TP.HCM phát hiện thêm 6 trường hợp nhiễm Zika

11/11/2016 16:28
Mai Anh
(GDVN) - Trưa ngày 11/11/2016, Sở Y tế TP.HCM công bố đã phát hiện thêm 6 ca nhiễm vi rút Zika, tính đến nay địa phương này đã có 35 ca nhiễm Zika trên 24 phường, xã.

"Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục Sức khỏe" 

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, các ổ dịch, khu vực có bệnh nhận nhiễm vi rút Zika đã được xử lý, phun xịt hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng (trong hộ gia đình, phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch và mở rộng trên phường xã).

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cũng phát động phong trào vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các phường, xã có ca bệnh và các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ trên địa bàn quận, huyện; đồng thời tiếp tục tầm soát để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt là phụ nữ đang có thai 3 tháng đầu.

UBND TP.HCM đã công bố dịch bệnh do vi-rút Zika quy mô xã, phường trên địa bàn. Hôm qua vừa có thêm 1 người nhiễm vi-rút ở quận 5. Vậy người dân thành phố, đặc biệt là những ai đang ở trong vùng dịch phải làm gì để phòng bệnh?

TP.HCM phát hiện thêm 6 trường hợp nhiễm Zika - ảnh minh họa/ nguồn Hà Nội Mới.
TP.HCM phát hiện thêm 6 trường hợp nhiễm Zika - ảnh minh họa/ nguồn Hà Nội Mới.

Ngoài ra Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết đối với bệnh sốt xuất huyết, trong những tuần đầu năm 2016, số ca sốt xuất huyết được phát hiện tăng trên 80% so với cùng kỳ 2015.

Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 10/2016, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm và chỉ còn tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015. Đến tuần 45, số ca sốt xuất huyết được phát hiện là 15.874 ca và chỉ còn tăng 10% so với số ca sốt xuất huyết cộng dồn cùng kỳ năm 2015 (14.874 ca).

Với tình hình bệnh như trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân TPHCM, Sở Y tế và các đơn vị trong ngành đã phối hợp các địa phương triển khai các biện pháp trọng tâm như: Phát động phong trào Vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng; Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các phường, xã có ca bệnh và tại các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ trên địa bàn quận, huyện;

Tiếp tục tầm soát để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt là phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; Tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức, nội dung để vận động người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi đốt. 

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, người dân thực hiện các biện pháp sau: Người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ của bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.

Chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng): Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi; Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch;

Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): Đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ có thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần.

Mai Anh