Nhà mạng không trung thực khi trả lời về dịch vụ giá trị gia tăng?

12/11/2016 09:41
Mai Anh
(GDVN) - Dù nhận được tin nhắn không sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng, tuy nhiên trong bản kê cước phí hằng tháng, khách hàng bất ngờ vì khoản phí dịch vụ lạ.

Nhà mạng không trung thực?

Sau khi đăng tải loạt bài viết về tình trạng khách hàng của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel... bị âm thầm kích hoạt các dịch vụ giá trị gia tăng và trừ tiền, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được phản ánh của bạn đọc.

Trước đó, cũng nhằm giúp các chủ thuê bao kiểm soát, phát hiện các dịch vụ giá trị gia tăng đang sử dụng hoặc bị kích hoạt mà không biết, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải thông tin hướng dẫn khách hàng công cụ kiểm tra các dịch vụ giá trị gia tăng đang có trên thuê bao di động.

Dù tin nhắn trả lời nhà mạng không có trị gia tăng trên thuê bao xong khi nhận bản kê cước dịch vụ hàng tháng khách hàng vẫn phát hiện nhữnh dịch vụ giá trị gia tăng lạ trên thuê bao - ảnh minh họa
Dù tin nhắn trả lời nhà mạng không có trị gia tăng trên thuê bao xong khi nhận bản kê cước dịch vụ hàng tháng khách hàng vẫn phát hiện nhữnh dịch vụ giá trị gia tăng lạ trên thuê bao - ảnh minh họa

Cụ thể, với nhà mạng Viettel, chủ thuê bao gọi theo số tổng đài 18008198, hoặc soạn tin nhắn với cú pháp TC gửi 1228 để tra cứu các dịch vụ đang đăng ký sử dụng.

Đối với nhà mạng MobiPhone, chủ thuê bao có thể gọi tới số 9090 hoặc soạn tin nhắn với cú pháp là KT gửi 994. Tương tự với nhà mạng VinaPhone, khách hàng có thể gọi đến số tổng đài 9191 hoặc soạn tin nhắn với cú pháp TK gửi 123.

Tưởng rằng những công cụ kiểm tra trên sẽ giúp khách hàng kiểm soát và tránh được việc bị kích hoạt các dịch vụ giá trị gia tăng từ nhà mạng song thực tế, có khách hàng dù đã soạn tin nhắn kiểm tra và được trả lời không có dịch vụ giá trị gia tăng, nhưng cuối tháng khi nhận bảng kê cước phí từ nhà mạng, khách hàng lại phát hiện mình bị trừ một khoản tiền từ dịch vụ giá trị gia tăng lạ.

Trao đổi với phóng viên, chị L.B.T (Hà Nội) cho biết, chị dùng số thuê bao di động nhà mạng VinaPhone. Trước thông tin báo chí đăng tải về việc kiểm tra dịch vụ giá trị gia tăng có trên thuê bao, chị T đã nhiều lần kiểm tra bằng cách thực hiện soạn tin nhắn theo cú pháp TK gửi 123.

Sau khi soạn tin nhắn, chị T nhận được thông báo về một số dịch vụ giá trị gia tăng đang đăng ký sử dụng. Khi đó chị T nghĩ rằng, số thuê bao của mình chỉ có từng đó dịch vụ giá trị gia tăng. 

Nhà mạng không trung thực khi trả lời về dịch vụ giá trị gia tăng? ảnh 2

Gần 94.000 thuê bao bị "móc túi", 4 nhà mạng Việt Nam không thể vô can

Nhà mạng không trung thực khi trả lời về dịch vụ giá trị gia tăng? ảnh 3

Lo sợ bị trừ tiền, khách hàng 3 nhà mạng lớn vội nhắn tin hủy dịch vụ gia tăng

Tuy nhiên gần đây, thấy báo chí tiếp tục phản ánh về tình trạng số lượng dịch vụ giá trị gia tăng bị trừ tiền hàng tháng khác với số dịch vụ giá trị gia tăng mà nhà mạng đã thông báo, khi nhắn tin kiểm tra theo hướng dẫn, chị T đã kiểm tra lại chi tiết cước trên hệ thống mạng VinaPhone, do chị là khách hàng đăng ký trả sau.

Tiến hành rà soát lại các khoản cước phí trong một vài tháng gần đây, chị T phát hiện mình hàng tuần mình đang phải trả hơn 9.000 đồng cho một dịch vụ giá trị gia tăng có tên GamePortal.

Chị chắc chắn mình không đăng ký dịch vụ này vì điện thoại chị là điện thoại bàn phím cổ lỗ sỹ, không thể truy cập vào mạng thì không thể vô tình đăng ký dịch vụ như một số nhà mạng đã từng giải thích.

Điều này khiến chị T đặt ra câu hỏi: Phải chăng nhà mạng không trung thực, không thông tin rõ với khách hàng về các dịch vụ giá trị gia tăng có trên thuê bao và âm thầm trừ cước hàng tháng?

Theo chị T, với khách hàng trả sau nhận được bảng kê cước sẽ dễ dàng biết được các dịch vụ giá trị gia tăng bị kích hoạt nếu có nhưng với khách hàng sử dụng dịch vụ trả trước, liệu rằng họ có biết mình đang bị mất tiền?

Lỗi thuộc nhà mạng

Liên quan phản ánh của chị T, dù khách hàng đã kiểm tra theo cú pháp nhưng vẫn không phát hiện hết được dịch vụ giá trị gia tăng có trên thuê bao, anh Nguyễn Duy Hưởng - Chuyên viên công nghệ thông tin trong doanh nghiệp chuyên cho thuê và làm dịch vụ máy chủ cho biết: “Trước đây tôi đã từng làm cho đơn vị viễn thông di động nên có thể khẳng định cú pháp soạn tin nhắn thông thường nhà mạng chỉ cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng của chính nhà mạng di động như cuộc gọi chờ, nhạc chờ… còn dịch vụ giá trị gia tăng của bên thứ 3 không hiển thị”.

Cụ thể anh Hưởng cho biết, hầu hết các dịch vụ giá trị gia tăng hiện nay đều do nhà mạng ký kết với doanh nghiệp, lợi nhuận thu về sẽ chia theo tỷ lệ. Vì thế, dịch vụ giá trị gia tăng đều do bên thứ 3 chính là doanh nghiệp ký kết nhà mạng cung cấp. 

“Thông thường, khách hàng kiểm tra bằng cú pháp tin nhắn chỉ có thể biết được dịch vụ nhỏ do nhà mạng trực tiếp, trong khi còn vô vàn dịch vụ giá trị gia tăng khác do bên thứ ba thực hiện sẽ không được hiển thị”, anh Hưởng cho biết.

Theo anh Hưởng với thuê bao trả sau, khách hàng không khó để biết được các khoản tiền bị tính cước vào dịch vụ gì nhưng với thuê bao trả trước, để tra cứu lịch sử cuộc gọi, lịch sử dịch vụ phát sinh cước khách hàng phải liên hệ với nhà mạng. 

“Để tránh được các dịch vụ giá trị gia tăng bị kích hoạt trên thuê bao di động hiện rất khó, bởi hầu hết người dùng đang sử dụng điện thoại smartphone có thể truy cập Internet nếu doanh nghiệp dịch vụ giá trị gia tăng liên kết với nhà mạng giới thiệu dịch vụ giá trị gia tăng của thông qua các mã nhúng hiển thị trên màn hình bằng các baner quảng cáo. Khi đó, nếu chẳng may khách hàng kích vào, coi như đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng nên không thể tránh được vì đã được lập trình sẵn”, anh Hưởng cho biết.

“Với dịch vụ giá trị gia tăng hiện nay, trừ khi nhà mạng can thiệp về mặt kỹ thuật bằng cách khi khách hàng dù có kích vào các banner quảng cáo, các đường link đó không bị trừ tiền, không bị coi như đăng ký dịch vụ. Nếu nhà mạng không can thiệp thì khách hàng không thể tự bảo vệ mình”, anh Hưởng cho biết. 

Về chuyên môn kỹ thuật, anh Hưởng cho rằng, nhà mạng nếu chỉnh sửa code (mã tin học) thì khách hàng sẽ không bị kích hoạt các dịch vụ giá trị gia tăng. Tóm lại, nhà mạng hoàn toàn có thể can thiệp về mặt kỹ thuật để người dùng không bị kích hoạt các dịch vụ giá trị gia tăng vấn đề chỉ là nhà mạng có làm hay không mà thôi.

Trước đó, kết quả thanh tra của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, chỉ trong vòng hơn 3 năm từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016 Sam Media cùng đã móc túi khách hàng của 4 nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone, VinaPhone và Vietnamobile đã phải chi trả với với tổng số tiền là 230,4 tỷ đồng thông qua dịch vụ giá trị gia tăng.

Mai Anh