Sau sự cố khai giảng trường Lê Quý Đôn, đừng để môi trường sư phạm bị lợi dụng

16/09/2016 13:59
Trúc Diệp
(GDVN) - Điều gì sẽ xảy ra nếu nhóm người này sử dụng những hình ảnh có được, cắt ghép và dựng lên những clip phục vụ cho một mưu đồ nào đó?

Sau khi đăng tải bài viết “Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn chính trị yếu kém hay có động cơ gì?”, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều ý kiến của độc giả qua email, điện thoại bày tỏ băn khoăn, lo lắng khi sự việc xảy ra ở một ngôi trường ngay tại Hà Nội.

Các ý kiến gửi về toàn soạn hoặc trực tiếp gọi điện thoại đều có chung một thắc mắc là: Ở môi trường giáo dục, giữa thanh thiên bạch nhật, trước sự chứng kiến của tất cả học sinh và nhiều phụ huynh, quan khách, tại sao đội biểu diễn đó có thể ngang nhiên mặc áo có chữ nước ngoài, bước lên sâu khấu biểu diễn?

Nhóm người này thậm chí đã kết thúc bài biểu diễn bằng cách tung ra các băng rôn màu xanh sử dụng chữ tượng hình, không phù hợp cho môi trường sư phạm.

Màn biểu diễn khai giảng dùng nhạc và chữ nước ngoài gây hoang mang cho học sinh và phụ huynh. Sau sự cố này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ làm gì để ngăn chặn sự việc tương tự có thể tái diễn? ảnh: Độc giả gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Màn biểu diễn khai giảng dùng nhạc và chữ nước ngoài gây hoang mang cho học sinh và phụ huynh. Sau sự cố này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ làm gì để ngăn chặn sự việc tương tự có thể tái diễn? ảnh: Độc giả gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Sự việc xảy ra ở Trường THCS Lê Quý Đôn khiến cho nhiều người nhớ lại một số vụ việc mà các quan khách bị lợi dụng nhằm phục vụ ý đồ xấu của một số đối tượng, phổ biến nhất thời gian qua là chiêu trò tổ chức hội thảo của các công ty kinh doanh đa cấp.

Họ tìm mọi cách mời được người nổi tiếng, thậm chí là cả quan chức, cựu quan chức đến dự, rồi từ đó tung hô hình ảnh, clip để đánh lừa dư luận rằng họ làm ăn đàng hoàng nên mới có nhiều người tử tế đến dự.

Và sự thật là hàng vạn người dân nhẹ dạ cả tin đã đổ tiền cho các công ty đa cấp với lối suy nghĩ đơn giản là những quan khách còn đến dự, phát biểu ngợi ca thì mình lo gì? Chỉ đến khi hậu quả xảy ra rồi thì tất cả mới biết rằng mình cũng là nạn nhân.

Qua vụ việc xảy ra ở Trường THCS Lê Quý Đôn, nhiều độc giả cũng băn khoăn, lo lắng đặt ra vấn đề: Môi trường sư phạm cũng có thể bị lợi dụng khi không có các biện pháp siết chặt quản lý.

Lo lắng ấy là hoàn toàn có lý khi mà đã có những vụ việc, lợi dụng nhu cầu cần trang bị đầu sách cho thư viện trường học, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và hỗ trợ giáo dục Việt Nam gửi văn bản có dấu hiệu giả mạo chữ ký và nghi sử dụng con dấu giả đến các Sở GD-ĐT với mục đích để bán sách (thông tin trên Báo An ninh Thủ đô ngày 15/9/2015). Rất may là hành vi này đã sớm bị phát hiện và xử lý.

Nhưng trên thực tế đã có những trường ở nơi xa xôi như tại huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắck Nông) bị lừa bởi một nhóm người mạo danh cán bộ của Bộ Giáo dục-Đào tạo được giao nhiệm vụ làm tập san về kỷ niệm ngày thành lập ngành nên mời trường tham gia, và đã làm việc với Sở Giáo dục địa phương.

Nhà trường không có nghi ngờ gì và nghĩ chi phí nhỏ nên đồng ý tham gia, nhưng tới khi nhìn thấy hóa đơn thanh toán thì mới tá hỏa vì số tiền phải trả lên tới vài chục triệu đồng.

Trong vụ việc xảy ra tại Trường THCS Lê Quý Đôn, lợi dụng hình ảnh của cả nghìn học sinh để biểu diễn kèn đồng bằng nhạc nước ngoài và căng băng rôn chữ tượng hình phải chăng cũng là một chiêu trò, là một sự chủ ý của nhóm người kia?

Họ sử dụng đội kèn đồng biểu diễn tới 60 người có lẽ còn lớn hơn cả những đội biểu diễn ở nhiều sự kiện lớn khác nhằm phô trương thanh thế; tổ chức quay phim chuyên nghiệp để ghi lại toàn bộ hình ảnh trong lễ khai giảng này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu nhóm người này sử dụng những hình ảnh có được, cắt ghép và dựng lên những clip phục vụ cho một mưu đồ nào đó?

Như vậy là hàng nghìn học sinh, phụ huynh và cả những quan khách tới dự lễ khai giảng ở một ngôi trường có bề dày truyền thống tại Thủ đô có thể đã bị lợi dụng, trở thành "công cụ" để nhóm người kia sử dụng vào những mục đích của họ.

Những hình ảnh đó hoàn toàn có thể được sử dụng để mang đi đánh lừa nhiều ngôi trường ở các vùng sâu, vùng xa, những nơi không thường xuyên tiếp cận với thông tin báo chí, internet.

Ở những nơi ấy, sự hiểu biết của học sinh, của người dân, thậm chí của cả một số giáo viên còn những hạn chế nhất định, rất dễ bị biến thành công cụ phục vụ động cơ thiếu trong sáng.

Thông tin từ nhà trường báo cáo lên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết: Trong quá trình chuẩn bị lễ khai giảng, bên cạnh nhiều tiết mục văn nghệ thì một cô giáo từng công tác tại nhà trường đã nghỉ hưu muốn tặng thêm một tiết mục.

Hiệu trưởng và Ban giám hiệu nhà trường đã đồng ý nhưng có yêu cầu phải tổng duyệt. Nhưng tại phần tổng duyệt trước đó, phần biểu diễn lại khác với hôm diễn tại lễ khai giảng.

Sự việc bất ngờ khiến cho Ban giám hiệu không kịp trở tay và hậu quả đã xảy ra. Giáo viên tặng tiết mục văn nghệ cũng đã nhận toàn bộ trách nhiệm về việc này.

Tuy vậy, đây cũng là một bài học quý giá cho cá nhân bà Hiệu trưởng Đàm Thu Hương và Ban Giám hiệu Trường THCS Lê Quý Đôn nói riêng và cũng là bài học chung cho Hiệu trưởng tại hàng nghìn ngôi trường trên cả nước cẩn trọng hơn trong từng hoạt động, điều hành của mình.

Đây cũng là bài học cho các cơ quan quản lý giáo dục, không chỉ Phòng Giáo dục Đào tạo quận Cầu Giấy, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội mà còn là bài học chung cho các Sở Giáo dục địa phương và hàng nghìn phòng giáo dục trên cả nước.

Môi trường giáo dục là hết sức đặc biệt và nhạy cảm, vì vậy cần hết sức thận trọng, không để bị lợi dụng biến thành "công cụ" tuyên truyền vào các hoạt động bất hợp pháp, có thể dẫn tới rối loạn đời sống xã hội.

Trúc Diệp