Họp nhiều quá nên cần nhiều lãnh đạo để thay nhau đi

20/10/2016 11:06
QUỐC TOẢN
(GDVN) - "Luật đã quy định thì phải chấp hành. Nếu họ không thực hiện thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu...", ông Trần Du Lịch bàn cách giải quyết "nạn" cấp phó.

Thêm cấp phó thực chất là thêm cấp hành chính 

Câu chuyện về Sở Lao đông - Thương binh và Xã hội Hải Dương toàn... lãnh đạo, vừa được đăng tải trên báo Nhân dân hôm 17/10 là một ví dụ điển hình hình cho tình trạng "lạm phát" cấp phó tại nhiều địa phương.

Theo đó, trong số 46 người trong biên chế của Sở hiện tại, chỉ có hai người là chuyên viên, còn lại 44 người đều có chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên.

Hầu hết các phòng đều có trưởng phòng và bốn đến năm phó phòng.

Cá biệt, có những người chỉ được tuyển dụng công chức khoảng 3 tháng đã được bổ nhiệm làm... phó Chánh thanh tra.

Cũng mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ

Họp nhiều quá nên cần nhiều lãnh đạo để thay nhau đi ảnh 1

Hai lần Thủ Tướng chỉ đạo, Thanh Hóa vẫn giữ nguyên 8 Phó, kiến nghị lập thêm Sở

Nội vụ rà soát, báo cáo tổng hợp số lượng cấp phó của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trên cả nước, kiến nghị giải pháp bảo đảm chấp hành các quy định về số lượng cấp phó.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 19/10, ông Trần Du Lịch - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn TP. Hồ Chí Minh), để xảy ra tình trạng lạm phát cấp phó có nguyên nhân từ chế độ công vụ trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước chưa rõ ràng.

"Chúng ta phải xem lại toàn bộ về chế độ công vụ trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Về lý thuyết, cơ chế phân cấp, phân quyền đã rõ ràng, nhưng trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước thì lại chồng chéo chức năng. 

Ở nước ta vẫn tồn tại nguyên tắc tập thể lãnh đạo, mà đã là tập thể thì phải họp. Họp thì cần nhiều người (phó), do đó phải chia nhau đi họp.

Bây giờ ở các tỉnh, lãnh đạo họp liên miên, dẫn tới việc các sở, ngành cần phải có lãnh đạo để đi họp. Nếu chỉ có một ông trưởng một ông phó thì làm sao đi họp hết được. 

Rồi khi xảy ra chuyện, cấp nào cũng thấy có liên quan, rồi cùng nhau vào cuộc, dẫn tới việc quy trách nhiệm rất khó.

Do đó, với việc cùng chung trách nhiệm thì không bao giờ có trách nhiệm cả.

Ông Trần Du Lịch (ảnh: Ngọc Quang).
Ông Trần Du Lịch (ảnh: Ngọc Quang).

Cũng theo nguyên Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh, với chế độ công vụ như hiện nay, cấp phó trở thành một cấp hành chính: "Thực chất cấp phó là giúp việc cho cấp trưởng, thay mặt cho cấp trưởng trong một số trường hợp cấp trưởng vắng mặt.

Bây giờ giao cho cấp phó phụ trách mấy phòng, lĩnh vực, thì coi như thêm một cấp hành chính nữa rồi còn gì. 

Ví dụ ở địa phương cấp Sở đề xuất một vấn đề gì thì lại qua Phó chủ tịch phụ trách sau đó mới đến Chủ tịch. Phải hiểu rằng anh cấp Sở là quản lý nhà nước chứ không phải chỉ tham mưu cho chủ tịch. Do đó, phải làm rõ nhận thức vấn đề này. 

Từ việc "lạm phát" cấp phó, ông Trần Du Lịch cho rằng,

Họp nhiều quá nên cần nhiều lãnh đạo để thay nhau đi ảnh 3

Bổ nhiệm tới 8 Phó Giám đốc Sở có trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch Thanh Hóa

khi “đẻ” thêm cấp phó sẽ dẫn tới việc, biên chế sẽ tăng theo, ngân sách sẽ "gánh" thêm nhiều người ăn lương.

"Bây giờ bao nhiêu biên chế cũng thấy thiếu cả, vì chúng ta đặt ra nhiều phòng, ban nhiều chức tước tùy tiện.

Tôi ví dụ, anh muốn lập thêm một phòng ở cấp tỉnh, thì phải xem xét chức năng của cái phòng đó, để bố trí nhân sự cho phù hợp.

Cũng giống như ở cấp Bộ, ông lập ra một Vụ (bên dưới Vụ có phòng) thì cần phải tính toán bao nhiêu phòng mới được lập cái Vụ. Còn bây giờ chúng ta có Vụ trưởng, Vụ phó nhưng nhân viên, quản lý thì rất ít...".

Trong khi đó, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa nhận định, việc "lạm phát" cấp phó có nguyên nhân từ việc “chạy chức, chạy quyền”.

“Đây là biểu hiện của chạy chọt. Nhiều người phải "chạy" để có chỗ đứng trong các cơ quan hành chính, tạo uy thế trong quá trình làm việc và kiếm bổng lộc từ chức vụ đem lại.

Việc để "lạm phát" cấp phó còn thể hiện sự thiếu gương mẫu của người lãnh đạo. Có khi người đứng đầu sẵn sàng “ban ơn” cho cấp dưới bất chấp các quy định để bổ nhiệm. Điều này làm chất lượng cán bộ sẽ bị ảnh hưởng, phát sinh nhóm lợi ích.

Do đó, tôi cho rằng, việc bổ nhiệm này không căn cứ vào quy định, tiêu chuẩn, mà căn cứ vào mối quan hệ. 

Ông Cuông cho biết thêm, việc nhiều địa phương có quá nhiều cấp phó sẽ gây nên sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí cấp phó sẽ nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân.

Giảm cấp phó cần làm từ trên xuống dưới

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, cần kiểm tra, sàng lọc, đánh giá, bố trí nhân sự phù hợp, nhằm đảm bảo nguyên tắc về công tác cán bộ.

"Trong quá trình kiểm tra, rà soát, nếu người nào không đáp ứng được công việc thì mạnh dạn hủy bổ nhiệm hoặc điều chuyển họ sang vị trí khác", ông Cuông nói. 

Ông Lê Văn Cuông (ảnh: Vietnamnet.vn).
Ông Lê Văn Cuông (ảnh: Vietnamnet.vn).

Trong khi đó, ông Trần Du Lịch cho rằng, cần làm rõ cơ chế trách nhiệm cá nhân, hạn chế tối đa trách nhiệm tập thể.

"Chúng ta đã có quy định rất rõ về công tác cán bộ. Nếu địa phương nào không thực hiện đúng thì mạnh tay áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Nói thẳng ra, cấp phó cũng hưởng lương ngân sách. Bây giờ nếu địa phương không giảm không giảm cấp phó thì cắt ngân sách đi là xong (lương, bảo hiểm xã hội vẫn theo chế độ trước thời điểm được bổ nhiệm cấp phó).

Còn nếu có quy định mà không thực hiện thì phải xem lại kỷ cương của chúng ta.

Quan điểm của tôi là Chính phủ đã quyết/quy định thì địa phương phải thi hành.

Nền hành chính mà "trên bảo dưới không nghe" là nền hành chính rối loạn. Do đó, luật đã quy định thì phải chấp hành. Nếu không thực hiện thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu", ông Lịch đề nghị.

QUỐC TOẢN