Thêm một góc nhìn việc học sinh lớp 6 phải học lại từ lớp 1

06/10/2016 08:53
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Nhà trường, giáo viên mà vô tâm, đùn đẩy trách nhiệm thì chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” có gì xa lạ!

LTS: Bàn vụ việc học sinh "ngồi nhầm lớp" (lớp 6 nhưng chưa biết đọc, biết viết nên bị trả về lớp 1), thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc có bài viết phân tích nguyên nhân từ góc độ học sinh và giáo viên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Mới đây, báo chí đưa tin, một học sinh lớp 6 ở tỉnh Sóc Trăng được trả về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết.

Trước tình trạng học sinh học xong Tiểu học không biết đọc, biết viết, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ra công văn yêu cầu chấn chỉnh tình trạng đáng buồn trên.

Có lẽ đây không phải trường hợp duy nhất học sinh bị “ngồi nhầm lớp”, chỉ có điều ngành giáo dục các nhà trường, giáo viên chưa đủ “dũng khí” để phản ánh sự thật.

Báo Vietnamnet.vn từng đưa tin từ báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 vừa qua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ học sinh phổ thông đạt học lực, hạnh kiểm loại trung bình trở lên có cao hơn các năm trước.

Nếu căn cứ vào con số thống kê của từng trường cũng như của ngành giáo dục thì số lượng học sinh thuộc loại yếu, kém là không đáng kể, chỉ có khoảng vài phần trăm.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có nhiều học sinh lớp 3 nhưng không biết đọc (Ảnh: vnexpress.vn).
Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có nhiều học sinh lớp 3 nhưng không biết đọc (Ảnh: vnexpress.vn).

Nhưng đó là con số “ảo” bởi căn bệnh thành tích, còn những người trong cuộc, hiểu biết tường tận về chất lượng giáo dục phổ thông thì không bao giờ tin vào những con số "trên trời" như vậy.

Thực tế, nếu đánh giá cho đúng đắn thì số lượng học sinh Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông đạt học lực loại trung bình trở lên chỉ khoảng 50-60 % là cùng.

Thực tế, sự học không hề đơn giản, các nhà khoa học từng chứng minh thường có khoảng 15% gặp khó khăn trong học tập, phải có tác động, hỗ trợ tích cực của nhà trường, giáo viên mới vượt qua được khó khăn. 

Rõ ràng, số học sinh ở ta học yếu kém vẫn còn rất lớn; câu hỏi đặt ra là tại sao số lượng học sinh của chúng ta lại học yếu kém, “ngồi nhầm lớp” nhiều đến thế trong bối cảnh điều kiện học tập của các em hôm nay hơn hẳn thời trước?

Vậy nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là gì? Là người trong cuộc, tôi xin được nêu ra một số nguyên nhân cơ bản sau.

Đối với học sinh cấp Tiểu học, từ ba năm học gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai cách đánh giá mới, nhận xét quá trình học tập thay cho đánh giá bằng điểm số, nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh về điểm số và kết quả học tập cho học sinh Tiểu học.

Tôi cho đó là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh bậc Tiểu học.

Và ở bậc học này, nhà trường, giáo viên cần tạo điều kiện cho tất cả các em lên lớp hằng năm.

Đối với trường hợp các em học chậm, không theo kịp bạn bè thì nhà trường, giáo viên phải có trách nhiệm, biện pháp hỗ trợ để các em đủ kiến thức tự tin lên lớp.  

Đến bậc Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông việc đánh giá học lực học sinh vẫn như cũ, chủ yếu căn cứ vào kết quả điểm qua các cột điểm, bài kiểm tra, thi học kỳ.

Tất nhiên, trong đánh giá, phân loại sẽ có những em học giỏi, cũng có em học kém.

Quy chế đánh giá học sinh nêu rất rõ, những học sinh không đạt yêu cầu về hai mặt hạnh kiểm và học lực thì phải thi lại hoặc rèn luyện trong hè.

Nhưng thực tế, hầu hết các trường rất "sợ" cho học sinh không đạt yêu cầu ở lại lớp, “sợ” học sinh không đỗ tốt nghiệp, thành thử cuối năm làm mọi cách cho lên lớp, cho đậu tốt nghiệp bằng hết.

Chủ yếu là bị bệnh thành tích, chỉ tiêu thi đua "đè" quá nặng và tình cảm thương hại học trò, phụ huynh.

Năm nào cũng được lên lớp, dù học không được, tạo cho các học sinh tâm lý ỷ lại, chủ quan và cả khinh nhờn trong học tập.

Thiết nghĩ, ở lứa tuổi học sinh cấp 2 và 3, nếu không đạt yêu cầu, cần cho các em ở lại lớp, để được rèn luyện và thử thách, âu đấy cũng là công bằng và động lực của giáo dục.

Thêm một góc nhìn việc học sinh lớp 6 phải học lại từ lớp 1 ảnh 2

Luận bàn về “chạy” trong trường học

Cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều loại hình vui chơi, giải trí ra đời lôi cuốn nhiều học sinh tham gia.

Những hình thức vui chơi, giải trí, nhất là game online bùng nổ đã và đang "đầu độc" và làm hao tốn biết bao thời gian dành cho việc học tập của học sinh.

Nhiều học sinh đâm “nghiện” thế giới ảo, hết ngày này qua ngày khác mà không biết chán, nhiều em bị trầm cảm.

Cũng vì ham mê chơi game mà nhiều học sinh vốn có tư chất học tập rất tốt sau một thời gian lại yếu kém, sa sút nhanh chóng thậm chí gây ra những vụ án cướp của, giết người hết sức đau lòng.

Tình trạng thanh thiếu niên sa sút, hư hỏng đó khiến nhiều người lên tiếng, đòi hỏi phải có ngay những biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Điều kiện học tập của học sinh thời nay tốt hơn rất nhiều so với trước đây như ngoài Sách giáo khoa, nhiều học sinh còn được trang bị khá nhiều loại sách tham khảo, sách học tốt, sách nâng cao...

Ngoài thời gian học ở trường ra, nhiều học sinh còn có điều kiện và thời gian học thêm, học kèm ở các giáo viên.

Phải chăng do bị "bội thực" từ các loại sách tham khảo, từ các lớp, khóa học thêm triền miên, nên nhiều học sinh mất dần khả năng tư duy tự học, tự sáng tạo, tự đào sâu kiến thức?

Thực tế cho thấy, nhiều em không hề biết cách tự học và không bao giờ tự học được.

Tất cả, đều phụ thuộc vào những cái có sẵn của sách vở, của giáo viên.

Có kiểm tra sát sao, thi cử nghiêm túc thật sự mới thấy được hạn chế, yếu kém của học sinh ngày nay mà một phần nguyên nhân là không biết, không chịu tự học, tình trạng này khá phổ biến, giáo viên rất lo lắng và trăn trở.

Thói quen nhờ vả của phụ huynh, tất nhiên, phụ huynh nào sinh con ra và nuôi con lớn khôn đều trông mong con cái mình ngoan ngoãn, học hành tấn tới, thành đạt.

Song, thực tế đâu phải ai cũng được toại nguyện bởi trên con đường học vấn đầy gian lao, vất vả đó, có em học được, có em thi hỏng, có em lại đỗ đạt rất cao.

Đấy là lẽ thường tình nhưng thật khổ cho nhiều ông bố, bà mẹ, tuy biết rất rõ con mình học dở, học yếu, không đủ điều kiện lên lớp, không thi được tốt nghiệp... mà vẫn cố “níu kéo" bằng đủ cách...

Nếu chiếu cố cho các em lên lớp thì phấn khởi, hoan hỉ còn nếu không được thì phụ huynh quay lại nói xấu, tố cáo giáo viên đủ điều.

Cái thói xin xỏ, chạy chọt của phụ huynh đang là thứ "bệnh" nguy hiểm của ngành giáo dục.

Ai bảo, nghề dạy học là nghề nhàn, ít va chạm? Thời nào, chứ thời nay nghề giáo không đơn giản vậy.

Đầy những áp lực, đủ thứ khổ sở, trong đó có việc phụ huynh đến nhà "hành" nhờ vả...

Ngoài nguyên nhân từ phía người học, môi trường xã hội còn có nguyên nhân cốt lõi từ chất lượng và phương pháp dạy học của giáo viên ở bậc phổ thông.

Tuyển sinh đầu vào của các trường, ngành sư phạm còn thấp.

Sự đầu tư và đào tạo giáo viên ở các trường ngành sư phạm có nhiều hạn chế, bất cập.

Một thời gian dài vì chạy theo số lượng, chỉ tiêu và lợi nhuận, nhiều trường vốn không thuộc Sư phạm vẫn mở các ngành Sư phạm ào ào, rồi đào tạo kiểu nào cũng được ra trường.

Hơn nữa, khi ra trường dạy học thì chế độ đãi ngộ, lương bổng của Nhà nước lại thấp, chưa đáp ứng được cuộc sống cần thiết khiến cho một bộ phận không nhỏ giáo viên nên họ chưa dành hết tâm huyết, trách nhiệm cho hoạt động dạy học.

Thêm một góc nhìn việc học sinh lớp 6 phải học lại từ lớp 1 ảnh 3

Học sinh lớp 6 phải về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết đâu phải chuyện hiếm!

Thậm chí, có giáo viên còn dùng nhiều “chiêu thức” để chèn ép học sinh tổ chức học thêm tràn lan, gây bức xúc dư luận xã hội.

Trên đây là lý do rất cơ bản dẫn đến chất lượng dạy học của một bộ phận đội ngũ giáo viên không đạt yêu cầu, nhiều học sinh phải gánh hậu quả học yếu kém.

Giáo viên mà yếu kém về kiến thức lẫn phương pháp dạy học thì làm sao chất lượng học tập của các em khá lên?

Nhà trường, giáo viên mà vô tâm, đùn đẩy trách nhiệm thì chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” chẳng phải xa lạ.

Cho nên, bài toán về trách nhiệm, nâng cao chất lượng dạy học của đội ngũ giáo viên được xem là điều kiện tiên quyết hiện nay.

Để khắc phục những nguyên nhân, hạn chế trên cần có sự phối hợp, trách nhiệm cao của gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt ngành giáo dục.

Đội ngũ giáo viên cần nhìn thẳng vào sự thật, loại bỏ hẳn căn bệnh thành tích, có những quyết sách đổi mới một cách căn cơ, toàn diện từ nội dung, chương trình đến kiểm tra, thi cử, cách đánh giá…

Đỗ Tấn Ngọc