Giấc mơ biên chế và chuyện "không thể lý giải"

10/10/2016 07:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Đây là bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh vẫn giữ tư duy "chạy hợp đồng", "chạy biên chế" cho con cái làm giáo viên hay có một "công ăn việc làm ổn định".

Trong tuần vừa qua những câu chuyện về giáo dục thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Sau vụ việc học sinh lớp 6 không biết đọc, không biết viết ở Sóc Trăng, là câu chuyện hơn 600 "giáo viên hợp đồng" tại huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa đồng loạt bị cho nghỉ việc.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, một giáo viên phải cầu cứu ông Đinh La Thăng về việc 15 tháng thử việc không được nhận lương, dù đã trúng tuyển kỳ thi viên chức.

Hai câu chuyện này không chỉ đặt ra bài toán nan giải đối với ngành giáo dục xứ Thanh, mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai ôm mộng "chạy giáo viên biên chế". 

Ảnh chụp màn hình phóng sự Giáo viên đột ngột mất việc tại Thanh Hóa: “Không biết kêu ai” của Chuyển động 24h, VTV ngày 27/9.
Ảnh chụp màn hình phóng sự Giáo viên đột ngột mất việc tại Thanh Hóa: “Không biết kêu ai” của Chuyển động 24h, VTV ngày 27/9.

Một nền giáo dục phát triển, sự trưởng thành của học sinh cả về nhân cách lẫn năng lực, trí tuệ thì không thể tách rời vai trò của người thầy.

Nhưng khi đại đa số người thầy có thể mất việc bất cứ lúc nào, dù không phải do họ, dù đã công tác hàng chục năm, liệu mấy ai còn đủ nhiệt huyết và động lực vun đắp cho sự nghiệp trồng người?

Chuyện "không thể lý giải" ở xứ Thanh

Chương trình Chuyển động 24h, VTV ngày 29/7 cho biết, đầu tháng 9 UBND huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với 647 giáo viên, kể cả hợp đồng lao động có thời hạn lẫn hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trong đó có những giáo viên đã công tác hàng chục năm.

Hầu hết các giáo viên bị cắt hợp đồng lao động ở Yên Định, Thanh Hóa là cấp tiểu học, trung học cơ sở. Giải thích với Chuyển động 24h, VTV về lý do cắt 647 hợp đồng lao động với giáo viên ở Yên Định, đại diện UBND huyện này cho biết:

"Dừng sử dụng nhân sự là giáo viên hợp đồng là việc cần làm, để rà soát, sắp xếp lại bộ máy nhân sự ngành giáo dục. 

Việc này nằm trong chủ trương chung của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức."

Thế nhưng ngay từ năm 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quy định dừng toàn bộ việc ký hợp đồng nhân sự mới trong ngành giáo dục tỉnh này.

Chuyển động 24h, VTV dẫn thông tin từ ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, từ năm 2011 đến năm 2015, huyện này ký hợp đồng mới với 180 giáo viên mà không rõ thực tế có thiếu giáo viên hay không.

Còn theo tính toán của Chuyển động 24h, VTV thì số giáo viên bị UBND huyện Yên Định cắt hợp đồng lao động là 647 người, sau đó rà soát thì còn thiếu 384 giáo viên, tức là trên thực tế UBND huyện Yên Định đã tuyển dụng thừa ra 263 giáo viên.

Phóng viên Chuyển động 24h, VTV đặt câu hỏi, tại sao Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đã quyết định dừng hoàn toàn việc ký hợp đồng lao động mới trong toàn ngành giáo dục tỉnh này từ năm 2011, UBND huyện Yên Định lại ký mới 180 hợp đồng lao động từ 2011 đến 2015 mà không chắc có thiếu giáo viên hay không?

Ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, Thanh Hóa và câu trả lời: Không lý giải được! Ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, VTV.
Ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, Thanh Hóa và câu trả lời: Không lý giải được! Ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, VTV.

Ông Phó Chủ tịch Lê Xuân Thành chỉ còn biết ngửa mặt lên trần nhà thở dài: Không thể lý giải được!

Thế này thì thật là kỳ lạ, người viết cũng "không thể lý giải được".

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, tình trạng ký hợp đồng lao động (bừa bãi) dẫn đến hiện tượng thừa nhân sự xảy ra không chỉ ở riêng Yên Định, mà còn cả các huyện khác.

Các huyện có sai phạm cũng đã bị "nhắc nhở" và "tự xử lý nhân sự dư thừa".

Sở này đã phát hiện và báo cáo tình trạng thừa nhân sự trong ngành giáo dục Thanh Hóa, UBND tỉnh chỉ đạo cho Sở Nội vụ tỉnh chủ trì với các cơ quan liên quan để giải quyết. 

Phóng viên Chuyển động 24h, VTV nhiều lần liên hệ với Sở Nội vụ Thanh Hóa để làm rõ trách nhiệm việc ký hợp đồng lao động bừa bãi, nhưng đại diện đơn vị này từ chối đưa ra câu trả lời. [1]

Nếu những thông tin Chuyển động 24h, VTV phản ánh trong phóng sự này là đúng, thì đây đúng là chuyện kỳ lạ!

Lý do UBND huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đưa ra giải thích cho việc cắt hợp đồng lao động 647 giáo viên là thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Ban Chấp hành Trung ương.

Tuy nhiên khi người viết tìm hiểu thì thấy rằng, Nghị quyết 39 chỉ đạo tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tức là một chủ trương, quyết sách lớn hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. [2]

Đối tượng tinh giản theo Nghị quyết 39 là những người nằm trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được bổ nhiệm chức danh và ký "hợp đồng làm việc" sau khi trải qua thủ tục thi tuyển theo Luật Cán bộ, công chức [3], hoặc Luật Viên chức. [4]

Riêng trong lĩnh vực giáo dục, "biên chế" còn được quy định rất rõ tại Thông tư Liên tịch Hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ ban hành ngày 23/8/2006.

Còn 647 giáo viên ở Yên Định mà Chuyển động 24h, VTV đề cập ký "hợp đồng lao động" có thời hạn hoặc không xác định thời hạn với UBND huyện Yên Định theo điều chỉnh của Bộ luật Lao động. [5]

Như vậy phải chăng việc cắt 647 hợp đồng lao động với các giáo viên ở Yên Định, Thanh Hóa khó có thể coi là "thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế" theo Nghị quyết 39?

Nếu đúng như vậy, thì một chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng đã bị địa phương này lợi dụng, làm sai và gây ra những hệ lụy không nhỏ. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào? Câu trả lời xin dành cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Đáng nói hơn nữa, đây không phải trường hợp đầu tiên phát hiện hiện tượng ký hợp đồng lao động và sa thải lao động hàng loạt ở Thanh Hóa cũng như trên cả nước.

Mảnh giấy ông Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định viết tay thống kê cho thấy có 180 hợp đồng lao động được huyện này ký với giáo viên sau "lệnh cấm" của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2011. Ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, VTV.
Mảnh giấy ông Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định viết tay thống kê cho thấy có 180 hợp đồng lao động được huyện này ký với giáo viên sau "lệnh cấm" của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2011. Ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, VTV.

Mới tháng 7 vừa qua, 376 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa cũng bị UBND huyện này đột ngột chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo báo Xây Dựng ngày 11/6, Thanh tra Nhà nước tỉnh Nghệ An đã có kết luận về nhiều sai phạm của lãnh đạo huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong việc ký hợp đồng lao động với giáo viên.

Kết luận thanh tra chưa ráo mực, ông Nguyễn Tiến Lợi khi đó là Chủ tịch UBND huyện Yên Thành lại tiếp tục cho phép ký tiếp hợp đồng lao động trái luật với 55 giáo viên, trước khi về hưu vài tháng. [6] 

Trước đó, năm 2014 cũng đã xảy ra tình trạng sa thải đồng loạt 261 giáo viên hợp đồng ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. [7]

Những hiện tượng tiêu cực liên quan đến việc ký và sa thải hàng loạt giáo viên hợp đồng ở một số địa phương nêu trên gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục của địa phương ấy.

Hiện tượng này đã trở nên đáng báo động.

Giấc mơ "biên chế"

Cũng trong tuần này một câu chuyện khác về giáo dục thu hút sự quan tâm của dư luận với cái kết có thể có hậu hơn ở Thanh Hóa, cho dù mới chỉ là một trường hợp riêng biệt.

Theo phản ánh của báo điện tử VnExpress ngày 5/10, trong buổi tiếp xúc cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng đã nhận được lời "cầu cứu" của anh Trần Thái Châu, một giáo viên ở Hóc Môn.

Anh Châu cho biết, sau khi đậu viên chức giáo viên tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện huyện Hóc Môn hồi tháng 7 năm ngoái, anh được phân về trường THCS Phan Công Hớn và ký hợp đồng 12 tháng.

Sau khi đã hết thời gian thử việc nhưng anh Châu chưa nhận được quyết định tuyển dụng để nhà trường hoàn thành hồ sơ hết tập sự, gửi Phòng Nội vụ ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh giáo viên chính thức. 

Lương của anh Châu là 2,1 triệu đồng mỗi tháng, do chưa có quyết định tuyển dụng viên chức nên suốt 15 tháng thử việc anh không nhận được đồng nào. Nhà trường linh động tạm ứng, nhưng thực tế là một hình thức vay mượn.

Ông Đinh La Thăng đã truy đến cùng Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Huỳnh Văn Hồng Ngọc phải xử lý dứt điểm trong tháng 10, mà không chấp nhận câu trả lời "sẽ kiểm tra lại và báo cáo" từ cấp dưới. [8]

Mừng cho anh Châu, nhưng người viết chợt nghĩ còn những trường hợp khác "kém may mắn", không thể cầu cứu trực tiếp lãnh đạo như Bí thư Đinh La Thăng thì sẽ thế nào?

Khi đọc bài tổng hợp ý kiến bạn đọc của báo VnExpress về việc này, một cảm giác chua chát dâng lên trong lòng người viết. VnExpress dẫn lời một bạn đọc nói rằng:

"Lương thầy giáo than phiền với Bí thư Thăng chỉ bằng nửa osin nhà tôi. Mỗi tháng, nhà tôi trả bác giúp việc 4,5 triệu đồng, cao hơn lương thầy Châu 2,4 triệu, ngoài ra còn bao ăn, ở và có cả lương tháng 13". [9]

Bình luận ám ảnh người viết. Thực tế nghề giáo cao quý bây giờ phũ phàng thế này sao? Càng khó hiểu hơn khi rất nhiều người biết rõ điều này vẫn nhắm mắt "chạy hợp đồng", "chạy biên chế" giáo viên. Ảnh chụp màn hình.
Bình luận ám ảnh người viết. Thực tế nghề giáo cao quý bây giờ phũ phàng thế này sao? Càng khó hiểu hơn khi rất nhiều người biết rõ điều này vẫn nhắm mắt "chạy hợp đồng", "chạy biên chế" giáo viên. Ảnh chụp màn hình.

Đó là anh Châu đã trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức, chứ không còn là giáo viên hợp đồng như 647 thầy cô ở Thanh Hóa.

Với mức lương 2,1 triệu đồng / tháng, bị nợ lương 15 tháng liên tục, nhưng anh Châu vẫn kiên trì đứng trên bục giảng.

Người viết tự hỏi, động lực nào khiến nhiều người như anh Châu chọn con đường chông gai đến vậy, động lực nào khiến nhiều người vẫn cố tìm cách "chạy hợp đồng", "chạy biên chế" giáo viên?

Ngày 17/5/2016, Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay công bố:

Tính đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 cấp Tiểu học, 12.200 cấp THCS và 16.900 cấp THPT). [10]

Không biết các bậc phụ huynh, các em học sinh có ý định theo đuổi ngành sư phạm nghĩ gì khi đọc những câu chuyện về 647 "giáo viên hợp đồng" ở Thanh Hóa, hay "giáo viên biên chế" ở thành phố Hồ Chí Minh, cùng con số dự báo trên đây?

Thực tế quả thực quá phũ phàng với nghề giáo và những thày cô giáo ngoài "biên chế" đang đứng trên bục giảng.

Tương lai của họ cũng mờ mịt, vô định khi hợp đồng lao động có thể bị cắt bất cứ lúc nào, bởi nó phụ thuộc vào ý chí chủ quan của một vài cá nhân lãnh đạo địa phương.

Mỗi một nhiệm kỳ, một lãnh đạo mới lên không ai dám chắc sẽ không tái diễn một cuộc đào thải khốc liệt, tuyển dụng ồ ạt như ở Yên Thành, Nghệ An hay Yên Định, Thanh Hóa.

Do đó người viết thiết nghĩ, về mặt vĩ mô Nhà nước nên chăng cần có sự điều chỉnh cơ chế chính sách, thay chế độ "biên chế" bằng chế độ hợp đồng lao động.

Nếu làm được điều này, sẽ vừa giảm gánh nặng ngân sách cho nhà nước, vừa lựa chọn được nhân tài, cạnh tranh và đào thải những ai không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công việc, không còn phải lo tinh giản biên chế nữa.

Bộ máy giáo dục nước nhà cũng nhờ đó mà sẽ trở nên lành mạnh, hiệu quả, đảm bảo công bằng và văn minh.

Giấc mơ biên chế và chuyện "không thể lý giải"  ảnh 5

"Hoá ra từ dưới lên trên đều cố gắng lừa dối nhau vì bệnh thành tích"

(GDVN) - Đó là một trong những điều mà nhiều người nhận ra sau vụ học sinh lớp 6 phải về học lại từ lớp 1.

Nhưng trước khi có một sự thay đổi toàn diện về cơ chế, chính sách, chính các thày cô giáo "hợp đồng" cần tìm cho mình một hướng đi. Những "nhà tuyển dụng" cũng phải có trách nhiệm với quyết định của mình.

Theo phản ánh của Chuyển động 24h, Thanh Hóa đang để các địa phương đã trót tuyển dụng ồ ạt giáo viên dẫn đến "thừa chỉ tiêu" thì phải "tự xử lý" sau khi được "nhắc nhở".

Thế là lại dẫn đến tình trạng giáo viên THCS thừa thì bị điều xuống dạy ở các trường tiểu học còn thiếu, hoặc một trường chỉ có 1 giáo viên dạy tiếng Anh.

Phụ huynh lại phải đóng tiền vào thuê giáo viên dạy con em mình sau khi nhà trường vừa phải cắt "giáo viên hợp đồng". Với cách làm như Yên Định mà ông Phó Chủ tịch huyện cho rằng sẽ chỉ "ảnh hưởng nhất định" đến chất lượng dạy và học của địa phương thì thật khó hiểu!

Những ai đang có ý định "ngấp nghé" vào ngành sư phạm chỉ để tìm kiếm "bát cơm biên chế" thì nên cân nhắc kỹ, để sau này khỏi phải than thân trách phận.

Đây là bài học đắt giá cho các bậc phụ huynh vẫn giữ tư duy "chạy hợp đồng", "chạy biên chế" cho con cái làm giáo viên hay có một "công ăn việc làm ổn định".

Thời bao cấp đã qua lâu, hãy để con em mình được làm chủ tương lai, đừng cột vận mệnh các em vào hai chữ "biên chế".

Đó cũng là những thông tin tham khảo hữu ích cho các em học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời, khi quyết định học gì hay làm gì khi tốt nghiệp THPT.

Thế hệ chúng tôi không có thông tin, phương tiện tra cứu và cũng không được hướng dẫn như bây giờ. Hy vọng các em sẽ tự quyết định được hướng đi phù hợp cho mình, mà không để hai chữ "biên chế" chi phối.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vtv.vn/chuyen-dong-24h/giao-vien-dot-ngot-mat-viec-tai-thanh-hoa-khong-biet-keu-ai-20160927130327618.htm

[2]http://vov.vn/chinh-tri/dang/nghi-quyet-cua-bo-chinh-tri-ve-tinh-gian-bien-che-396303.vov

[3]http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=81139

[4]http://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=26495

[5]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=163542

[6]http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tuyen-dung-giao-vien-o-yen-thanh-nghe-an-thuong-bat-chinh-ha-tac-loan.html

[7]http://www.vietnamplus.vn/vu-sa-thai-giao-vien-o-bac-ninh-cu-soc-voi-cac-nha-truong/258859.vnp

[8]http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bi-thu-viec-khong-luong-thay-giao-than-phien-voi-ong-dinh-la-thang-3479138.html

[9]http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/luong-thay-giao-than-phien-voi-bi-thu-thang-chi-bang-nua-osin-nha-toi-3479398.html

[10]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuyen-cu-nhan-su-pham-that-nghiep-nhac-di-nhac-lai-nhung-roi-dau-lai-vao-day-post171151.gd

Hồng Thủy