Người phụ nữ khom lưng 1200 lần/ngày kiếm tiền làm từ thiện

14/10/2011 11:22
Theo Pháp luật & thời đại
"Mỗi ngày tôi nhặt được 7-8 kg. Cứ 3 – 4 tháng tôi bán rác một lần, gom được vài ba triệu mới đi cúng đường”, bà bộc bạch.
Nếu tính mỗi kg túi nilon phế thải gồm ít nhất 150 chiếc túi thì mỗi ngày bà Nguyễn Thị Đối (62 tuổi, ngụ thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) phải khom lưng nhặt đến 1200 cái mới gom đủ 8 kg nilon. Số nilon này bà bán được khoảng 100 ngàn, nhưng không phải kiếm tiền để sống mà số tiền này bà mang đi làm từ thiện.

Không mang tiền mà mang rác về nhà

Chúng tôi tìm đến nhà bà Đối vào đúng dịp rằm bởi chỉ những ngày trăng sáng, ít cá được tàu từ biển chở về thì bà mới được thong thả. Người phụ nữ này đã gắn bó với cái nghề đi buôn đem tiền về, còn bà lại chở…rác về nhà. Nhìn từng đống bao bì trắng toát, ít ai tin được mệ Đối đã nhặt chúng từ cảng cá, tẩy rửa thơm tho rồi đem bán cho nhà máy nhựa tái chế sản phẩm mới.
 
Bà Đối kể rằng đã nhặt túi nilon bỏ đi từ 3 năm nay, toàn bộ số tiền bán rác bà đem cúng dường nhà chùa, mua cơm tặng trung tâm bảo trợ trẻ em, giúp đỡ người già neo đơn trong thôn… “Bán rác bao giờ mới đủ tiền mua cơm, mua quà làm từ thiện?” tôi hỏi. Bà đáp: “mỗi ngày tôi nhặt được 7-8 kg. Cứ 3 – 4 tháng tôi bán rác một lần, gom được vài ba triệu mới đi cúng dường”.
Bà Nguyễn Thị Đối
Bà Nguyễn Thị Đối

Nghe chừng đó thôi cũng đủ cảm phục tấm lòng nhân ái của bà. Người dân xã Phú Thượng không ai không biết bà, những người sống gần cảng cá Thuận An càng hiểu bà hơn. Chị Nguyễn Thị Gái (ngụ thị trấn Thuận An) cho biết: “Túi nilon ở cảng tanh sặc mũi, vậy mà hôm nào bà Đối cũng nhặt từ sáng đến chiều tối, tui phục luôn”. Đem chuyện hỏi bà tại sao lại làm được như thế bà bảo nhặt lâu ngày nên “quen mùi”, vả lại đó chỉ là “chuyện vặt”: “Lúc thuyền chưa vào cảng hoặc rảnh rỗi, hễ thấy rác lại nhặt. Làm lắt nhắt thế mà lại nhiều lắm chú à, có hôm nhặt được ba bốn bai tải lớn”, bà Đối kể.


Tại sao bà lại nảy ra ý tưởng làm từ thiện khác người này? Bà Đối bộc bạch: “Cách đây 4 năm, tôi lên chùa thấy có bà cụ chuyên gom túi nilon xung quanh, hỏi gom làm gì bà bảo bán lấy tiền mua nhang cúng nhà chùa, vừa làm sạch môi trường. Thấy có lý nên tui về gom túi nilon trong nhà, gom trong nhà ít quá nên tôi đi gom ở cảng cá, ở đây người ta dùng bao bì nhiều lắm”.

Những người con của bà thấy mẹ ngâm mình dưới nước giữa trưa hè nóng bức nên xót lòng, không ngừng khuyên ngăn nhưng bà vẫn quyết lòng thực hiện tâm nguyện. Bà nói chỉ cần có cái tâm là làm được tất cả, làm đến bao giờ không đi được nữa mới thôi. “Bao nhiêu người khốn khổ hơn mình đang cần được giúp đỡ. Mình may mắn chân tay lành lặn, làm được việc gì thì gắng lắm tu nhân tích đức cho con cháu sau này”, mệ Đối giãi bày.

Lúc tiếp chuyện chúng tôi, mệ Đối vui sướng cho biết vừa thu được 4 triệu đồng sau khi bán túi nilon cho nhà máy nhựa gần đó. Số tiền trên bà dự tính mua được 400 suất cơm giúp Hội người mù Thừ Thiên – Huế.

Kỳ công làm sạch túi bẩn

Ngôi nhà của mệ Đối có lẽ thuộc loại “nổi bật” nhất xóm, không phải vì sang trọng mà vì từ đầu ngõ đến sân ngập túi nilon trắng toát. Ngắm nhìn thành quả lao động, nét mặt mệ Đối rạng ngời: “Không có thứ gì bẩn thỉu cả, chỉ tại con người chưa biết làm sạch thôi”. Chỉ vào đống bao bì trên yên xe, bà nói: “Nhặt cái nào mình rửa qua nước mặn cái đó, về nhà ngâm bột giặt, thuốc tẩy javen rồi xả lại nước sạch”

Công đoạn làm sạch rác hoàn thành, mệ Đối phải phơi khô, cắt bỏ hết phần quai (tay xách)  bởi bao bì muốn tái chế phải phẳng phiu, không nhăn nhúm, gấp khúc. “Vất vả nhất là khâu làm khô, mùa nắng có thể phơi nhờ sân hàng xóm, còn mưa đến đành chịu. Rác ủ lâu ngày bốc mùi, tui phải mượn thêm quạt điện để ráo”, mệ Đối kể.

Mùa lũ năm 2010, nước sông Phổ Lợi trước nhà lên nhanh, túi nilon nổi lềnh bềnh khắp nơi. Cả nhà mệ Đối chỉ kịp chèn phên tre trước cổng cứu rác: “Tui dùng sào khểu, mẹ nó lấy dây cước buộc bao bì vào gốc cây còn thằng út dùng lưới chắn trước cổng ngăn rác trôi ra sông. Luc lụt vậy mà bà ấy lo cho rác hơn cả bản thân mình”, Ông Trần Thiên Trò, chồng bà Đối lắc đầu nhìn vợ.

Lũ xuống, bùn non thi nhau đọng lên bao bì, gia đình bà lại thay nhau gánh rác ra sông tẩy rửa suốt tuần liền. Vất vả vậy nhưng người phụ nữ tuổi ngoài 60 chưa một lần nao lòng, bà tin vào những gì mình làm, một niềm tin mãnh liệt khôn nguôi. “Một mình làm khôn nguôi thì nhờ chồng con làm giúp, nhặt mỗi ngày một ít rồi cũng đến lúc đủ cân, đủ tạ. Người ta có tiền cũng dường bạc triệu, mình nghèo thì gom từng đồng bạc lẻ”.

Còn nhớ cách đây 3 năm, do quan hệ hạn hẹp lại chưa quen biết nghề buôn bán phế liệu  nên bà bán hàng cho những người thu mua nhỏ lẻ với giá 4 – 5000đ/ kg nilon. Thế nhưng chỉ vài tháng sau đó nhờ tiếng lành đồn xa, có người giới thiệu bà liên hệ nhập hàng trực tiếp nhà máy nên thu nhập tăng gấp 3. “Bây giờ thành đầu mối quen thuộc, hễ đủ vài tạ tui chỉ cần gọi điện là nhà máy cho xe tải chở vê tận nhà. Anh quản lý trả giá 14.000/kg do bai bì của tui sạch sẽ”, mệ Đối sung sướng bộc bạch.

Hỏi rằng 3 năm nay nhặt được bao nhiêu tấn rác, mệ Đối lục tìm cuốn sổ tay lưu lại những lần bán rác nhẩm cộng: “Gần bảy tấn chú à, quanh vườn còn mấy tạ chưa thành phẩm đang chờ cắt quai nhập hàng đợt tới”.

Người phụ nữ nghiện rác

Vừa xếp túi nilon giữa sân, mệ Đối cười sảng khoái sau một ngày nhặt rác trở về, mệ tự nhận mình đã “nghiện” rác từ bao giờ không hay: “Nhắm mắt thì thôi chứ ra đường, về nhà thấy rác tui lại không chịu nổi, phải nhặt chúng bằng được”. hôm nào bận việc không về tận cảng nhặt rác, bà Đối cũng tranh thủ “chạy vù ” xe máy về mấy nhà dân, xí nghiệp chế biến hải sản để thu bao bì người ta gom lại biếu tặng. Bà “bật mí” đây là nguồn hàng quý giá giúp đảm bảo khối lượng bao bì ổn định thường xuyên.

Bà Đối nghiện rác đến mức ngồi trước sân trò chuyện, thấy cháu bé cầm túi nước mía ngang cũng nhẩm tiếc: “mỗi ngày người ta thải ra không biết bao nhiêu túi nilon, mình nhặt chỉ được phần nhỏ thôi. Nhặt về đem bán vừa có tiền giúp người khác, lại góp phần bảo vệ môi trường”. Cũng chỉ tại việc làm khác người của mình, không ít xóm giềng đoán già đoán non bà Đối tham lam,  có người còn đàm đúm bà buôn bán “thất cơ lỡ vận” nên nhặt rác bán tiền bù lỗ. Mặc kệ, bà vẫn âm thầm thực hiện tâm nguyện của mình mỗi ngày.

Giờ đây khi đầu ra ổn định, cứ mỗi độ hè về mệ Đối huy động cả những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi nhặt túi nilon giúp mình. “Đứa nào chăm chỉ có ngày nhặt được cả chục kí, ít nhất năm bảy ký. Được cái trẻ con ở quê vất vả từ nhỏ nên  các cháu đều ngoan hiền, siêng năng”, bà “Đối rác” cho hay.

Theo Pháp luật & thời đại