Sẽ bán vốn nhà nước tại Vinamilk ngay trong năm 2016

15/09/2016 09:31
Mai Anh
(GDVN) - Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, sẽ triển khai bán vốn của Vinamilk trong năm 2016.

Theo đó trao đổi với báo chí ngày 14/9, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ này.

"SCIC đã lên kế hoạch và sẽ bắt đầu bán vốn của Vinamilk ngay trong năm 2016. Còn lại 9 doanh nghiệp khác cũng thực hiện trong năm nay và đầu năm sau", ông Tiến thông tin.

Sẽ bán cổ phần Vinamilk ngay trong năm 2016 - ảnh nguồn Vinamilk
Sẽ bán cổ phần Vinamilk ngay trong năm 2016 - ảnh nguồn Vinamilk

Về băn khoăn việc bán một phần hay bán hết cổ phần tại Vinamilk, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng còn tùy thuộc vào tình hình, cần lựa chọn lộ trình bán làm sao để lợi ích Nhà nước đạt cao nhất. 

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Vinamilk có quy mô rất lớn, việc thoái toàn bộ vốn sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp còn lại nên phải cẩn trọng. SCIC sẽ giám sát để đảm bảo tránh gây biến động, đảm bảo quyền lợi của nhà nước và cổ đông. Lần đầu tiên bán hàng phải thăm dò, món hàng tốt không nên bán hết, SCIC sẽ lựa chọn ra phương án để mang lại hiệu quả.

Trước đánh giá của các chuyên gia cho rằng, việc cổ phần hóa vẫn chậm, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, khách quan là do thị trường chứng khoán vốn chịu tác động thế giới cũng như khó khăn nội tại nên nhu cầu và dòng vốn hạn chế, không bán được như mong muốn.

"Nhưng quan trọng hơn là nguyên nhân chủ quan, có Bộ, ngành còn chưa quyết liệt, mặt khác có vấn đề trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp. Họ cũng "tâm tư" vì bán hết vốn thì mình ở đâu? Do đó bị chậm cũng còn có thể do vấn đề con người”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm.

Đối với việc cổ phần hoá Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), ông Đặng Quyết Tiến cho biết, hiện hai Tổng công ty này vẫn đang thuộc quản lý của Bộ Công Thương, chưa bàn giao về SCIC. Vì vậy, vai trò của Bộ Tài chính trong tiến trình cổ phần hoá của hai công ty này chủ yếu là giám sát và đưa ra ý kiến nếu Bộ Công Thương cần.

Thông tin từ thị trường cho thấy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua cổ phần số lượng lớn tại các hãng bia Việt Nam, như Habeco và Sabeco đang nằm trong "tầm ngắm" của những "ông lớn" như Thai Beverage và Singha Group của Thái Lan, Kirin Holdings và Asahi Group Holdings của Nhật Bản, Heineken của Đan Mạch và Anheuser-Busch InBev của Bỉ.

Nhiều chuyên gia lo ngại Việt Nam có thể mất các thương hiệu quốc gia nếu không cẩn trọng. Ông Đặng Quyết Tiến thừa nhận, khi đấu giá công khai thì không thể có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thậm chí nếu bán cho doanh nghiệp trong nước, họ cam kết giữ cổ phần trong 3 năm, nhưng sau đó không có gì chắc chắn về việc họ không bán lại cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài khi được giá hay không muốn nắm giữ.

Trước đó liên quan tới vấn đề cổ phần hóa Sabeco và Habeco, tại cuộc họp hôm 29/8 của Thường trực Chính phủ về chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, đây là vấn đề đang được xã hội, người dân hết sức quan tâm. Trong đó, Sabeco, Habeco là những doanh nghiệp lớn, đã cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối. Phần vốn nhà nước tại Vinamilk dù chỉ còn dưới 50% nhưng có giá trị rất lớn.

Thủ tướng nhấn mạnh các nguyên tắc, quan điểm trong quá trình bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nói trên và trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước nói chung.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Mai Anh