Ai đang làm sai Nghị quyết Trung ương 4?

05/09/2016 07:40
Ngọc Quang
(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: “Về hưu mà có tội vẫn phải xử lý nghiêm minh, kể cả khi đã chết rồi mà có tội thì vẫn phải công bố”.

Trong một hội nghị tổ chức sáng 16/8 vừa qua, theo kết quả điều tra toàn thành phố Hà Nội có 65.377 hộ nghèo (chiếm 3,64% tổng số hộ dân).

Có hơn 34 nghìn hộ cận nghèo (chiếm 1,89%). Khu vực nông thôn có trên 60 nghìn hộ nghèo (chiếm 5,6%).

Tại 14 xã miền núi, dân tộc thiểu số có trên 3,7 nghìn hộ nghèo (chiếm 13,38%). Có 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 10% là Ba Vì và Chương Mỹ.

Trước đó, trong buổi giao ban báo chí tại Thành úy Hà Nội vào chiều 9/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo về việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố tăng học phí năm học 2016 – 2017 đối với mầm non và phổ thông công lập, trong đó đáng chú ý vùng nông thôn thu 40.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 10.000 đồng/tháng); Vùng miền núi thu 10.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 2.000 đồng/tháng).

Xin nêu ra hai thí dụ điển hình này để thấy rằng, Hà Nội vẫn còn hàng chục nghìn người nghèo, cận nghèo và chưa biết đến bao giờ mới thoát khỏi khó khăn.

Ấy vậy mà một số cán bộ của thành phố đã vội chơi sang, chi tới 700 tỷ đồng mỗi năm chỉ để cắt tỉa cỏ, chăm sóc cây cảnh (riêng Đại lộ Thăng Long dài 24km ngốn hết 53 tỷ đồng).

Cũng vì lối chơi sang ấy nên dù thông tin này đến với người dân Thủ đô cách đây 3 tuần mà vẫn nóng như vừa diễn ra.

Trong cuộc trao đổi mới đây với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khi IV đồng tình với quan điểm của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, chi 700 tỷ đồng cho cắt tỉa tỏ, cây cảnh mỗi năm là một sự lãng phí quá lớn.

Mặc dù Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã ra lệnh dừng toàn bộ việc này, tuy nhiên theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, cần phải thanh tra những khoản chi này có đúng không hay là đã lọt vào túi của một nhóm nào đó?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đề nghị lãnh đạo Thành phố Hà Nội làm rõ nghi ngờ của dư luận về 53 tỷ đồng chi cho cắt tỉa cỏ, cây cảnh trên Đại lộ Thăng Long. ảnh: Ngọc Quang.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đề nghị lãnh đạo Thành phố Hà Nội làm rõ nghi ngờ của dư luận về 53 tỷ đồng chi cho cắt tỉa cỏ, cây cảnh trên Đại lộ Thăng Long. ảnh: Ngọc Quang. 

Có lẽ không chỉ Trung tướng Nguyễn Quốc Thước mà hàng triệu người dân Thủ đô nếu được hỏi cũng sẽ đề nghị Chủ tịch thành phố làm rõ việc này, vì rằng có nằm mơ cũng chẳng ai tin được trên một con đường dài 24km mà chi hết tới 4,4 tỷ đồng mỗi tháng cho cắt tỉa cỏ, cây cảnh.

Nếu nhìn rộng hơn thì 700 tỷ đồng cắt tỉa cỏ, cây cảnh ở Hà Nội tương đương với con số thu ngân sách mà tỉnh Điện Biên nỗ lực hoàn thành trong năm 2015.

700 tỷ đồng ấy lớn hơn rất nhiều so với con số thu ngân sách của cả tỉnh Bắc Kạn năm 2015 – 482 tỷ đồng.

700 tỷ đồng ấy còn lớn hơn 50% số tiền thu ngân sách toàn tỉnh Cao Bằng năm 2015 - 1.382 tỷ đồng.

700 tỷ đồng ấy gần bằng ½ tổng thu ngân sách toàn tỉnh Trà Vinh năm 2015 - 1.593,5 tỷ đồng.

700 tỷ đồng ấy cũng gần bằng 1/3 tổng thu ngân sách toàn tỉnh Bạc Liêu năm  2015 - 2.255 tỷ đồng.

700 tỷ đồng ấy gần bằng tổng thu ngân sách mà Trung ương giao cho tỉnh Lai Châu (780 tỷ đồng), còn thực thu thì tỉnh này đạt khoảng 1000 tỷ đồng.

Tiếp xúc cử tri ngày 15/8, ông Nguyễn Đức Chung cho biết: “Nói ra mọi người sẽ giật mình, có 24km đường Đại lộ Thăng Long nhưng một năm chi phí cắt cỏ lên tới 53 tỷ. Tôi đi khảo sát trực tiếp thấy chỉ cắt 3 thứ: cắt cỏ, một ít trúc anh đào, hoa dâm bụt. Một năm 53 tỷ là không thể chấp nhận được. Chúng tôi yêu cầu dừng toàn bộ”.

Chỉ nêu ra vài thí dụ ngắn như vậy cũng đủ để thấy sự lãng phí khủng khiếp mà những người có trách nhiệm (còn đương chức hoặc đã nghỉ hưu) đã vẽ vời ra để tiêu tiền vô tội vạ. Và ngay cả một người vốn điềm tĩnh như ông Nguyễn Đức Chung cũng đã phải thốt lên rằng “không thể chấp nhận được”.

Nhân câu chuyện Hà Nội chi hết 700 tỷ đồng cho việc cắt tỉa cỏ, cây cảnh, chúng ta lại nhớ đến Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ:

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:

Ai đang làm sai Nghị quyết Trung ương 4? ảnh 2

Quan chức đã “hạ cánh”, những ai đã bị lôi ra xử lý?

(GDVN) - Khi các quan đã “hạ cánh” mà không được an toàn thì rất nhiều kẻ tài mỏng, giỏi luồn lách chạy chọt cũng phải e sợ.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...

Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.

Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. 

Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.

Đề cập tới vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bình luận: “Dù đồng chí Tổng Bí thư có quyết tâm đến mấy, dù Thủ tướng có quyết tâm đến mấy mà ở địa phương, ở các cấp dưới cứ tìm cách gian dối thì dân còn khổ.

Ai cũng thấy cái việc cắt cỏ, tỉa cây tiêu hết 700 tỷ là phi lý, không người dân nào chấp nhận nổi. Người dân bức xúc thì thành phố phải làm cho rõ để công bố cho dân biết, bởi vì tiền đó là ngân sách, là mồ hôi nước mắt của dân cả đấy”.

Đại lộ Thăng Long dài 24km, không biết bằng cách nào tiêu hết 53 tỷ đồng mỗi năm nếu chỉ cắt cỏ, tỉa cây? ảnh: đất việt.
Đại lộ Thăng Long dài 24km, không biết bằng cách nào tiêu hết 53 tỷ đồng mỗi năm nếu chỉ cắt cỏ, tỉa cây? ảnh: đất việt.

Cho tới lúc này, chưa có thông tin chính thức về việc Hà Nội tiêu tiền tỷ cắt tỉa cỏ, cây cảnh đã diễn ra từ khi nào và kéo dài bao nhiêu năm, nhưng nay thì người đứng đầu UBND thành phố thời điểm đó là ông Nguyễn Thế Thảo đã nghỉ hưu liệu có còn trách nhiệm gì không?

Ai đang làm sai Nghị quyết Trung ương 4? ảnh 4

Nhóm lợi ích có thể vô hiệu hóa và đứng trên pháp luật?

(GDVN) - Tranh biện trong quá trình tố tụng cần phải được tất cả các bên tham gia tuân thủ ngay từ khi quá trình tố tụng bắt đầu.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nêu quan điểm: “Bất kỳ cán bộ nào dù là đương chức hay nghỉ hưu mà vi phạm pháp luật hay có liên đới trách nhiệm ở mức độ nào đều phải làm rõ và công bố cho nhân dân biết.

Về hưu mà có tội vẫn phải xử lý nghiêm minh, kể cả khi đã chết rồi mà có tội thì vẫn phải công bố”.

Đồng thời, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm đối với Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ vừa qua, vì sao không ai phát hiện và nêu ra vấn đề này?

Hội đồng nhân dân đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân liệu có thể hiện quan điểm trước sự việc này?

Tướng Thước bày tỏ: “Chúng ta thử hình dung nếu vài thành phố khác cũng chi tiêu như Hà Nội thì ngân sách lãng phí đến mức độ nào? Tôi cho rằng, việc này không chỉ Hà Nội phải kiên quyết làm cho rõ mà Thanh tra Chính phủ cũng có thể vào cuộc ngay để giám sát, ngăn chặn kẻ xấu tìm cách xóa dấu vết.

Chúng ta muốn ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 thì dứt khoát phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các cơ quan.

Nếu chỉ nói cho có rồi bỏ đấy thì dân sẽ không tin vào chính quyền, không tin vào Đảng nữa”.

Ngọc Quang