Làm sao đẩy lùi được vấn nạn dạy thêm, học thêm?

10/09/2016 07:31
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Đổi mới nội dung, đánh giá; nhận thức trách nhiệm của phụ huynh và công tác quản lý dạy học thêm là 3 yếu tố mấu chốt loại bỏ dần tình trạng dạy thêm tràn lan.

LTS: Lệnh cấm dạy thêm, học thêm đã được quy định rõ tại Thông tư 17 và thời gian gần đây, thành phố Hồ Chí Minh cũng có những quy định cụ thể hơn nhằm “siết chặt” hiệu lực thi hành như “đuổi việc giáo viên nếu vi phạm dạy thêm”.

Đứng ở góc độ một giáo viên, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã có bài viết đề ra những giải pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn dạy thêm, học thêm này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Có thể nói, từ lâu, cả nước đã tốn quá nhiều bút mực, công sức nhằm tháo gỡ, giải quyết “vấn nạn” dạy thêm, học thêm tràn lan trong ngành Giáo dục. 

Tại thành phố Hồ chí Minh, giáo viên dạy thêm sai quy định có thể sẽ bị đuổi việc (Ảnh: infonet.vn).
Tại thành phố Hồ chí Minh, giáo viên dạy thêm sai quy định có thể sẽ bị đuổi việc (Ảnh: infonet.vn).

Biết bao hội nghị bàn tròn được mở ra, hàng vạn ý kiến đã đóng góp, các văn bản, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành về dạy thêm, học thêm lần lượt ban hành và triển khai.

Văn bản quy định về dạy thêm, học thêm mới nhất và đầy đủ nhất là Thông tư 17 (năm  2012) của Bộ Giáo dục và Đào tạo được xem là “công cụ, chìa khóa” pháp lý quan trọng nhằm sắp xếp, chỉnh đốn dạy học thêm vốn lộn xộn, phức tạp sớm đi vào nề nếp, quy củ.

Làm sao đẩy lùi được vấn nạn dạy thêm, học thêm? ảnh 2

Các mốc thời gian cụ thể để ngưng việc dạy thêm học thêm trong trường học

Dựa vào Thông tư này, các địa phương, tỉnh, thành đã ban hành quy định cụ thể, chi tiết việc quản lý, tổ chức, thực hiện dạy học thêm trên địa bàn của mình.

Chương trình, nội dung Sách giáo khoa hiện hành có nhiều ưu điểm nổi trội hơn so với nội dung, chương trình Sách giáo khoa cải cách trước đây.

Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, một số nội dung Sách giáo khoa các môn học ở bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông  còn nặng nề, hàn lâm, chưa phù hợp với năng lực học sinh.

Lắng nghe ý kiến phản ánh của cơ sở giáo dục, các giáo viên, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giảm tải một số nội dung, bài học ở các môn học.

Quyết định này đã giảm được một phần nhỏ áp lực, căng thẳng cho thầy và trò trong quá trình dạy và học.

Chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học cũng được ban hành sau vài năm áp dụng chương trình, Sách giáo khoa mới.

Nó được xem là những “cẩm nang” trang bị,  hỗ trợ tích cực,  tạo điều kiện thuận lợi rất tốt cho giáo viên và học sinh trong giảng dạy, học tập, kiểm tra và đánh giá.

Đặc biệt, kể từ khi tổ chức thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng với hình thức ba chung (năm 2006) đề thi bám sát chương trình, Sách giáo khoa, không đánh đố học sinh, có sự phân hóa cao vừa giảm tải bớt căng thẳng, áp lực cho thí sinh.

Làm sao đẩy lùi được vấn nạn dạy thêm, học thêm? ảnh 3

Dạy thêm, học thêm như thế nào là vi phạm pháp luật?

Các em chỉ cần chăm chỉ, biết cách tự học thì cơ hội đỗ Đại học rất cao, vừa tiết kiệm, giảm được chi phí, tốn kém không hề nhỏ cho Nhà nước và phụ huynh.

Hai năm nay, với cách thức tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2 trong 1 gọn nhẹ, tiết kiệm đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, đánh giá cao của phụ huynh, học sinh.

Các trung tâm luyện thi Đại học hoạt động rầm rộ sau tết Nguyên đán dạo nào khiến phụ huynh và học sinh tốn kém nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, giờ đã trở nên đìu hiu, không còn phù hợp với xu thế dạy học, thi cử mới.

Đổi mới, cải tiến  về công tác thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 10 năm qua, nhìn tổng thể, đã đem lại lợi ích, thuận tiện to lớn về nhiều mặt cho phụ huynh, học sinh và Nhà nước.

Năm học đến, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức thi và xét tuyển Đại học.

Những cố gắng, nỗ lực trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cả ngành giáo dục  thật đáng ghi nhận.

Nhưng vấn nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, vi phạm pháp luật ở nhiều địa phương vẫn hiện hữu và phố biến đang trở thành mối quan tâm, lo ngại lớn của xã hội, phụ huynh và học sinh.

Mới đây, thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định nghiêm cấm dạy thêm, học thêm tại nhà trường bắt đầu từ năm 2016-2017, song cũng có không ít ý kiến trái chiều, có nhiều ý kiến cho rằng việc cấm ấy khó khả thi, chưa giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề.

Theo quan điểm của tôi, không phải cái gì ta quản không được là ra lệnh cấm mà cần phải có những biện pháp khác để tiếp cận, giải quyết tốt hơn.

Thiết nghĩ, đổi mới nội dung, chương trình, cách đánh giá; nhận thức trách nhiệm của phụ huynh và công tác quản lý dạy học thêm là ba yếu tố mấu chốt loại bỏ dần tình trạng dạy thêm tràn lan, gây nhiều hệ lụy lớn cho gia đình, xã hội và môi trường giáo dục.

Thứ nhất; nội dung chương trình mới, áp dụng đại trà từ năm học 2018-2019, phải thật sự tinh giản, gần gũi với cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, tránh tính hàn lâm, nặng nề, vô bổ.

Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đánh giá, kiểm tra, thi cử theo hướng các đề thi chỉ yêu cầu ở mức kiến thức cơ bản, vận dụng nhiều kỹ năng thực tế, học gì thi nấy để đẩy lùi lối học tủ, học lệch.

Người Việt cũng cần kiên trì loại bỏ dần bệnh thành tích trong giáo dục như các trường, địa phương không được áp đặt chỉ tiêu thi đua dưới bất kỳ hình thức nào; xử lý, kỉ luật nghiêm với các trường hợp vi phạm.

Thứ hai, nhiều phụ huynh dù ngoài mặt phản đối dạy thêm lấy tiền nhưng thực tế lại luôn ép buộc con cái hết học thêm thầy này, đến cô khác.

Làm sao đẩy lùi được vấn nạn dạy thêm, học thêm? ảnh 4

Nhận diện các thể loại dạy thêm và "con đường cấm" nên chọn!

Do đó, đã đến lúc, trách nhiệm của các bậc phụ huynh về việc phối hợp, tham gia giáo dục con trẻ cần được xét xem nghiêm túc.

Phụ huynh nên cân nhắc, lựa chọn cho con đi học thêm thế nào cho phù hợp với khả năng của con, không nên ép buộc, gây áp lực, lấy mất thời gian nghỉ hè với con.

Một khi phụ huynh có nhận thức tốt, bớt chạy theo thành tích hay phong trào, thì chắc chắn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan sẽ hạ nhiệt, môi trường giáo dục sẽ giảm phức tạp.

Ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nhiệm vụ quản lý, kiểm tra dạy thêm, học thêm với các quy định đã ban hành như các trung tâm dạy học thêm phải có giấy phép… triển khai đồng bộ.

Những trường hợp giáo viên cố tình vi phạm đến lần thứ hai, thứ ba thì có ngay hình thức kỷ luật, từ thuyên chuyển công tác đến buộc thôi việc.

Làm mạnh, làm nghiêm một vài trường hợp ắt hẳn tình trạng vi phạm quy định sẽ giảm thiểu. Điểm yếu cố hữu của người Việt là vẫn còn nặng “chủ nghĩa duy tình”, các “quan hệ” này, nọ… nên việc thực thi pháp luật chẳng ra sao.

Tôi cho rằng nếu công tác này bị lơ là, buông lỏng, làm không đến nơi đến chốn thì dù văn bản, quy định có đầy đủ, chặt chẽ đến đâu cũng khó có tính khả thi.

Đỗ Tấn Ngọc