Bị kỷ luật Đảng, có quyền khởi kiện ra tòa?

12/10/2011 15:21
Văn Tiến/Khoa học và Đời sống
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã đặt ra tình huống này khi thảo luận về dự án Luật khiếu nại tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH sáng 12/10.
Xuất phát từ phạm vi điều chỉnh của dự luật còn 2 phương án khác nhau: Quy định khiếu nại đối với hành vi, quyết định hành chính trong cơ quan hành chính nhà nước như Chính phủ trình hay mở rộng thêm với cả các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và cơ quan tổ chức khác.

Kiện mấy tổ chức ra tòa xử lý không đơn giản

Một trong những lý do tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, là chưa có tổ chức, đoàn thể nào hướng dẫn thực hiện giải quyết khiếu nại trong cơ quan mình theo Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành.

Kết quả lấy ý kiến cũng cho thấy, 20 đoàn đại biểu QH đồng tình mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự luật, trong khi con số đề nghị giữ nguyên là 17 đoàn.

Luật khiếu nại sẽ được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây. Ảnh minh họa
Luật khiếu nại sẽ được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây. Ảnh minh họa

Tỏ ý thận trọng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lập luận, các tổ chức chính trị - xã hội như Đảng, Mặt trận và các đoàn thể hoạt động theo Điều lệ, khác với cơ quan hành chính theo pháp luật của Nhà nước.

“Kiện mấy tổ chức ra tòa xử lý không đơn giản. Ví dụ bị kỷ luật Đảng, có kiện ra tòa xử được không? Đảng viên chỉ được khiếu nại việc liên quan đến công chức, nói lấp lửng là không được…”, ông băn khoăn.

Tán thành mở rộng đối tượng điều chỉnh của dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho rằng, Luật Cán bộ, công chức công nhận đối tượng công chức trong cơ quan Đảng, đoàn thể “là đặc thù của hệ thống chính trị của Việt Nam”, cần được bảo đảm bình đẳng về quyền khiếu nại.

Vị chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị, Luật chỉ điều chỉnh đối với khiếu nại quyết định, hành vi mang tính chất hành chính của cơ quan Đảng, đoàn thể như tuyển dụng, điều động, kỷ luật… Tuy nhiên, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại vẫn phải căn cứ vào Điều lệ tổ chức đó, trước khi khởi kiện ra Tòa án…

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết thêm, hiện nay, Luật Tố tụng hành chính cũng cho phép công chức trong tổ chức Đảng, đoàn thể được khởi kiện ra tòa đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

“Xem lại” trụ sở tiếp công dân của Đảng, Nhà nước

Một điểm mới gây tranh cãi là Ủy ban Pháp luật của QH đề nghị không đưa quy định về trụ sở tiếp dân của Đảng, Nhà nước vào trong dự án Luật khiếu nại.

Lý do, theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban này, hiện nay Trụ sở tiếp công dân của Đảng, Nhà nước là “mô hình thí điểm, Chính phủ cần xem xét lại”, “không có cơ quan nào gọi là Đảng và Nhà nước cả”...

Trước tình trạng nhiều cơ quan tiếp công dân trở thành “văn thư”, đơn thư khiếu nại “kính chuyển” lòng vòng, kéo dài, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm đổi mới công tác tiếp dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho biết, giải quyết khiếu nại, nhiều nước “làm tốt” do yêu cầu công dân phải trực tiếp khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nếu đơn thư không “đúng nơi, đúng chỗ” sẽ bị trả lại.

Đây là quy định mà Việt Nam có thể xem xét đưa vào luật, khi QH đã có dự kiến xây dựng luật riêng về tiếp công dân.

Luật khiếu nại sẽ được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây.
Văn Tiến/Khoa học và Đời sống