Thanh tra Chính phủ: Công tác quản lý của Bộ Công Thương còn yếu kém

13/09/2016 11:04
Mai Anh
(GDVN) - Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước với hoạt động tạm nhập, tái xuất của Bộ Công Thương còn yếu kém.

Theo đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật của Bộ Công thương vẫn tồn tại nhiều bất cập. 

Trong các năm qua, Bộ Công Thương đã bắt giữ nhiều vụ vi phạm do gian lận thương mại như nhập, kê khai không đúng chủng loại, xuất xứ hàng hóa... nhưng theo kết quả xử lý vi phạm, một số mức xử lý vi phạm hành chính chưa đủ răn đe, thấp hơn nhiều so với lợi nhuận và chi phí xử lý hậu quả do vi phạm gây ra.

Điển hình như việc xử phạt với các loại hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường, an  toàn vệ sinh thực phẩm, dẫn đến một số đơn vị còn lợi dụng vào hoạt động tạm nhập tái xuất để gian lận thương mại, dùng mã số kinh doanh là hàng đông lạnh, nhưng lại kê khai hàng đã qua sử dụng, hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thanh tra Chính phủ kết luận công tác quản lý tạm nhập tái xuất của Bộ Công Thương còn nhiều tồn tại - ảnh nguồn: Tạp chí Tài chính.
Thanh tra Chính phủ kết luận công tác quản lý tạm nhập tái xuất của Bộ Công Thương còn nhiều tồn tại - ảnh nguồn: Tạp chí Tài chính.

Mặt khác, Bộ Công Thương chưa kịp thời có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động tạm nhập tái xuất theo hướng tăng nặng; chưa quy định các hình thức thu hồi mã số kinh doanh khi các đơn vị đã có giấy phép do Bộ Công Thương cấp nhưng có vi phạm hành chính theo các cấp độ khác nhau; 

Thiếu các văn bản đôn đốc yêu cầu các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong hoạt động tạm nhập tái xuất báo cáo tình trạng vi phạm, kết quả kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và thu hồi mã số kinh doanh nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm của Bộ Công Thương về công tác báo cáo, theo quy định của Thông tư 05/2013, định kỳ hàng tháng cung cấp cho Bộ Công Thương các thông tin để điều tiết hàng hóa và có biện pháp xử lý kịp thời và thông báo cho Bộ trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu hàng hóa. 

Tuy nhiên, từ khi thực hiện Thông tư 05/2013 đến thời điểm thanh tra, Bộ Công Thương chưa nhận được một báo cáo cung cấp thông tin; báo cáo về trường hợp vi phạm nào, trong khi thực tế có nhiều vụ việc đã phát hiện.

Mặc dù vậy, nhưng khi xây dựng Thông tư 05/2014 (thay thế Thông tư 05/2013), Bộ Công Thương cũng không kịp thời bổ sung những quy định thiếu sót, sơ hở trên mà vẫn giữ nguyên Thông tư 05/2013. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã thiếu đôn đốc, giám sát trong  trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản đã ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động tạm nhập tái xuất.

Trước tồn tại của Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước, vai trò chủ trì trong hoạt động tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu, đặc biệt là công tác giám sát, đánh giá thực tiễn nhằm đưa ra hoạt động tạm nhập tái xuất.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng chính sách đảm bảo giám sát hàng hóa tạm nhập tái xuất chặt chẽ; UBND các tỉnh biên giới, nơi có hàng tái xuất chỉ đạo ban quản lý khu kinh tế, cửa khẩu, các cơ quan chức năng liên quan tổ chức quản lý chặt chẽ hơn các đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn hàng tạm nhập tái đi không đúng tuyến đường.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn,tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trong đó chỉ ra trách nhiệm của Bộ Công Thương – Bộ chủ quản EVN. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ nêu rõ: Bộ Công Thương chưa tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm của Bộ đối với những tồn tại, khiếm khuyết của EVN đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Mai Anh