Báo Nga hả hê: Chiến lược của Mỹ ở Biển Đông đã thất bại

17/09/2016 08:06
Hồng Thủy
(GDVN) - Cần có một góc nhìn độc lập và tỉnh táo trước làn sóng tuyên truyền chống phá nhau của các siêu cường, bởi khi đã ở hai đầu chiến tuyến...

Sputnik News ngày 16/9 bình luận, mặc dù Washington đã cố gắng hết sức để làm suy yếu vị thế của Bắc Kinh ở khu vực Đông Nam Á, chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama đã thất bại.

Tờ báo này dẫn lời Mathew Maavak, Tom McGregor, hai nhà phân tích địa chiến lược bình luận về vấn đề Biển Đông. Bài báo viết:

"Trong khi Trung Quốc đang đẩy mạnh sáng kiến Con đường Tơ lụa mới, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các cường quốc Âu - Á khác như Nga và Ấn Độ, để xây dựng một không gian thương mại thống nhất, thì Washington đã gia tăng áp lực lên Bắc Kinh.

Khó có thể nói đó là một sự trùng hợp khi Mỹ tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không, cũng như các hoạt động diễn tập quân sự ở Biển Đông đồng thời với cố gắng chia rẽ quan hệ Trung Quốc - ASEAN.

Hơn nữa ngày 12/7 Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết vụ kiện Biển Đông giữa Philippines - một đồng minh của Hoa Kỳ, với Trung Quốc được khởi xướng từ đầu năm 2013.

Tàu sân bay Mỹ, hình minh họa: foxtrotalpha.jalopnik.com.
Tàu sân bay Mỹ, hình minh họa: foxtrotalpha.jalopnik.com.

Phán quyết Trọng tài khẳng định, yêu sách lịch sử của Trung Quốc bên trong phạm vi đường 9 đoạn là không có cơ sở pháp lý.

Vụ kiện được khởi xướng bởi cựu Tổng thống Benigno Aquino III, cùng thời điểm với việc đàm phán ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng mở rộng Philippines - Hoa Kỳ, giúp Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Tháng 3 năm nay, trang Militarytimes.com nhấn mạnh rằng, thỏa thuận này giữa Manila với Washington đã có hiệu lực, mở đường cho Mỹ có sự hiện diện quân sự lâu dài trên 5 căn cứ của Philippines, với mục tiêu nhắm tới là Biển Đông.

Cỏ vẻ như chiến lược xoay trục sang châu Á của ông Obama đã đạt được mục tiêu. Tuy nhiên những diễn biến gần đây cho thấy điều ngược lại.

Sau Phán quyết Trọng tài, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không vội vâ gặt hái lợi ích từ phán quyết, ASEAN từ chối làm trầm trọng thêm căng thẳng.

Tại sao chiến lược xoay trục sang châu Á của Obama thất bại?

Washington hầu như điều một hạm đội để chống lại cái gọi là bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông với dự kiến, Philippines sẽ là một trục quân sự của mình ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên thay vì đáp ứng, ông Rodrigo Duterte đã nhục mạ ông Obama, đề nghị rút lực lượng cố vấn quân sự Mỹ khỏi miền Nam Philippines. Thậm chí Duterte tuyên bố, ông cân nhắc khả năng mua vũ khí Trung Quốc và Nga.

Maavak cho rằng, nhìn chung những nỗ lực của Mỹ ở Biển Đông đã không thành công, nhất là trong việc nuôi dưỡng quan hệ đặc biệt với Việt Nam.

Trong khi Việt Nam tránh rủi ro ở Biển Đông bằng cách giữ quan hệ tốt với Nga và Ấn Độ. Chiến lược xoay trục của Mỹ có khả năng gây bất ổn cho khu vực Đông Nam Á. Đó là vấn đề đáng lo ngại.

Tom McGregor, bình luận viên và biên tập của đài CNTV (China Television Network) cho rằng, nếu Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, Washington có thể xem lại chính sách của mình với Bắc Kinh và Moscow:

"Bây giờ có vẻ nhiều khả năng Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo, Biển Đông sẽ không còn là vấn đề. Trump quan tâm nhiều hơn đến thúc đẩy thương mại công bằng và tạo công ăn việc làm cho Hoa Kỳ, thay vì xem vào các tranh chấp lãnh thổ tốn kém.

Chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ buộc Trung Quốc phải thắt chặt quan hệ với Nga. Chúng ta có thể mong đợi quan hệ gần gũi hơn giữa Bắc Kinh với Moscow những ngày tới, chừng nào Washington còn tìm cách kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên nếu Mỹ đảo ngược chính sách khi Trump làm Tổng thống, tôi dự đoán quan hệ Nga - Mỹ có thể được cải thiện, trong khi Trung Quốc có thể phải đối mặt với nhiều thách thức hơn do sự xích lại gần nhau giữa Trump và Putin."

Còn theo Maavak, Trung Quốc quan tâm tìm cách cải thiện quan hệ với Nga không chỉ là vì vấn đề Biển Đông. Thế giới đang thức dậy với khả năng hình thành cục diện đa cực hậu Mỹ.

Đây là một thế giới hậu USD, có thể trì hoãn nhưng không thể ngăn chặn, một sự thay đổi quyền lực địa chính trị và địa kinh tế nghiêng về phía Đông."

Người viết cho rằng những bình luận của 2 nhà phân tích trên Sputnik News là đáng lưu tâm, tham khảo trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng gay gắt ở Biển Đông.

Tuy nhiên cần có một góc nhìn độc lập và tỉnh táo trước làn sóng tuyên truyền chống phá nhau của các siêu cường, bởi khi đã ở hai đầu chiến tuyến hay mâu thuẫn lợi ích, thì người nọ nói xấu người kia là việc bình thường.

Nguồn:

https://sputniknews.com/politics/20160916/1045378213/south-china-sea-us-asia-pivot.html

Hồng Thủy