Các trường trung cấp đang đứng trước nguy cơ bị “chặt chân, chặt tay”

17/09/2016 07:09
Thùy Linh
(GDVN) - Đó là ý kiến nêu tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng đào tạo Cao đẳng và Trung cấp Y, Dược" tổ chức tại Trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác (Hà Nội) ngày 15/9.

Các trường trung cấp không biết đi đâu, về đâu?

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP.

Theo đó, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Lao động-Thương binh & xã hội sẽ đứng ra quản lý hệ Trung cấp và Cao đẳng (trừ hệ thống các trường sư phạm vẫn Bộ GD&ĐT quản lý).

Mở đầu cuộc hội thảo, bà Lê Thị Hồng Hoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác cho biết:

Khi đón nhận Nghị quyết 76, chúng tôi hoàn toàn lúng túng và hoang mang vì không biết chương trình đào tạo sắp tới sẽ như thế nào vì giữa trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp trước đây rất khác nhau. 

Lộ trình thống nhất chương trình, biên chế giáo viên, cơ sở vật chất giải quyết như thế nào, Chính phủ không nói rõ trong Nghị quyết
”. 

Cùng quan điểm đó, ông Lương Quang Ngọc-  Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bến Thành, TP.Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết của Chính phủ khiến các trường trung cấp thực sự hoang mang.

Chúng tôi hoàn toàn không biết đi đâu, về đâu, khi nào và mô hình ra sao mà “không an cư thì không lạc nghiệp”” – ông Ngọc bày tỏ. 

Ông Lê Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bến Thành. Ảnh: L.V
Ông Lê Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bến Thành. Ảnh: L.V

Theo ông Ngọc, nếu các trường trung cấp, chuyên nghiệp được chuyển về Bộ Lao động – Thương binh và xã hội thì các trường trung cấp, chuyên nghiệp sẽ rất khó tuyển sinh vì học sinh, phụ huynh hiện nay không thích trường nghề.

Ông Ngọc cho biết, nhiều trường nghề hiện nay chỉ muốn bỏ chữ “nghề” đi để “dễ thở” hơn trong tuyển sinh nhưng quy định không cho phép. 

Trong vấn đề liên thông, theo ông Ngọc: “Nhiều trường đại học hiện nay nói thẳng là nếu cao đẳng nghề thì không nhận liên thông. Điều này ảnh hưởng tới chủ trương học tập suốt đời của học sinh”.

Kiến nghị xem xét lại thông tư ngừng nhận hệ trung cấp


Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến từ các trường trung cấp y dược phản ứng gay gắt với Thông tư liên tịch số 25/2015 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ trong đó quy định, từ năm 2021 các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp.

Theo quy định này, từ năm 2018, các trường trung cấp y dược sẽ phải ngừng đào tạo ngành Điều dưỡng, Hộ sinh và Kỹ thuật y học và từ năm 2025 sẽ bỏ hẳn chức danh cán bộ hệ trung cấp trong toàn ngành y tế.

Hội thảo "Nâng cao chất lượng đào tạo Cao đẳng và Trung cấp Y, Dược" (Ảnh: Thùy Linh)
Hội thảo "Nâng cao chất lượng đào tạo Cao đẳng và Trung cấp Y, Dược" (Ảnh: Thùy Linh)

Bà Trần Lệ Hằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Vạn Hạnh cho biết, thông tư này khiến các cán bộ hệ trung cấp ở các bệnh viện và các cơ sở y tế đổ xô đi học bằng cao đẳng để đáp ứng yêu cầu.

Điều này gây ra lãng phí về thời gian và tiền bạc trong khi chất lượng tay nghề của các cán bộ này không được nâng lên bao nhiêu. Đó là chưa kể, các bệnh viện và cơ sở y tế cũng phải tính toán chi phí để trả lương cho các cán bộ này sau khi họ đã có bằng cao đẳng.

Ông Phạm Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh cho rằng, quy định này của thông tư thực chất là “chặt chân chặt tay” các trường trung cấp và buộc các trường phải giải thể hoặc đóng cửa vì không tuyển sinh được. 

Kết thúc buổi hội thảo, đại diện các trường trung cấp nghề kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế để các trường trung cấp y dược được nâng cấp thành trường cao đẳng đào tạo y dược 3 năm theo yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ.

Thùy Linh