Xử lý trách nhiệm, buộc nhà mạng trả lại tiền nếu thu lợi bất chính 230 tỷ đồng

26/09/2016 07:31
Mai Anh
(GDVN) - Theo LS. Trương Anh Tuấn, nếu xác định được trong 230,4 tỷ đồng có tiền thu về từ kích hoạt dịch vụ mà pháp luật không cho phép, nhà mạng buộc phải trả lại...

Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016, gần 94.000 thuê bao của bốn nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile đã phải chi số tiền hơn 230,4 tỷ đồng cho Công ty SAM MEDIA - một doanh nghiệp từ Hồng Kông (Trung Quốc).

Cách thức của SAM MEDIA là gửi các nội dung quảng cáo trúng thưởng máy điện thoại, máy tính bảng, thẻ điện thoại đến các thuê bao di động.

Trong khi  thông tin về các giải thưởng, mã lệnh đăng ký dịch vụ, hướng dẫn nhập mã đăng ký dịch vụ có kích thước và cỡ chữ rất lớn thì phần nội dung, thể lệ chương trình, cách hủy dịch vụ, số điện thoại hỗ trợ được đăng với cỡ chữ nhỏ và thường chỉ suốt hiện trong tin nhắn đầu tiên.

SAM MEDIA (Trung Quốc) đã thu về tổng số tiền 230,4 tỷ đồng từ các thuê bao di động của của Việt Nam - ảnh minh họa.
SAM MEDIA (Trung Quốc) đã thu về tổng số tiền 230,4 tỷ đồng từ các thuê bao di động của của Việt Nam - ảnh minh họa.

Chính sự nhập nhèm, không rõ ràng này đã giúp SAM MEDIA thu về số tiền lên đến hơn 230,4 tỷ đồng từ tài khoản của khách hàng. Thực tế này đặt ra trách nhiệm của các nhà mạng viễn thông di động, đặc biệt khi nhà mạng di động khi cũng được hưởng một phần không nhỏ trong tổng số hơn 230,4 tỷ đồng thu về từ các thuê bao. 

Chìa khóa của vấn đề

Trả lời trên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Minh - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hà Nội cho biết: Các nhà mạng chỉ cung cấp đường truyền đến khách hàng chứ không chịu trách nhiệm về nội dung. Ở đây là vi phạm của Công ty SAM MEDIA.

Tuy nhiên, văn phòng SAM MEDIA ở Hà Nội không trực tiếp kinh doanh mà chỉ thực hiện các nhiệm vụ dịch kịch bản dịch vụ, trả thưởng… 

Ngoài ra ông Minh thông tin thêm: Trong tổng số tiền hơn 230 tỷ đồng, số tiền SAM MEDIA và các Công ty đầu số được hưởng khoảng 70 tỷ đồng, còn lại là các nhà mạng VinaPhone hơn 53 tỷ đồng, MobiFone hơn 76 tỷ đồng, Viettel 11 tỷ đồng và Vietnammobile là 600 triệu đồng.  

LS. Trương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn. (Ảnh nhân vật cung cấp).
LS. Trương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Trả lời của ông Minh đã khẳng định, các nhà mạng vô can trong sai phạm của SAM MEDIA.

Tuy nhiên, phân tích về số tiền nhà mạng thu được trong tổng số hơn 230,4 tỷ đồng cũng như trách nhiệm của các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile, Ths.LS Trương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn (Hà Nội) nhấn mạnh: “Nhà mạng được giao quản lý dịch vụ giá trị gia tăng, trong khi SAM MEDIA vi phạm vấn đề liên quan đến cách thức gửi nội dung quảng cáo. Điều này chứng tỏ nhà mạng không kiểm soát được, vì thế nhà mạng không thể vô can”.

Theo LS. Trương Anh Tuấn, nếu trong số tiền 230,4 tỷ đồng mà SAM MEDIA thu về có những khoản tiền thu lợi được do nhà mạng tự kích hoạt các dịch vụ giá trị gia tăng thì đó là hành vi lừa đảo. 

“Nếu xác định được có khoản tiền thu về từ việc tự kích hoạt dịch vụ trong khi pháp luật không cho phép thì cần xử lý trách nhiệm nhà mạng, buộc các bên trả lại số tiền đó cho chủ các thuê bao”, LS. Tuấn nói.

Xử lý trách nhiệm, buộc nhà mạng trả lại tiền nếu thu lợi bất chính 230 tỷ đồng ảnh 3

Được chia 2/3 lợi nhuận, 4 nhà mạng tiếp tay "móc túi" gần 94.000 khách hàng?

Xử lý trách nhiệm, buộc nhà mạng trả lại tiền nếu thu lợi bất chính 230 tỷ đồng ảnh 4

Gần 94.000 thuê bao bị "móc túi", 4 nhà mạng Việt Nam không thể vô can

Theo như phân tích LS. Trương Anh Tuấn, mấu chốt vấn đề là làm rõ trong số hơn 230,4 tỷ đồng SAM MEDIA thu về liệu có khoản tiền nào doanh nghiệp thu được do tự kích hoạt cách dịch vụ trên thuê bao của khách hàng cũng như làm sao để truy xét vấn đề này?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về các yếu tố kỹ thuật nói trên, anh Nguyễn Duy Hưởng - Chuyên viên công nghệ thông tin trong doanh nghiệp chuyên cho thuê và làm dịch vụ máy chủ cho biết: “Trước đây tôi đã từng làm cho đơn vị viễn thông di động nên có thể khẳng định, việc truy vết lịch sử truy cập các thuê bao sẽ tìm ra việc có hay không số thuê bao tự đăng ký dịch vụ hay nhà mạng tự kích hoạt”.

Anh Hưởng cho biết, giữa nhà mạng viễn thông di động và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ giá trị gia tăng luôn có chung lợi ích, khoản tiền thu về từ các dịch vụ giá trị gia tăng nhà mạng được hưởng từ 45% - 50%.

“Giá cước trừ tiền các dịch vụ giá trị gia tăng như thế nào, nội dung cách thức thực hiện các tin nhắn quảng cáo, tin nhắn giới thiệu dịch vụ giá trị gia tăng đều có trong hợp đồng thỏa thuận giữa nhà mạng với doanh nghiệp thực hiện dịch vụ giá trị gia tăng. Vì thế những vấn đề liên quan dịch vụ giá trị gia tăng nhà mạng nắm rõ nhất”, anh Hưởng cho biết.

Anh Hưởng cho hay, việc truy lại lịch sử truy cập của thuê bao nói là không khó nhưng lại cực khó.

“Máy chủ nắm giữ thông tin dữ liệu đó thuộc quản lý của nhà mạng viễn thông di động, vì thế không ai biết được trừ nhà mạng. Ví dụ, nếu có việc tự kích hoạt dịch vụ mà nhà mạng không thừa nhận, không công bố thì không ai biết. Muốn làm rõ chỉ khi cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc”, anh Hưởng cho biết.

“Mất một vài nghìn, hay thậm chí vài chục nghìn trong tài khoản nếu không để ý thì người dùng không thể phát hiện ra và tâm lý người dân không muốn làm lớn chuyện. Nhưng nếu các chủ thuê bao bị mất tiền oan, quyết làm đến cùng hoàn toàn có thể được hoàn trả lại số tiền”, anh Hưởng nói.

Có bao che cho nhà mạng?

Đặt vấn đề trách nhiệm nhà mạng di động viễn thông như VinaPhone, MobiFone, Viettel và Vietnamobile trong vụ việc SAM MEDIA, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với ông Nguyễn Văn Minh - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.

Cho biết do bận họp, ông Minh đề nghị phóng viên gửi câu hỏi qua email để trả lời.

Theo đúng đề nghị của ông Minh, sau khi phóng viên liên hệ và gửi câu hỏi qua email, trong thư điện tử phúc đáp, ông Minh nêu quan điểm: “Mọi thông tin như đã đăng (thông tin đăng tải trên trang website của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) các phóng viên căn cứ vào đó để đăng tin không nên thông tin sai lệch sự việc”.

Ngoài ra ông Minh cũng khẳng định, chưa bao giờ cung cấp với báo chí về thông tin SAM MEDIA chỉ được hưởng 70 tỷ đồng trong tổng số hơn 230,4 tỷ đồng.

Trả lời của đại diện Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đặt ra vấn đề, liệu cơ quan quản lý có đang bao che hay e ngại các nhà mạng viễn thông để không làm rõ vấn đề được báo chí nêu ra?

Nói đến bất cập trong quản lý dịch vụ giá trị gia tăng hiện nay, LS. Trương Anh Tuấn cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần quy định tất cả các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ nhận thông tin quảng cáo phải được chủ thuê bao chủ động soạn tin nhắn đăng ký đến.

“Ví dụ tôi muốn nhận thông tin về giá vàng, giá USD hàng ngày tôi phải chủ động nhắn tin đến và nhà mạng phải có tin nhắn phản hồi xác nhận xem đúng là chủ thuê bao đăng ký dịch vụ đó không. Phải chặt chẽ như vậy thì người tiêu dùng mới không bị “móc túi”, LS. Tuấn cho biết.

Liên quan đế các sai phạm của SAM MEDIA, đến thời điểm này chỉ mới có nhà mạng Viettel tuyên bố dừng mọi hợp tác với ACOM, 1 trong 3 công ty trung gian cung cấp dịch vụ của SAM MEDIA tại Việt Nam sau vụ gần 94.000 khách hàng bị "móc túi hơn 230 tỷ đồng.

Viettel đã hủy tất cả các dịch vụ của SAM MEDIA do Công ty ACOM cung cấp trên đầu số 6909 với các khách hàng không nhắn tin xác nhận muốn sử dụng tiếp.

Viettel cũng phát hiện các hình thức truyền thông của SAM MEDIA chủ yếu hướng đến việc "đăng ký dịch vụ và trúng thưởng iPhone, iPad, Samsung Galaxy S7".

Viettel cho biết, trong thời gian 9 tháng hợp tác, từ tháng 7/2015 đến tháng 3/2016, tổng doanh thu phát sinh giữa Viettel và ACOM là 20 tỷ đồng, trong đó ACOM hưởng gần 9 tỷ đồng và Viettel hưởng hơn 11 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nhà mạng chưa hề đưa ra giải pháp bồi hoàn nào cho khách hàng bị hại.

Mai Anh