TS Cao Sỹ Kiêm: Giảm lãi suất, các ngân hàng đang kích cầu thị trường

16/10/2016 13:20
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, động thái giảm lãi suất của Vietcombank, HDBank... là tín hiệu tốt trên thị trường tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn.

“Ông lớn” ngân hàng giảm lãi suất

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, kể từ ngày 15/10 đến 31/12, ngân hàng này chính thức cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay các đối tượng này chỉ còn 6%/năm.

Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng đối với 05 lĩnh vực ưu tiên hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Mức điều chỉnh này giảm sâu 1%/năm so với mặt bằng hiện nay. 

Năm lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án, dự án sản xuất-kinh doanh hàng xuất khẩu; Phục vụ sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; Phục vụ sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Vietcombank giảm lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp - ảnh nguồn Vietcombank.
Vietcombank giảm lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp - ảnh nguồn Vietcombank.

Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, tất cả các khoản vay ngắn hạn hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm. Mức điều chỉnh này giảm sâu đến 2%/năm so với mặt bằng hiện nay.

"Ngoài ra, đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của Vietcombank, chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn, có thể là 5%/năm", ông Thành nhấn mạnh.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên cả nước với mức giảm khoảng 1%. 

TS Cao Sỹ Kiêm: Giảm lãi suất, các ngân hàng đang kích cầu thị trường ảnh 2

Chủ tịch Viecombank: Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm

Với đối tượng khách hàng cá nhân vay mới, HDBank đã giảm lãi suất lãi suất cho vay tối đa từ 11,5%/năm (lãi suất hiện hành) xuống 10,5%/năm.

Với đối tượng khách hàng doanh nghiệp, HDBank đã tung gói tín dụng siêu ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng, lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm;

Lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm nhằm giúp doanh nghiệp bổ sung kịp thời nguồn vốn lưu động cũng như nguồn vốn trung dài hạn phục vụ các phương án, dự án sản xuất kinh doanh.

Với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, HDBank đã tiếp tục nâng hạn mức “Gói vay siêu ưu đãi” thêm 1.000 tỷ đồng và kéo dài thời gian cho vay đến 31/12/2016.

Tạo xu hướng giảm trên thị trường

Đánh giá động thái giảm lãi suất của Vietcombank, TS. Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Ý nghĩa việc giảm lãi suất của Vietcombank không chỉ nằm ở chỗ hỗ trợ doanh nghiệp có vốn, mà còn tác động lớn đến thị trường”.

Hai tác động lớn nhất từ động thái giảm lãi suất của Vietcombank, HDBank: Thứ nhất, với thị trường tài chính, Vietcombank sẽ dẫn đầu xu hướng giảm lãi suất, tạo tác động đến các ngân hàng thương mại khác để cùng giảm lãi suất cho vay.

Thứ hai, tác động đến sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp tiếp cận vốn vay rẻ dẫn đến giá thành giảm. Chi phí sản xuất sẽ kéo giá thành sản phẩm xuống, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

“Hiện nay so với mặt bằng lãi suất các nước trong khu vực Việt Nam đang cao hơn 1,5 đến 2 lần. Các nước lãi suất ở ngưỡng 3-4%, chúng ta đang 7-8% vì thế, việc giảm lãi suất của Vietcombank xuống 6% là điều đáng ghi nhận”, TS. Kiêm cho biết.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, giảm lãi suất cho vay nhiệm vụ trọng tâm kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2016 được Chính phủ đặt ra. Việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng lớn sẽ tác động lan tỏa đến các ngân hàng khác dần trở thành xu thế.

Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là vốn, nguồn vốn ngân hàng vừa ít, lãi suất lại cao nên doanh nghiệp khó tiếp cận. Nếu thiếu vốn, doanh nghiệp không thể sản xuất, hạt nhân của nền kinh tế là doanh nghiệp yếu đất nước không thể phát triển. Do đó giảm lãi suất là yêu cầu cần thiết.

Muốn giảm lãi suất cho vay, theo TS. Hiếu doanh nghiệp phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như: giảm lãi suất huy động; Tiết giảm chi phí hoạt động, tăng hiệu quả làm việc, giảm chi phí và nhân công ở bộ phận không cần thiết.

Mai Anh