Dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen phải trình Thủ tướng quyết định

07/09/2016 14:14
Mai Anh (nguồn TTXVN)
(GDVN) - Theo Bộ Công Thương, dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná” của Tập đoàn Hoa Sen sẽ trải qua nhiều bước sau đó trình Thủ tướng quyết định.

Liên quan đến Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư, trả lời báo chí ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, theo Luật Đầu tư mà Quốc hội ban hành năm 2014 dự án này sẽ trải qua nhiều bước.

Cụ thể theo Điều 32, với các dự án trên 5.000 tỷ đồng sẽ trải qua nhiều bước, trong đó đầu tiên là phải có quy hoạch, trên cơ sở có quy hoạch chủ đầu tư mới lập dự án trình Bộ Kế hoạch đầu tư phối hợp với các bộ, ban ngành thẩm định về khả năng thực hiện từng giai đoạn của dự án.

Sau đó trình Chính phủ để ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Phối cảnh dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.
Phối cảnh dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

"Khi Chính phủ ra quyết định đầu tư, lúc đó các bộ ngành mới tiến hành các bước tiếp theo như: Đánh giá tác động môi trường, sau đó lập thiết kế cơ sở và dự án đầu tư", ông Hoài cho hay.

Cũng theo ông Hoài, ở giai đoạn lập thiết kế cơ sở và dự án đầu tư ​đối với Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná-Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen cũng khác với giai đoạn mà Formosa thực hiện đầu tư.

Cụ thể, thay vì chỉ góp ý thiết kế cơ sở thì theo quy định mới, với các dự án lớn, các bộ chủ quản sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở và yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ việc thẩm định đó.

Điều này ​nhằm khắc phục tình trạng trước đây các bộ chủ quản chỉ dừng ở mức góp ý thiết kế cơ sở còn việc chủ đầu tư tự điều chỉnh và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thì các bộ ngành lại khó kiểm soát được.

Theo ông Trương Thanh Hoài, hiện Bộ Công Thương đã bổ sung quy hoạch Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận.

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc quy hoạch chỉ mang tính chất định hướng, dự kiến kế hoạch đầu tư của tập đoàn Tôn Hoa Sen rất dài (phân kỳ đầu tư kéo dài 15 năm), nên việc quy mô lớn hay bé của dự án sẽ phải xem xét trong từng giai đoạn khác nhau.

Trước đó, ngày 25/8/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3516/QĐ-BCT về việc bổ sung Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025.

Quyết định nêu rõ bổ sung Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận công suất 16 triệu tấn/năm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025.

Dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen phải trình Thủ tướng quyết định ảnh 3

Tập đoàn Hoa Sen chưa đủ năng lực xử lý chất thải dự án thép

Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến vào dự án này khoảng hơn 10 tỷ USD.

Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của Dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019.

Ngay sau khi dự án nhà máy thép Cà Ná – Ninh Thuận được công bố nhiều ý kiến lo ngại khả năng thành công của dự án cũng như những tác động về môi trường.

Theo đó trên thế giới, ngành thép đang dư thừa công suất, đáng chú ý là khu vực châu Á với sự khủng hoảng thừa công suất của Trung Quốc. Do đó các nước của khu vực này, nhất là các nước Đông Nam Á như Việt Nam, không nên tính đến chuyện đầu tư vào ngành thép nữa.

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cả nhà đầu tư và Chính phủ cần xem xét kỹ khả năng thành công cũng như sự cần thiết của dự án thép này.

Theo bà Lan, hiện nay một số nước đầu tư cho ngành thép thường tập trung phát triển những sản phẩm cao cấp, không thuộc những dòng sản phẩm đang dư thừa công suất mà Trung Quốc đưa ra thị trường.

Ngoài ra, bà Lan cũng đặt câu hỏi liệu các nhà máy thép trong nước hiện tại đã chạy hết công suất thiết kế chưa? Mặt khác, những tính toán về tăng trưởng kinh tế sử dụng nguyên liệu thép liệu có chính xác để phải mở rộng đầu tư?

Đó là chưa kể liệu thép trong nước làm ra có cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc hay không. Không riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước có nền công nghiệp luyện cán thép rất phát triển như Mỹ, Anh, Ấn Độ... vẫn đang lo ngại về tình trạng thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bên cạnh lo lắng thị trường khó cạnh tranh, sau bài học sự cố môi trường do nhà máy thép Formosa mới đây, nhiếu chuyên gia cũng lo lắng dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen xử lý nước thải và chất thải như thế nào, lấy nguồn nước nào để phục vụ sản xuất thép.

Mai Anh (nguồn TTXVN)