Sao chép hoàn toàn 30 trang luận văn không nguy hiểm bằng ăn cắp ý tưởng

12/11/2016 07:24
Thùy Linh
(GDVN) - Theo GS.Trần Văn Nhung: “Tôi có nghe ý kiến cho rằng nên xây dựng phần mềm để lọc các dự án "đạo văn", nhưng không có phần mềm nào thay thế được con người".

Mặc dù, việc thúc đẩy đào tạo tiến sĩ đã góp phần cải thiện môi trường học thuật trong nước, cung cấp nguồn nhân lực cao cho các trường Đại học, viện nghiên cứu.

Tuy vậy, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và mong đợi của xã hội.

Việc tăng quy mô trong khi điều kiện đào tạo chưa đủ đáp ứng đã đưa chuẩn mực cao nhất trong nghiên cứu khoa học xuống mức thấp so với các nước, đồng thời dẫn đến tình trạng lạm phát văn bằng tiến sĩ.

Yêu cầu trình độ ngoại ngữ là điều kiện đầu vào 

Hơn một thập kỷ qua, số lượng đào tạo tiến sĩ tăng lên đáng kể, nhưng đi cùng với đó là nhiều bất cập được bộc lộ trong quy trình đào tạo đặc biệt khi dư luận ồn ào xung quanh các “lò” đào tạo tiến sĩ.

Tại buổi tọa đàm về “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 10/11, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT đang xem xét để xây dựng các tiêu chí tiệm cận với khung trình độ tiến sĩ trong khu vực và quốc tế.

Đây cũng là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra. Và để thỏa mãn được yêu cầu chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn, đầu vào nghiên cứu sinh sẽ phải cải thiện”.

Sao chép hoàn toàn 30 trang luận văn không nguy hiểm bằng “ăn cắp” ý tưởng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Sao chép hoàn toàn 30 trang luận văn không nguy hiểm bằng “ăn cắp” ý tưởng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Thứ trưởng Ga cho biết thêm, trước đây vì quan niệm trình độ ngoại ngữ là điều kiện cho đầu ra nên đầu vào chúng ta đặt thấp. Bây giờ cần thay đổi quan điểm, nâng trình độ ngoại ngữ đủ để nghiên cứu sinh có thể đọc tài liệu nước ngoài phục vụ cho nghiên cứu, để mở rộng quan hệ, tham gia cọ xát trong môi trường học thuật trong khu vực và quốc tế.

Muốn nghiên cứu sinh có chất lượng thì người hướng dẫn phải có chất lượng. Vì người hướng dẫn phải đi trước mới có thể thẩm định được đề tài, hỗ trợ nghiên cứu sinh có định hướng nghiên cứu, hỗ trợ nghiên cứu sinh tham gia các công trình nghiên cứu,… 

Đại diện cơ sở trực tiếp đào tạo, GS.Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nêu dẫn chứng:

Trước đây 20-30 năm dù điều kiện khó khăn nhưng chất lượng đào tạo tiến sĩ vẫn tốt, đó là vì chất lượng đầu vào tốt, 30-40 người thi chỉ có 2-3 người đỗ; trong quá trình đào tạo mỗi người phải thi 3 chuyên đề nên phải học rất chắc chắn.

Ngoài kết quả thông qua chất lượng của luận án hội đồng còn xem xét người đó có xứng đáng không mới trao quyết định công nhận, nên có khi phải mất 5-7 năm mới đào tạo được một tiến sĩ.

Do vậy, GS.Nguyễn Đình Đức cho rằng, nguyên nhân dẫn tới chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay còn hạn chế là do quy mô đào tạo quá nhiều, chất lượng và trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn chưa đảm bảo.

Cần chấm dứt tình trạng "đạo văn"

Ngoài năng lực ngoại ngữ của các nghiên cứu sinh, các bài báo bằng tiếng nước ngoài thì tình trạng “đạo văn” trong luận án tiến sĩ cũng đang là vấn đề nan giải tại Việt Nam. 

Sao chép hoàn toàn 30 trang luận văn không nguy hiểm bằng ăn cắp ý tưởng ảnh 2

"Đào tạo tiến sĩ đang chạy theo số lượng, buông lỏng chất lượng"

(GDVN) - “Năm 1976, Việt Nam lần đầu tiên đào tạo phó tiến sĩ trong nước. 6 năm sau đào tạo tiến sĩ trong nước. Khó khăn thế nhưng chất lượng rất tốt, không ai kêu ca".

Theo quy định của Quy chế, nếu một luận án có nội dung trùng lắp với nội dung một luận án khác từ 30 trang trở lên sẽ bị coi là "đạo văn".

Tuy nhiên, theo GS. Trần Văn Nhung- Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước:

Tôi có nghe ý kiến cho rằng nên xây dựng một phần mềm để lọc các dự án "đạo văn", nhưng không có phần mềm nào thay thế được con người trong phát hiện "đạo văn" cả".

GS.Nhung phân tích: "Một người sao chép hoàn toàn 30 trang luận án không nguy hiểm bằng trường hợp dù không sao chép hoàn toàn văn bản, nhưng lại ăn cắp ý tưởng của người khác để diễn đạt bằng giọng văn của mình.

Nhưng nếu đặt ra điều kiện phải có bài báo đăng tạp chí quốc tế thì không sự sao chép ý tưởng hay câu chữ nào có thể lọt qua được vì sẽ phải trải qua nhiều vòng phản biện rất chặt chẽ".

GS.Nhung đề xuất cần có hội đồng tư vấn chất lượng khoa học tầm quốc gia tham gia đánh giá chất lượng khoa học các luận án. Cơ quan này phải hoạt động độc lập, không phải Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT chỉ làm đúng vai trò quản lý Nhà nước.

Còn theo GS.Nguyễn Đình Đức, trong trường hợp luận án tiến sĩ có vấn đề tiêu cực thì cần phải bình tĩnh xem xét cẩn trọng “vấn đề” nảy sinh ở khâu nào.

Ví dụ nếu luận án bị tố đạo văn thì cũng cần xem xét kĩ  xem đây có phải việc cố ý đạo ý tưởng, kết quả hay chỉ là vô tình trích dẫn.

Việc xem xét này phải dựa trên đối chứng giữa các bên liên quan để xác định rõ ràng, khách quan. Tránh kết luận oan cho các tác giả.

Để làm được việc này hội đồng thẩm định cần có trách nhiệm, bản lĩnh. Bởi mỗi trường hợp sẽ có những vấn đề phức tạp khác nhau.

Chưa có nước nào đào tạo tiến sĩ rẻ như Việt Nam


GS.Nguyễn Đình Đức cho rằng, việc nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ cần phải có lộ trình để các cơ sở thích ứng. Chẳng hạn như các cơ sở đào tạo khoa học xã hội thì việc công bố quốc tế nhiều ngay sẽ rất khó.

Do đó, mấu chốt trong vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là vấn đề cơ sở vật chất và kinh phí.

Ông Đức cho biết, ở Đại học Quốc gia Hà Nội kinh phí cho đào tạo 1 nghiên cứu sinh/ 1 năm chỉ 18 triệu đồng là quá thấp. Hiện tại, nhiều em giỏi đi học nước ngoài là không về nữa.

Do đó, nhiều nghiên cứu sinh đi học được cơ quan trả tiền sau đó phải về phục vụ cho cơ quan. Trong khi đó, các trường cần được tháo gỡ trong cơ chế thu học phí cũng như đầu tư kinh phí.

Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, thời gian tới cần nâng chi phí đào tạo nghiên cứu sinh bởi trung bình chung chi phí hiện nay là 15 triệu/nghiên cứu sinh/năm. Chi phí quá thấp nên khó đào tạo bài bản. 

Bởi lẽ mỗi nghiên cứu là phải thí nghiệm thực hành, thực tập nên buộc phải có đầu tư nhất định.

Nếu có ít ngân sách chúng ta tập trung đầu tư cho ít nghiên cứu sinh hơn, còn hơn đầu tư dàn trải”, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh. 

Thùy Linh