Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội

11/11/2016 13:42
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội thông tin như vậy khi công bố nội dung Quốc hội lựa chọn 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 này.

Sáng nay (11/11), ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, 4 Bộ trưởng đã được Quốc hội lựa chọn để thực hiện chất vấn gồm : Ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Lê Vĩnh Tân – Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, các vị Bộ trưởng khác cũng chuẩn bị sẵn sàng báo cáo trước Quốc hội và trả lời làm rõ thêm các nội dung có liên quan,

Theo ông Phúc, dựa trên cơ sở những nhóm vấn đề mà Quốc hội tổng hợp từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu kỳ họp thứ 2 này; qua các kênh tiếp thu ý kiến của cử tri; qua thực tiễn hay phát biểu của Đại biểu Quốc hội trên nghị trường đã tập hợp lại thành 16 nhóm vấn đề.

Sau đó xin ý kiến và rút lại còn 11 vấn đề, đưa ra báo cáo trước Quốc hội có 5 vấn đề chính và Đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 vấn đề để yêu cầu báo cáo, đưa ra chất vấn theo lịch dự kiến từ sáng sáng 15/11 đến hết sáng 17/11.

“Đương nhiên Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ trả lời sau khi các Bộ trưởng trả lời xong. Trong quá trình đó, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách từng lĩnh vực một cũng phải có trả lời làm rõ thêm.

Thủ tướng Chính phủ trả lời cuối cùng, kết hợp tất cả các vấn đề lớn. Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp trả lời một số câu hỏi đại biểu chất vấn tại hội trường.

Thời gian chất vấn là 2,5 ngày và thời gian dự kiến dành cho Thủ tướng Chính phủ là nửa ngày. Thủ tướng sẽ có báo cáo chung và sau đó có trả lời các vị Đại biểu Quốc hội”, ông Phúc cho hay.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội cho biết, Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội cho biết, Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang.

Tại kỳ họp này có một điểm rất đáng chú ý đó là dành thời gian để các Đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau trực tiếp, công khai ngay tại nghị trường; đồng thời đại biểu có quyền tranh luận trực tiếp tại nghị trường với các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là việc cần thiết và thể hiện sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội khóa XIV, vì vậy sẽ tiếp tục phát huy trong những phiên họp tới.

Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội ảnh 2

Kỷ luật nghiêm minh với cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu là hết sức cần thiết

“Không chỉ tại phiên họp bình thường mà ngay cả khi chất vấn thì đại biểu có thể phát biểu, hỏi đến cùng, đi tới cùng các nội dung, đề nghị các thành viên Chính phủ phải làm rõ thêm.

Quốc hội điều hành theo hướng đảm bảo chất vấn sôi nổi, chất vấn đi vào vấn đề, làm rõ được vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm”, ông Phúc cho biết thêm.

Đề cập sâu thêm về các phiên chất vấn 4 Bộ trưởng tới đây, Tổng thư ký Quốc hội đánh giá: “Đây cũng là lần đầu tiên thành viên Chính phủ khóa mới trả lời chất vấn tại Quốc hội khóa XIV. Có nhiều đồng chí mới, số đồng chí trong 4 nhóm trả lời chất vấn đều mới hết nên các đồng chí cũng cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.

Lần đầu tiên trả lời chất vấn có thể chưa quen, có thể còn va vấp. Chúng tôi cũng đã trao đổi, các Bộ trưởng phải bình tĩnh, lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để trả lời. 

Đại biểu Quốc hội cũng thế thôi, thấy các vị Bộ trưởng cũng mới cả nên chắc phải kỳ họp sau mới có kinh nghiệm hơn.

Tôi cho rằng, chất vấn cần tập trung, trả lời ngắn gọn, tránh đi vào dài dòng, vì thế mỗi lần hỏi cũng chỉ có 2 phút nên đại biểu Quốc hội tránh giải thích mà cần hỏi thẳng vào vấn đề”.

Bên lề kỳ họp sáng nay, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết sau khi có kết luận của Ban Bí thư về những vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện Quốc hội đã giao cho các cơ quan của Quốc hội, cụ thể là Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Tư pháp và Ban Công tác đại biểu nghiên cứu để xuất hướng xử lý.

“Chúng ta nghiên cứu xem trình tự thế nào, bên Đảng đã cách chức Bí thư Ban cán sự đảng, còn về chính quyền, tính pháp lý thế nào khi xử lý một người không còn chức vụ đó nữa, Quốc hội cũng đã miễn nhiệm rồi nên phải xem xét.

Chúng ta phải đảm bảo tính nghiêm minh cùng phải đảm bảo tính pháp lý, các cơ quan đang nghiên cứu.

Ông Phúc cũng bày tỏ, xử lý đối với trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng thì trước đây pháp luật chưa có quy định nào như thế cả nên bây giờ làm phải đảm bảo đúng pháp lý. Các cơ quan đang nghiên cứu để tham mưu cho chính xác.

“Nguyên tắc Chính phủ gửi sang thì Quốc hội mới nghiên cứu. Chính phủ làm chưa xong, chưa gửi hồ sơ sang. Trong quá trình đó hai bên vẫn phối hợp với nhau để đảm bảo chặt chẽ pháp lý.

Ban Bí thư giao Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ nghiên cứu, tìm giải pháp nào cho phù hợp, đúng pháp luật. Ban Bí thư không giao phải thế này phải thế kia, mà giao trên cơ sở tính pháp lý để tham mưu đảm bảo tính nghiêm minh”, ông Phúc thông tin.

Ngọc Quang