Trộn đáp ứng nhu cầu học sinh với tăng thu nhập giáo viên làm sự học biến chất

02/10/2016 08:01
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Tuy việc kỷ luật có thể làm các giáo viên bị tổn thương, song việc ra hình thức kỷ luật đối với các cô còn mang tính cảnh báo và răn đe trong ngành Giáo dục.

LTS: Vấn đề dạy thêm, học thêm đã được báo chí và dư luận phản ánh rất nhiều trong thời gian qua, ở nhiều góc độ khác nhau.

Thầy giáo Trần Trí Dũng (đến từ Quảng Ninh) đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình khi cho rằng dạy thêm như một vấn nạn và việc xử lý kỉ luật với các giáo viên vi phạm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là đúng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Theo thông tin từ Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 23/9/2016 Hội đồng kỷ luật trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) đã ra quyết định kỷ luật đối với cô giáo Đ.T.T.N vì đã dạy thêm đối với học sinh Tiểu học, theo quy định cấm tại Thông tư số 17/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiếp đó, sau khi được biết cô giáo T. và cô giáo L. thuê nhà để dạy thêm cho học trò chính khóa, ngày 28/9/2016 Ban Giám hiệu trường Trung học Cơ sở Lý Thường Kiệt quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu 2 cô T. và L. làm bản tường trình, nộp về lại cho lãnh đạo nhà trường.

Sau đó, hội đồng kỷ luật của nhà trường sẽ họp và đưa ra một hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với hành vi sai phạm của cô T. và cô L. trong quy định cấm dạy thêm, học thêm học sinh chính khóa, được quy định theo Thông tư 17.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nói lại lệnh cấm dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2016 (ảnh: P.L).
Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nói lại lệnh cấm dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2016 (ảnh: P.L).

Sau khi báo chí thông tin phản ánh đến độc giả đã nhận được nhiều phản hồi khác nhau.

Ngày 26 và 28/9/2016, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng hai bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc và cô giáo Phan Tuyết thể hiện tâm tư và quan điểm về vấn đề này, do đấy một lần nữa lại làm dấy nên dư luận đối với những sự việc trên.

Vì thế, dưới góc độ báo chí và vấn đề của ngành, tôi thấy cần thiết có một tiếng nói về vấn đề này.

Vấn đề dạy thêm, học thêm đã được báo chí và dư luận phản ánh rất nhiều trong thời gian qua, ở nhiều góc độ khác nhau; và có những lúc vấn đề này đã được xem như một vấn nạn.

Nếu nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, việc Nhà nước chỉ cấm giáo viên không được tổ chức dạy thêm và cho phép giáo viên tham gia dạy thêm đã thừa nhận sự nhạy cảm của vấn đề.

Tuy nhiên, việc dạy thêm và học thêm như thế nào lại là vấn đề đáng phải bàn vì đã có những quy định cấm theo những trường hợp cụ thể, và điều đó còn tùy thuộc vào lương tâm và trách nhiệm của các giáo viên hàng ngày đang trực tiếp đứng lớp dạy học sinh.

Ngay trong buổi họp báo đầu năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận học thêm là một nhu cầu thật.

Tuy nhiên, nếu hợp lý hóa giữa việc đáp ứng nhu cầu học thêm thật chính đáng của học sinh với nhu cầu tăng thu nhập của giáo viên thì lại làm biến tướng bản chất của sự học theo một hướng khác.

Báo Người lao động ngày 19/6/2016 có đăng bài viết của thầy giáo Đỗ Đức Anh ở thành phố Hồ Chí Minh, mà theo như lời tự giới thiệu là từng được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua, nhà giáo trẻ tiêu biểu, được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc liên tiếp trong nhiều năm học, trong đó có đoạn viết:

"... chúng tôi được hứa hẹn tăng lương trước thời hạn. Vậy mà mức lương hiện tại của tôi chỉ là 3,6 triệu đồng. Với mức lương ấy, quả thực chúng tôi phải dè sẻn chắt chiu để chắc chắn sẽ không chết đói nhưng... đói gần chết là điều không tránh khỏi nếu không tự bươn bả làm thêm.

Trộn đáp ứng nhu cầu học sinh với tăng thu nhập giáo viên làm sự học biến chất ảnh 2

Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình thiếu hiểu biết hay bao che cho giáo viên?

Vậy nhưng nhiều đồng nghiệp của tôi bị chính quyền rình bắt kiểu như tội phạm trốn lệnh truy nã chỉ vì… dạy thêm.

Vừa qua, không ít các báo gọi công việc chúng tôi đang làm là vấn nạn, chẳng khác gì nạn tham nhũng. Nhiều người phỉ báng tâm đức của chúng tôi chỉ vì chúng tôi đang làm một việc bằng chính mồ hôi, chất xám của mình.

Tại sao lại gọi những giờ dạy của giáo viên đối với học trò là “vấn nạn”?

... Chúng tôi, những thầy cô giáo, tại sao lại không được lao động lương thiện, kiếm đồng tiền bằng chính nghề của mình?

Công nhân sau 8 giờ có thể tăng ca. Bác sĩ sau giờ hành chính có thể làm thêm ở phòng mạch tư. Một nhân viên văn phòng có thể làm thêm sau giờ hành chính. Vậy tại sao lại cấm giáo viên “tăng ca”?".

Những ý kiến đó của một giáo viên trẻ làm cho chúng ta không thể không suy nghĩ, với một nỗi niềm chua xót từ góc nhìn của người lao động.

Song, dạy học là một nghề có những đặc trưng riêng vì đó là hoạt động nhằm trang bị kiến thức và hoàn thiện thiện con người, vì đối tượng lao động ở đây là những con người đang ở độ tuổi phát triển.

Nghề dạy học là nghề cao quý vì thế không thể đánh đồng các loại hình lao động theo góc độ này được.

Nếu không sẽ làm mất đi bản chất đặc trưng của công việc, và thầy cô giáo sẽ chỉ là những cái máy truyền đạt kiến thức. Do đó, việc cô Đ.T.T.N ở trường Tiểu học Bành Văn Trân và cô T. cô L. ở trường Trung học Cơ sở Lý Thường Kiệt chỉ vì muốn tăng thu nhập mà vi phạm pháp luật về dạy thêm, dưới góc độ này thật là đáng thương. 

Khi xét đối tượng học thêm của cô N. thì là những học sinh Tiểu học, đây là lứa tuổi đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển, như là những cây non.

Các em đang ở độ tuổi mà giáo dục ở giai đoạn này được xem là "học mà chơi, chơi mà học". Do đó, việc học thêm của các em ở độ tuổi này là không đặt ra, vì sẽ dễ làm mất đi sự vô tư và tuổi thơ của con trẻ.

Là một giáo viên được đào tạo, cô N. đáng lẽ phải hiểu và biết về vấn đề này, vì thế, việc cô giáo N. dạy thêm cho các em ở độ tuổi này là đáng giận.

Thực tế là pháp luật cũng đã có quy định cấm ở góc độ này. Mặt khác, đối với cô L., cô giáo này còn cố tình che giấu hành vi sai phạm của mình khi nói dối rằng mình đang dạy ở một trường khác trên địa bàn quận.

Những vi phạm pháp luật của các cô sẽ vô tình làm cho học trò noi theo; các thầy cô là những người dạy học sinh cách làm người vì thế phải luôn gương mẫu, phải sống và làm việc đúng với pháp luật.

Trong những dòng cảm xúc của mình, cô giáo Phan Tuyết viết:

"Những đồng nghiệp của tôi xin đừng vì cái lợi trước mắt của cá nhân mình làm ảnh hưởng đến thanh danh của hàng ngàn thầy cô giáo chân chính khác... Có giáo viên ngoài giờ lên lớp vẫn chạy bàn đám cưới, người làm thợ chụp hình, người bán đồ ăn, bán hàng tạp hóa… mà mỗi tháng cũng chỉ kiếm thêm được vài triệu đồng.

Dù nghèo nhưng lương tâm họ vẫn luôn thanh thản".

Tuy nhiên, trên thực tế việc xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm cũng không phải là dễ, và pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Song, việc cô giáo N., cô giáo T. và cô giáo L.  khi đã biết chủ trương cấm của thành phố và của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà vẫn tổ chức dạy thêm như vậy thì thật là đáng trách.

Trộn đáp ứng nhu cầu học sinh với tăng thu nhập giáo viên làm sự học biến chất ảnh 3

“Lớp đó sướng thế? Thầy cô dễ không à. Ai như bên này toàn bà la sát”

Tuy việc kỷ luật có thể làm các giáo viên bị tổn thương, song việc ra hình thức kỷ luật đối với các cô còn mang tính cảnh báo và răn đe trong ngành Giáo dục. 

Thiết nghĩ, học thêm, dạy thêm vốn là một vấn đề nhạy cảm nhưng khi đã có những quy định pháp luật được thừa nhận đúng trong thực tế thì cần phải có sự chấp hành nghiêm chỉnh, đặc biệt là trong ngành giáo dục.

Pháp luật cho phép các giáo viên có thể tham gia dạy thêm nhưng cũng đã có những quy định cấm chặt chẽ trong những trường hợp cụ thể. Trên thực tế, việc dạy thêm tràn lan vẫn diễn ra ở nhiều địa phương.

Do đó, từ việc xử lý kỷ luật đối với cô giáo N. ở thành phố Hồ Chí Minh, được xem là trường hợp đầu tiên ở địa phương này và sau đó là cô T. và cô L. là sự làm gương cho các địa phương khác, và đó cũng là một sự cảnh tỉnh đối với các giáo viên nói chung.

Từ đó, các trường học ở các địa phương cần có kế hoạch chấn chỉnh lại việc dạy và học ở địa phương mình, đặc biệt là công tác giáo dục tư tưởng cho đội ngũ giáo viên, những người được xem là đầu tàu của sự phát triển.

Trần Trí Dũng