báo Đất Việt.
Dự kiến bắt đầu từ ngày 15-24/8/2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiến hành giám sát 24/24 giờ công tác thu phí tại Quốc lộ 5. Ảnh: nguồn Báo Đất Việt.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện kiểm tra, giám sát thu phí trên Quốc lộ 5 được cho có liên quan đến phản ánh cơ quan báo chí về việc nhân viên trạm thu trên Quốc lộ 5 không giao cuống vé, thu tiền thấp hơn quy định... dẫn đến nguy cơ hàng chục tỷ đồng của nhà nước thất thoát.

Được biết, sau khi có phản ánh của cơ quan báo chí về việc gian lận mức thu phí trên Quốc lộ 5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí.

Trước đó (trong tháng 7/2016), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai kiểm tra giám sát thu phí 10 ngày liên tục tại các trạm thu phí của Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội) theo hình thức hợp đồng BOT.

Báo cáo của đoàn kiểm tra cho biết, sau 10 ngày tiến hành giám sát, kết quả doanh thu tại cao tốc này là 19,85 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thu vé lượt 17,5 tỷ đồng, vé tháng là 1,7 tỷ đồng và vé quý là 640,7 triệu đồng.

Chia bình quân, một ngày trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được 1,985 tỷ đồng.

Kết quả kiểm tra giám sát mức thu phí các trạm thu phí BOT trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho thấy mức phí thu trung bình 1 ngày trên toàn tuyến cao hơn nhiều con số báo cáo của doanh nghiệp - ảnh Phapluatplus.
Kết quả kiểm tra giám sát mức thu phí các trạm thu phí BOT trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho thấy mức phí thu trung bình 1 ngày trên toàn tuyến cao hơn nhiều con số báo cáo của doanh nghiệp - ảnh Phapluatplus.

Số thu này cao hơn rất nhiều so mức thu phí bình quân hàng ngày của các tháng trước đó do Công ty cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cổ đông (bình quân là gần 1,4 tỉ đồng/ngày).

Tuy nhiên, sau khi công bố kết quả kiểm tra, giám sát thu phí tại tuyến đường BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, người dân vẫn chưa được biết hình thức xử lý và làm rõ sự chênh lệch giữa mức thu phí khi kiểm tra và mức báo cáo tại tuyến đường này ra sao.

Từ đây đặt ra vấn đề, nếu kiểm tra chỉ dừng lại ở đó thì cuối cùng chênh lệch thu phí (nếu có) rơi vào túi ai? Việc sẽ xử lý thế nào?

Hậu kiểm tra thu phí BOT: Nếu không minh bạch xử lý dễ bị hiểu là bao che  ảnh 3

Ai cho phép chủ đầu tư "dọa" đóng cầu Hạc Trì độc quyền để gây sức ép?

Hậu kiểm tra thu phí BOT: Nếu không minh bạch xử lý dễ bị hiểu là bao che  ảnh 4

Đề nghị thanh tra toàn bộ dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ

Trrao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết: “Hậu kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng về vấn đề thu phí trên các tuyến đường BOT giao thông mới chỉ dừng lại ở mức công khai nhưng chưa minh bạch. Có nghĩa là sau kiểm tra đã công khai mức phí báo cáo và mức phí kiểm tra thực tế nhưng không minh bạch về xử lý”.

Nêu ví dụ, PGS.TS Ngô Trí Long thẳng thắn chỉ rõ, tuyến BOT cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ sau kiểm tra công khai kết quả cho thấy sự chênh lệch. Nhưng tại sao có sự chênh lệch đó? Chênh lệch rơi vào túi ai? Xử lý thế nào?... thì tuyệt nhiên không được nói đến

"Từ đây có thể khẳng định, cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm dẫn đến hậu quả vấn đề chênh lệch mức phí BOT giao thông”, PGS.TS Ngô Trí Long thẳng thắn.

Phải tính toán lại suất đầu tư BOT giao thông

Nhìn lại quá trình kêu gọi đầu tư giao thông theo hình thức BOT, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng đang có nhiều kẽ hở cho nhóm lợi ích móc nối và hình thành. Cụ thể, nhóm lợi ích hình thành dựa trên sự móc nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp làm dự án.

Đặc điểm tại dự án BOT giao thông thường không đấu thầu mà chỉ định thầu, thậm chí có dự án chỉ có 1 đơn vị thầu, vì thế việc hình thành lợi ích nhóm càng dễ.

Hiện nay phải tính toán chi phí đầu tư các dự án BOT giao thông. Đang có hiện tượng, suất đầu tư BOT giao thông trên 1 Km đường tại Việt Nam cao hơn thế giới gấp nhiều lần, trong khi chi phí ngày công lao động Việt Nam thấp hơn thế giới rất nhiều.

Bày tỏ quan điểm trong vấn đề xử lý hậu kiểm tra giám sát mức phí BOT giao thông tại các tuyến đường, TS. Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông cho biết: Không chỉ dừng lại ở kiểm tra giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư mà cần khuyến khích kiểm tra chéo ngay trong liên danh đầu tư hay giữa các nhà đầu tư. Khuyến khích đặt camera theo dõi.

Từ kết quả kiểm tra giám sát thu phí tại tuyến đường BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ được công bố nhưng không rõ vấn đề xử lý cho thấy, sau kiểm tra đang có dấu hiệu chìm thông tin, cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang muốn đưa các cuộc kiểm tra mức phí BOT giao thông trở thành chuyện nội bộ trong ngành.

“Hậu kiểm tra như thế nào? Sau khi kiểm tra phát hiện sai sót, Bộ Giao thông vận tải làm gì? Điều này phải minh bạch công khai, tránh dư luận cho rằng Bộ đang bao che”, TS. Thủy nói.

Theo ông Thủy, nếu không xử lý dứt điểm và không có chế tài xử lý thì câu chuyện gian dối phí vẫn ngày ngày diễn ra cuối cùng gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân.

Đưa ra giải pháp xử lý doanh nghiệp BOT gian dối hậu kiểm tra, TS. Thủy cho rằng Bộ Giao thông vận tải cần thực hiện: Thứ nhất khuyến khích cho kiểm tra chéo; Thứ hai có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc; Thứ ba phải có tầm nhìn dự báo rõ ràng về lưu lượng phương tiện tăng lên qua các năm để tránh gian dối doanh nghiệp.

Mai Anh