Tự chủ đại học và các vấn đề nhức nhối cần lời giải

02/10/2016 08:06
PGS. Phan Thị Bích Nguyệt
(GDVN) - Một bài toán đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải giải là nguồn lực đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của giáo dục đại học khi ngân sách bị giới hạn.

LTS: Nền tảng cho phát triển giáo dục đại học đòi hỏi rất nhiều yếu tố tác động và hỗ trợ một cách hài hòa và chuyên nghiệp trên một không gian hội nhập sâu và rộng. 

Muốn vậy đòi hỏi có sự giao thoa một cách hài hòa giữa mục tiêu và chính sách, có lộ trình và phù hợp với hành lang pháp lý tạo cơ chế tự chủ tốt nhất cho giáo dục nói chung và đặc biệt là giáo dục ở bậc đại học. 

Tại Việt Nam, tự chủ đại học đã khởi động và đang trong giai đoạn thí điểm theo lộ trình từ thí điểm tự chủ tài chính tới thí điểm tự chủ toàn diện. 

Lộ trình này nói lên sự quan trọng của nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục đại học. Với một nghiên cứu điển hình tại trường Đại học Kinh tế Thành Phố Hồ Chí Minh (UEH) sẽ là một minh chứng thực nghiệm cho vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả thông qua bài tham luận của PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành Phố Hồ Chí Minh trình bày tại Hội thảo “Tự chủ Đại học – Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 30/9. 


Với mỗi quốc gia, nguồn lực tài chính dành cho giáo dục đại học là nhân tố chủ yếu quyết định quy mô và chất lượng giáo dục. 

Nhưng tại một số nước trong đó có Việt Nam hiện nay không thể đầu tư 100% cho giáo dục từ nguồn ngân sách mà cần phải có sự phối hợp đầu tư từ nguồn lực trong toàn xã hội. 

Một trong những bài toán mà các nhà hoạch định chính sách nước ta phải giải là nguồn lực phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng đối với giáo dục đại học trong bối cảnh ngân sách bị giới hạn. Cụ thể, đó là nghiên cứu và tìm lời giải về tài chính cho giáo dục.

Vấn đề tự chủ tài chính cho giáo dục đại học tại Việt Nam thời gian qua

Tại Việt Nam trong thời gian qua có nhiều nỗ lực trong đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục trong đó có Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. 

Nghị định số 49/2009/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015. 

Trong giai đoạn này một số trường được chọn và thí điểm tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.

Khi được thực hiện tự chủ trường phải chủ động trong chi thường xuyên ngoài ra không được hưởng quyền lợi, cơ chế khác biệt nào so với các trường Đại học công lập khác minh họa rõ nhất là việc áp dụng khung học phí chung cho tất cả các trường đại học công lập đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các trường tự chủ và các trường chưa (hoặc 1 phần) tự chủ tài chính. 

PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành Phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Hội thảo “Tự chủ Đại học – Cơ hội và thách thức” (Ảnh: Thùy Linh)
PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành Phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Hội thảo “Tự chủ Đại học – Cơ hội và thách thức” (Ảnh: Thùy Linh)

Vì vậy, hàng năm chênh lệch thu chi cho một suất đào tạo thường là âm, chưa tính đến sự tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát, sự thay đổi một số chính sách của Chính phủ đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo... 

Chính vì vậy các trường được chọn thí điểm tự chủ tài chính không thể chủ động tạo nguồn thu để tự đảm bảo thực hiện gia tăng tích lũy để đầu tư cơ sở vật chất, không thực hiện được các chế độ ưu đãi đối với giảng viên dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám. 

Do vậy, yêu cầu đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập nay lại càng trở nên cấp thiết. 

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 đã tạo động lực quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc nâng cao quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm trong việc khai thác các nguồn lực. 

Như vậy giao tự chủ cho các trường Đại học là cần thiết tạo điền kiện cho các trường chủ động trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị nhà trường. 

Trong bối cảnh Việt Nam, tự chủ Đại học được triển khai trên mọi bình diện, tuy nhiên tự chủ về tài chính được tập trung chú ý và nghiên cứu khá nhiều vì tầm quan trọng của nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển và tạo được cơ sở hạ tầng quan trọng cho phát triển như: 

Tự chủ đại học và các vấn đề nhức nhối cần lời giải ảnh 2

Tự chủ, tự do học thuật và trách nhiệm giải trình của đại học ở Việt Nam

(GDVN) - Tự do học thuật đặc biệt quan trọng trong xã hội kinh tế tri thức của thế kỷ 21, vì rằng hiện nay trường đại học là cỗ máy then chốt của xã hội tri thức.

Đáp ứng yêu cầu của đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, tài trợ cho việc phát triển ý tưởng nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa mọi hoạt động của một trường Đại học làm cơ sở vững chắc cho cạnh tranh và hội nhập. 

Nội dung cơ bản của tự chủ tài chính cho giáo dục đó là tự chủ trong xác định và xây dựng nguồn thu, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính theo chiến lược phát triển của mỗi trường trên nền tảng là linh hoạt và hiệu quả. 

Huy động và đang dạng hóa nguồn thu giảm tỷ lệ thu từ học phí, gia tăng tỷ lệ thu từ các hoạt động khoa học công nghệ, các hoạt động đào tạo gia tăng, các hoạt động dịch vụ, nguồn thu từ cựu sinh viên, các nhà tài trợ…

Với mục tiêu chia sẻ gánh nặng của ngân sách nhà nước, tránh tình trạng phân phối bình quân thông qua ngân sách, tạo động lực cạnh tranh, khẳng định thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học… Đây là tiền đề cho tự chủ toàn diện tại các trường đại học.

Tự chủ mang lại điều gì?


Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2377/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2014 – 2017 với mục đích thực hiện xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục, chia sẻ gánh nặng với ngân sách, thực hiện được cơ chế thu hút và khuyến khích phát triển tài năng, điều tiết sự mất cân đối trong tuyển sinh.

Sau 1 năm triển khai thực hiện, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã đạt các kết quả như sau:

+ Chủ động trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cụ thể là đã mạnh dạn đã triển khai Chương trình tiên tiến quốc tế Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. 

Chương trình tiên tiến quốc tế Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp cho sinh viên tốt nghiệp được thừa nhận trên thị trường lao động quốc tế và được liên thông một cách đầy đủ tại các trường đại học nước ngoài.

Thực hiện chương trình tiên tiến quốc tế Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Trường cần phải nâng chuẩn đầu ra đối với tất cả các ngành, chuyên ngành đào tạo và đã công bố công khai, rộng rãi cho xã hội, người học;

Tăng cường kỹ năng, kiến thức theo yêu cầu của xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học thích ứng, hòa nhập ngay môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.

Tự chủ đại học và các vấn đề nhức nhối cần lời giải ảnh 3

Tự chủ đại học và nâng cao trình độ ngoại ngữ là hai vấn đề cấp thiết

(GDVN) - Hiệp hội các Trường ĐH, CĐ Việt Nam cùng các tổ chức giáo dục quốc tế có buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vào ngày 8/3 tại Văn phòng Chính phủ.

+ Mở các ngành trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp điều kiện đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu xã hội.

+Tổ chức Kiểm định chất lượng giáo dục đại học mạng lưới các trường đại học ASEAN kiểm định chương trình đào tạo ngành Ngân hàng và kiểm định toàn bộ chương trình đào tạo của Trường theo lộ trình.

+ Xây dựng phương án tuyển sinh riêng phù hợp với yêu cầu, lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo và yêu cầu xã hội.

+ Thực hiện in, cấp phát và quản lý văn bằng cho các trình độ đào tạo ưu thế cho người học có cơ hội tiếp cận và tìm được công việc phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp. 

Điều này đáp ứng quyền lợi chính đáng của người học và mong muốn của các cơ sở giáo dục - đào tạo, cũng như đáp ứng quy luật cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường lao động.

+ Xác định là trường đại học định hướng nghiên cứu, Vì vậy công bố quốc tế là bắt buộc vì vậy để công bố quốc tế trên các tạp chí theo chuẩn ISI, Scopus, Trường đã xây dựng Quỹ Nghiên cứu hàn lâm với kinh phí 3 tỷ đồng/năm. 

Theo đó, mức hỗ trợ từ 100 - 200 triệu đồng/bài. Mặt khác cũng đã xây dựng chính sách khen thưởng nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế.

+ Tự chủ liên kết đào tạo, nghiên cứu và triển khai với đối tác quốc tế thu hút sự quan tâm của xã hội và người học, ngày càng có nhiều sinh viên nước ngoài tham gia nghiên cứu và học tập, chứng tỏ năng lực và chất lượng đào tạo của các chương trình đang từng bước được khẳng định.

+ Sự vận hành của bộ máy quản lý: ngày càng hiệu quả, linh hoạt. Trên cơ sở định biên phù hợp với khối lượng công việc nhằm khai thác hết công suất làm việc, tiết kiệm chi phí quản lý.Cơ chế tự chủ đã góp phần tăng cường trách nhiệm của cán bộ, viên chức nhà trường.

+ Cơ sở vật chất: nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư tăng cường các điều kiện dạy và học, từng bước đáp ứng theo yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

+ Thực hiện tự chủ tài chính trường đảm bảo cân đối thu, chi, duy trì các hoạt động chi thường xuyên và từng bước tập trung triển khai các hoạt động theo chiến lược đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, nghiên cứu khoa học tại trường. 

Nguồn thu của trường được tăng cường quản lý, hạn chế thất thu, các khoản chi được kiểm soát chặt chẽ, trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.

+ Cơ chế tự chủ tài chính đã giao quyền cho trường trong việc tổ chức phân phối thu nhập theo nhiều hình thức, đảm bảo đúng chế độ, theo kết quả lao động và hiệu quả công việc của từng cán bộ, viên chức.

Thu nhập của cán bộ, viên chức trong giai đoạn thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đảm bảo ổn định và có xu hướng tăng qua các năm. 

Đây cũng là một trong những nhân tố khá quan trọng để trường hạn chế tình trạng bị chảy máu chất xám và thu hút được nhân tài về với nhà trường.

+ Thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí, học bổng đối với sinh viên diện chính sách, sinh viên nghèo học giỏi, giúp các em có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ học tập, góp phần phát triển bản thân, đóng góp kinh tế cho gia đình và xã hội. 

Bảng : Kế hoạch phân bổ học bổng giai đoạn 2014 – 2017

Như vậy, xã hội hóa giáo dục phải nhằm đạt được những mục tiêu thiết yếu của giáo dục và nhà nước, không thể lợi dụng xã hội hóa để biến giáo dục, thành một ngành kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận. 

Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các trường đại học. Trường phải chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng các tiêu chí chất lượng đào tạo theo quy định và công khai minh bạch, khẳng định được vị thế, thương hiệu.

Mức thu học phí cần dựa trên chất lượng của các trường đại học

Để tự chủ trong các trường đại học được thể hiện đúng thực chất cần giải quyết hài hoà các vấn đề có liên quan và đặc biệt là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu. 

Theo chúng tôi trong giai đoạn hiện nay học phí của người học được xem là một giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ chi phí giáo dục đại học. Mức thu học phí cần dựa trên chất lượng của các trường đại học. 

Tự chủ đại học và các vấn đề nhức nhối cần lời giải ảnh 7

Năm nay, thực hiện cho được 5 giải pháp đột phá để giáo dục đi lên

(GDVN) - Thời gian học của bậc phổ thông rút ngắn ít nhất là một năm, đại học cao đẳng tuỳ chuyên ngành có thể rút ngắn thời gian tương ứng.

Mặt khác, học phí được tính toán trên cơ sở có thể bù đắp đáng kể các chi phí hoạt động và được điều chỉnh mức học phí theo những biến động của nền kinh tế như vậy sẽ huy động được nguồn lực tài chính rất lớn và là lời giải bài toán phát triển giáo dục tương đồng với yêu cầu phát triển kinh tế và thực hiện điều tiết trong toàn xã hội.

Tạo nguồn thu thông qua các hoạt động dịch vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. 

Các trường đại học tận dụng lợi thế sẵn có của mình để thực hiện các hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học để tăng nguồn thu, gia tăng hoạt động gây quỹ từ cựu sinh viên thành đạt. Điều quan trọng để phát triển nguồn này dựa trên công cụ khá hữu hiệu đó chính là chính sách thuế;

Được quyền chủ động quyết định việc sử dụng vốn tự tạo, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu của trường để triển khai các hoạt động khoa học-công nghệ và ngược lại.

Được áp dụng mức lương đặc biệt đối với người giỏi, tương đương mức lương bình quân do các tổ chức quốc tế, nước ngoài trả cho người Việt Nam để thực hiện chính sách thu hút nhân tài của trường;

Được tính toán chi phí đầu vào và quyết định mức thu học phí đủ để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên và có tích lũy, đảm bảo mức học phí gắn với chất lượng đào tạo. 

Trường có trách nhiệm công khai mức học phí của các loại hình, chương trình và ngành đào tạo khác nhau để người học có quyền lựa chọn và giám sát phần đóng góp của mình được đầu tư thích đáng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. 

Như vậy, các chính sách ban hành, chỉnh sửa cần đồng bộ và theo hướng mở rộng hơn nữa việc giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm; tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa việc đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học, khuyến khích đóng góp của toàn xã hội tài trợ cho giáo dục…

Tài chính trong giáo dục hay cụ thể hơn cung cấp tài chính cho giáo dục đại học đã và sẽ tiếp tục có một vai trò rất lớn trong hoạch định ngân sách của chính phủ, đây là bài toán mà các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo trường cần giải quyết tìm ra phương án tối ưu trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng trong điều kiện nguồn tài chính có giới hạn với hàm mục tiêu là chất lượng.
                                        



PGS. Phan Thị Bích Nguyệt