Góp ý 6 điểm của thầy giáo Quảng Ninh cho kỳ thi Quốc gia

20/08/2016 07:52
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Gộp chung hai kì thi là một sự tích cực trong đổi mới giáo dục, tuy nhiên vẫn cần lưu ý một số điều như tính phân loại của đề thi, chi phí tổ chức.

LTS: Xung quanh kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia, thầy giáo Trần Trí Dũng (đến từ Quảng Ninh) đã có bài viết thể hiện những quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả!

Năm 2015 có một sự đổi mới trong giáo dục, đó là kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông và kỳ thi tuyển sinh Đại học được nhập chung thành một kỳ thi, gọi là Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia.

Cùng với đó, thay vì thi sáu môn để tốt nghiệp như trước đây, nay học sinh chỉ phải thi ba môn bắt buộc và một môn tự chọn.

Đối với học sinh thi Đại học, học sinh thi thêm một hoặc hai môn tự chọn, tùy theo khối và trường thi.

Góp ý 6 điểm của thầy giáo Quảng Ninh cho kỳ thi Quốc gia ảnh 1

 Gộp chung hai kì thi là một sự tích cực trong đổi mới giáo dục (Ảnh: giaoduc.net.vn).

Sự đổi mới này được xem là khá tích cực trong việc giảm áp lực thi cử và đỡ tốn kém cho xã hội, tuy thế, cũng có một số điều cần bàn xung quanh việc tổ chức kỳ thi Quốc gia chung. 

Thứ nhất, do yêu cầu của hai kỳ thi là Tốt nghiệp Trung học Phổ thông và thi tuyển sinh Đại học là khác nhau, nên đề thi phải có tính phân loại cao.

Trên thực tế cũng đã có những ý kiến là không nên nhập hai kỳ thi này vào làm một do trong đề thi phải có những phần dành cho học sinh chỉ thi tốt nghiệp có thể đạt được 5, 6 điểm, và phần dành cho những học sinh thi vào Đại học.

Góp ý 6 điểm của thầy giáo Quảng Ninh cho kỳ thi Quốc gia ảnh 2

Từ 13/8 các trường bắt đầu công bố kết quả tuyển sinh

Nếu gộp chung lại, đối với hình thức thi chung này, có sự đòi hỏi cao về phần ra đề thi mới đáp ứng được yêu cùng chung và yêu cầu riêng.

Việc ra đề thi phải đảm bảo sự chặt chẽ, khách quan trong yêu cầu toàn diện đối với học sinh. Trên thực tế cũng đã có sai sót trong đề của mùa thi năm 2015.   

Thứ hai, trong kỳ thi chung hiện nay chỉ có ba môn là bắt buộc, và để tốt nghiệp học sinh chỉ thi thêm một môn tự chọn.

Như thế dễ dẫn đến một kết quả là học sinh sẽ học tủ, học lệch môn trong quá trình học, không đáp ứng được yêu cầu phổ cập kiến thức và đào tạo nguồn nhân lực nói chung.

Trên thực tế, khi khảo sát kỳ thi, có những môn chỉ có một học sinh tham gia tại một hội đồng thi như môn Lịch sử chẳng hạn. Đó là điều bất cập, trong khi các môn học đều là những môn quan trọng theo yêu cầu của giáo dục.

Vậy, cần tăng thêm số lượng môn thi bắt buộc để đảm bảo yêu cầu kiến thức toàn diện đối với học sinh khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.  

Thứ ba, việc tổ chức kỳ thi thành từng cụm thi như hiện nay chưa hẳn đã giảm tốn kém cho phụ huynh học sinh, bởi lẽ một số cụm thi vẫn tổ chức xa nơi các em học tập.

Theo tôi, nên tổ chức thi ngay tại trường nơi các em từng học.

Nếu tổ chức như vậy, cần chú ý tính trung thực, khách quan để đảm bảo không có tiêu cực xảy ra trong kỳ thi tại các trường này.

Thứ tư, do hai kỳ thi với những yêu cầu và tính chất khác nhau được nhập chung làm một nên thực tế điểm sàn của học sinh sẽ không cao.

Góp ý 6 điểm của thầy giáo Quảng Ninh cho kỳ thi Quốc gia ảnh 3

Thi Quốc gia: Thầy giáo "bốc thuốc" chữa bệnh lo lắng cho đồng nghiệp

Những học sinh chỉ thi tốt nghiệp sẽ khó được điểm cao và điểm của những học sinh thi Đại học sẽ chỉ ở những mức tương đương nhau, khó cho khâu tuyển chọn.

Do đó, việc đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục càng phải được coi trọng, có như thế mới đạt thành tích và hiệu quả cao trong giáo dục.

Thứ năm, đối với hình thức thi chung này cần nhất là sự ổn định.

Đó là sự ổn định về mặt kiến thức và nội dung chương trình mà học sinh được học trong cấp Trung học Phổ thông.

Từ đó, học sinh phải biết lượng sức mình trong việc lựa chọn và chắc chắn trong định hướng sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Nhà trường có trách nhiệm truyền tải cho các em những kiến thức bổ ích, làm hành trang cho các em khi bước vào cuộc sống, lên những bậc học tiếp theo.

Thứ sáu, cùng với thay đổi hình thức thi này cần một định hướng đổi mới trong giáo dục đúng đắn.

Góp ý 6 điểm của thầy giáo Quảng Ninh cho kỳ thi Quốc gia ảnh 4

Những con số “biết nói” trong kì thi Quốc gia 2016

Sự đổi mới trong việc xem xét cơ cấu môn học, xác định đâu là những môn học bắt buộc, cùng với đó là sự hoạch định khung chương trình học theo hướng giảm tải nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu toàn diện về kiến thức.

Trên đây là một số ý kiến xung quanh kỳ thi Quốc gia chung tôi muốn chia sẻ với hy vọng chúng ta sẽ có nguồn nhân lực phát triển tốt đẹp hơn trong tương lai.    

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Trần Trí Dũng