Cải cách, đổi mới giáo dục luôn bị phản ứng lại từ những người hàn lâm

03/11/2016 08:37
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhận định, đào tạo ra những sản phẩm kém chất lượng sẽ dẫn tới đội ngũ nhân lực yếu kém.

Dẫn ra báo cáo của Chính phủ đánh giá về mặt hạn chế, yếu kém có nêu chất lượng giáo dục nhất là đại học, dạy nghề chuyển biến chậm, chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương đồng thuận cao với đánh giá này, bởi thực tế trong thời gian qua hệ thống giáo dục của chúng ta chậm thay đổi vì từ cách nhìn "Hàn Lâm" chẳng có gì khẩn cấp.

Mặt khác, theo kinh nghiệm của các nước đi trước thì việc cải cách giáo dục rất khó do sự phản ứng từ những người "Hàn Lâm" (những người có học thức, nhận thức cao, hiểu biết rộng- NV), bởi vì họ thấy nếu đưa vào những điều mới hay thay đổi cách thức hiện tại của việc dạy đại học có thể tác động đến vị trí an toàn của họ, cho nên thường tìm cách để phản ứng lại.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương. Ảnh trung tâm thông tin Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương. Ảnh trung tâm thông tin Quốc hội

Đại biểu Phương nhận định, trong thời gian qua mặc dù Chính phủ đã đầu tư rất nhiều vào các trường đại học quốc gia nhưng kết quả không có gì khả quan khi lượng sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp.

Bên cạnh đó với tiếp cận xã hội hóa giáo dục cho phép nhiều trường đại học tư được mở ra rộng kích thích cạnh tranh giữa các trường nhà nước và trường tư.

Tuy nhiên, cũng chẳng mong đợi gì nhiều ở kết quả này, bởi các đại học tư vì lợi nhuận chỉ cấp bằng, họ không đào tạo đúng.

Cả hai cách cải tiến trên đều làm nảy sinh số người tốt nghiệp cao, nhưng không có kỹ năng để làm việc trong công nghiệp.

Cải cách, đổi mới giáo dục luôn bị phản ứng lại từ những người hàn lâm ảnh 2

Bộ Giáo dục chủ quan khi triển khai mô hình VNEN, gây bức xúc trong xã hội

Bên cạnh đó, thành tích của các cấp học dưới đẩy lên các cấp học trên đã khiến những người làm giáo dục bất chấp hậu quả mà chính người học và xã hội phải gánh là tạo ra những sản phẩm không đủ chất lượng.

Từ đó dẫn đến hậu quả đầu ra của đội ngũ nhân lực nước ta yếu và nền giáo dục Việt Nam ngày càng tụt hậu.

Từ những thực trạng trên, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương kiến nghị Chính phủ cần đưa ra những giải pháp chính cụ thể hơn trong cải cách giáo dục, cụ thể nhanh chóng cải cách chương trình đào tạo, trong đào tạo phải linh hoạt và có nhu cầu công nghiệp toàn cầu.

Chuyển dần từ giáo dục truyền thống, giáo dục thời đại công nghiệp sang giáo dục thời đại thông tin.

Đây là hệ thống giáo dục mới tập trung phần lớn vào kiến thức kỹ thuật và ứng dụng của công nghệ để giải quyết các vấn đề kinh doanh, sinh viên học chính thức nền tảng không chỉ trong nhà trường mà còn tiếp tục trong cả đời họ vì không ngại lúc nào cũng thay đổi.

Thứ hai, cải tiến kỹ năng công nghiệp cho mọi người dân, tạo cho người dân có trí thức sẵn có để làm việc, đây là nhân tố chính cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Thứ ba, thay đổi tư duy nên nhìn nhận các đại học như là một doanh nghiệp, họ có thể đào tạo sinh viên đúng thực chất bằng việc cộng tác với công nghiệp gắn với nhu cầu thị trường và cập nhật chương trình đào tạo tương ứng.

Ngọc Quang