Ngày xưa bọn trẻ rỉ tai nhau "sắp đến ngày hiến cam các nhà giáo"

18/11/2016 08:38
Xuân Dương
(GDVN) - Kể lại những câu chuyện này để muốn nói: “cam, phong bì hay hoa tươi không quan trọng, quan trọng là tình cảm của người tặng và niềm vui của người nhận”

Mấy chục năm trước, cứ đến dịp 20/11, phụ huynh, học sinh (phổ thông) lại rỉ tai nhau “chuẩn bị đến ngày hiến cam các nhà giáo”.

Cam là loại quả có nhiều vào cuối năm và giá cả cũng phải chăng nên túi quà tặng thầy cô nhân ngày lễ trọng phần lớn có loại quả này, chuyện ấy bây giờ đã là cổ tích, may ra chỉ những ông bà giáo già là còn nhớ.

Thời gian sau, thay vì cam, phụ huynh mua hộp bánh, gói kẹo ngon, một số người “giấu” phía dưới túi quà chiếc phong bì.

Ngày xưa bọn trẻ rỉ tai nhau "sắp đến ngày hiến cam các nhà giáo" ảnh 1

5 nghịch lý của nền giáo dục Việt Nam

(GDVN) - TS.Nguyễn Văn Khải cho rằng, dạy lý tưởng, đạo đức rất nhiều, nhưng hiệu quả thấp đấy là vì nhiều người lớn đang ứng xử tồi.

Thời kinh tế thị trường có định hướng, khi cái gọi là “văn hóa phong bì” trở thành một nét không thể thiếu trong xã hội Việt Nam thì quà tặng ngày 20/11 cũng không thể ngoại lệ.

Có một ông giáo già hơn 40 năm đứng trên bục giảng, ông đã dạy đủ loại sinh viên chuyên tu, tại chức, chính quy, tư thục, công lập.

Học trò của ông gồm các đối tượng từ học sinh phổ thông, sinh viên cao đẳng, đại học, giáo viên trung học phổ thông, công an huyện đến quan chức cỡ tỉnh ủy, giám đốc sở, chủ tịch, bí thư huyện,…

Vợ ông cũng là nhà giáo về hưu với chức danh Giáo viên cao cấp, thế là ông thua bà vì “vị” tuy cao hơn bà nhưng “hàm” lại thuộc hàng “bạch y”.

“Bạch y” là phân loại của Cái Bang, đệ tử bang ăn mày mới nhập môn, mặc quần áo màu trắng sạch sẽ, trên quần áo không có túi gọi là “bạch y đệ tử”, sau này tùy theo thành tích mà được thêm túi.

Loại quần áo rách rưới vá chằng vá đụp đủ màu sắc nếu có 7 túi thì thuộc hàng trưởng lão, địa vị cao, được tôn kính hơn cả bang chủ.

Thời ông bà còn “gõ đầu” trẻ con, người lớn, mỗi khi đến dịp 20/11 trong nhà luôn có vài chục lẵng hoa tươi, lúc đầu cảm thấy vui vẻ, dần thấy cũng phiền hà.

Mùi thơm của các loại hoa, nhất là hoa Ly khiến người ngửi nhiều nhức đầu, cũng giống như sự “nồng nàn” của hoa Sữa trong một bài hát khiến người dân ven đường khốn đốn.

Tặng hoa hay lựa chọn món quà khác đều là cách thể hiện tấm lòng với thầy cô. (Ảnh: Báo Lao động)
Tặng hoa hay lựa chọn món quà khác đều là cách thể hiện tấm lòng với thầy cô. (Ảnh: Báo Lao động)

Thế là nghĩ ra một “sáng kiến”, một người tiếp khách, người kia mang hoa đi phân phát cho hàng xóm có con đang học để các gia đình này đem tặng thày cô giáo.

Chẳng biết số phận các lẵng hoa ấy có giống như những chai rượu ngoại, lòng vòng rồi lại về với chủ cũ!

Có một lần, cô hàng xóm đem đến chiếc phong bì, đang định từ chối thì cô ấy cười giải thích “không phải cháu chúc mừng hai bác đâu, cháu thấy trong lẵng hoa bác cho có cái phong bì này cài bên trong nên lấy ra trả lại hai bác…”.

Sau này khi nghỉ hưu, hoa ít dần, mấy cô chú hàng xóm có người vẫn hỏi đùa “ông bà còn dư bó hoa nào cho cháu vài bó”, nghe cứ như là xin rau muống vậy!

Kể lại những câu chuyện này để muốn nói: “cam, phong bì hay hoa tươi không quan trọng, quan trọng là tình cảm của người tặng và niềm vui của người nhận”.

Có những sự “trao - nhận” được gọi là “nợ đời”, sự “trao” là bắt buộc còn sự “nhận” là miễn cưỡng, mặc dù thế người ta vẫn phải cười khi trao và khi nhận.

Làng xóm xứ Bắc ngày nay vẫn tồn tại câu chuyện, có người bảo “nhà ấy đám giỗ nào mời cũng đi nhưng chẳng bao giờ mời người khác đến nhà mình”.

Người “chẳng bao giờ mời người khác đến nhà mình” thì cho rằng “đến đám giỗ nào cũng gửi phong bì, không nợ ai cả”!

“Cho đi hạnh phúc nhiều hơn là nhận lại”, câu nói này được các đệ tử Phật môn nhắc đến nhiều.

Các dòng sông đều đưa nước về biển cả, nếu không cho biển nước, liệu dòng sông có nhận được mưa?

Ngày xưa bọn trẻ rỉ tai nhau "sắp đến ngày hiến cam các nhà giáo" ảnh 3

“Ba con mới đi biển vào, cá phơi ngoài khơi ngon lắm cô ạ”

Trong cuộc sống sự tặng và nhận có mối quan hệ nhân quả, tặng để cầu lợi về sau thì chưa chắc đã được lợi, nhận để thỏa mãn lòng tham thì chưa chắc đã giàu.

Có người nhận nhiều quà biếu nhưng con cái cờ bạc, nghiện hút, cuối cùng cũng chẳng vui vẻ gì.

Có người mang tiền đi chạy để thăng quan tiến chức, khi có chức có quyền cũng là lúc bệnh nọ, tật kia xuất hiện, thế là phúc hay họa?

Chẳng hiểu sao có một hiện tượng khá phổ biến, nhiều người giàu có, nhiều vị tổng thống chỉ sinh con gái, chẳng lẽ đó là sự công bằng của trời đất mà con người không thể can thiệp?

Vậy nên xin đừng đặt lên bàn cân chuyện tặng hoa hay phong bì.

Nếu chiếc phong bì đó giúp cho người được tặng bớt đi khó khăn, như các thày cô cắm bản vùng sâu, vùng xa, như đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt thì sao không làm.

Còn nếu lẵng hoa đó khiến người được tặng khó xử thì sao cứ tặng?

Tặng phong bì, người nhận dù vui hay ngượng đều phải giấu, tặng hoa vài hôm sau phải bó kín vứt đi kẻo người khác nhìn thấy, tặng bức tranh thêu hay chiếc lọ hoa gốm Bát Tràng có đề tên người tặng, chủ nhân có thể vui vẻ treo trên tường khoe với bạn bè, cách tặng nào có khó khăn nếu tâm trong sáng.

Người nhận việc gì phải ngượng nếu đó đúng là vật lưu niệm để nhắc tới những người yêu quý mình khi xa nhau.

Có điều sự đời chẳng mấy khi toàn là màu hồng, bản thân mỗi thày, cô cần tự hiểu chính mình, cần làm sao để phụ huynh học sinh tặng quà ngày lễ trọng không phải với mục đích thày cô đừng trù dập con em mình.

Nghiêm khắc với bản thân và rộng lượng với mọi người thì không bao giờ phải xấu hổ khi nhận quà tặng, đó là điều người viết cảm nhận từ những bậc thầy đáng kính từ lúc còn học phổ thông đến lúc ngồi trên giảng đường đại học, đó cũng là điều tâm niệm sau hơn 40 năm đứng trên bục giảng.

Xin kể một chuyện nhỏ mà vui, trong một bài viết, độc giả Trung Thành bình luận muốn mời tác giả một chầu bia cỏ, người viết trả lời sẽ chuẩn bị bánh đa và lạc luộc để uống bia.

Cuộc hẹn chưa bao giờ được thực hiện nhưng quên thì không thể.

Điều buồn nhất là cứ đến dịp 20/11 lại xuất hiện các bài báo về phong bì và quà tặng thày cô, điều càng buồn hơn nữa là có lúc Bộ Giáo dục & Đào tạo phải ra thông báo không tặng hoa cơ quan bộ nhân ngày 20/11, rồi chuyện chính quyền ra lệnh cấm nhà trường huy động tiền của phụ huynh để “tặng và chăm lo cho thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Đến bao giờ tình trạng này mới chấm dứt?

Thày cô giáo chỉ là những con người bình thường, làm công việc bình thường để mưu sinh.

So với một bộ phận không còn là không nhỏ những người hàng ngày đứng trên bục rao giảng đạo đức cho người khác nhưng trong nhà có hàng chục, hàng trăm tỷ thì đa số thày cô hôm nay vẫn còn là những con ong cần mẫn, chắt chiu mật ngọt cho đời.

Từ bao giờ không chỉ trong dân chúng mà ngay tại một số cơ quan công quyền cũng tồn tại quan niệm, rằng quà tặng thày cô là biểu hiện xấu, là sự xuống cấp đạo đức của người tặng và người nhận.

Vì sao không ít người trong chúng ta cứ nghĩ một chiều như thế khi mà xã hội không chỉ có người xấu mà còn nhiều, rất nhiều người tốt?

Khi khoác lên vai thày cô mỹ từ “nghề cao quý” với thu nhập đứng hàng cuối trong xã hội, nếu phải đặt câu hỏi, nếu phải tự vấn lương tâm thì ai phải tự vấn trước?

Thày cô không thể tạo nên cơ chế, chính sách và tiêu cực sinh ra từ cơ chế chứ không phải do thày cô đồng lòng tạo ra.

Vậy nên người viết hy vọng, sẽ ít dần và chấm dứt chuyện bàn luận về cái phong bì mà nên quan tâm đến chuyện làm sao để thày cô yên tâm với nghề, sống được bằng nghề và không thày cô nào thẹn với lương tâm khi nhận quà mừng ngày nhà giáo của phụ huynh và học trò.

Xuân Dương