Dạy theo kiểu lồng ghép hiện nay kết quả cũng là không

27/11/2016 08:29
Phan Tuyết
(GDVN) - Có thể nói hầu hết các em đều được học những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống nhưng chỉ được tiếp cận theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nên chẳng mấy tác dụng.

LTS: Bàn về việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, cô giáo Phan Tuyết cho rằng việc lồng ghép bài giảng kĩ năng sống trong chương trình học hiện nay chưa thực hiệu quả.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Đọc bài "10 điều nhà trường quên dạy học sinh" của tác giả Lê Xuân Chiến đăng trên Báo Giáo dục điện tử, tôi thấy rất tâm đắc nhưng cũng có đôi điều cần được trao đổi cùng tác giả bài báo với tư cách một giáo viên.

Nếu nói học sinh của ta thời nay “tập trung học kiến thức, rời ghế nhà trường các em lơ ngơ, mò mẫm học cách “sống” và không ít em bị vấp ngã” do thiếu kĩ năng sống là hoàn toàn chính xác. 

Cách dạy kĩ năng sống theo kiểu lồng ghép hiện nay còn thiếu hiệu quả. (Ảnh: VnExpress.net)
Cách dạy kĩ năng sống theo kiểu lồng ghép hiện nay còn thiếu hiệu quả. (Ảnh: VnExpress.net)

Nhưng để tình trạng ấy xảy ra tác giả kết luận nguyên nhân do nhà trường đã “quên’ dạy học sinh những kĩ năng sống là có phần chưa thỏa đáng. 

Xin thưa! Học sinh bây giờ không chỉ được học hầu hết những kĩ năng cần thiết để giao tiếp, để ứng phó, để tự bảo vệ mình khi gặp khó khăn, trắc trở mà được học rất nhiều trong từng bài giảng của hầu hết các môn học.
 
Ngoài một số bài học có nội dung cụ thể, các em những kĩ năng sống cần thiết. Còn phần lớn những bài học khác đều có nội dung lồng ghép về một số kĩ năng sống thích hợp. 

Học sinh được học các kĩ năng sống trong trường như thế nào?

Với Tiểu học, những kĩ năng sống cần thiết luôn được lồng ghép trong các bài học ở các môn học cụ thể. Còn bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông là sự tích hợp liên môn.

Ví dụ khi học bài “Phòng chống cháy nổ khi ở nhà” (Bài Đạo đức lớp 3), thầy cô cũng sẽ dạy cho học sinh một số kĩ năng thoát hiểm khi nhà có cháy cũng như cách để báo cho người thân, cho cơ quan cứu hỏa biết để giúp đỡ.

Học bài “Tôn trọng đám tang” (Bài Đạo đức lớp 3), các em cũng biết và hiểu vì sao cần phải tôn trọng đám tang? Biết yêu thương chia sẻ với gia đình bạn, gia đình hàng xóm láng giềng khi có chuyện buồn.

Học bài “Mẹ vắng nhà” (Tập đọc lớp 2), các em biết giúp đỡ ba mẹ một số công việc nhà phù hợp với khả năng của mình. 

Dạy theo kiểu lồng ghép hiện nay kết quả cũng là không ảnh 2

Xin đừng dạy con như thế!

(GDVN) - Trẻ lười nhác, vô lễ phần lớn phụ thuộc vào cách dạy và giáo dục các em trong mỗi gia đình, thế nên, ba mẹ phải luôn là tấm gương để con cái noi theo.

Hay như chỉ học bài địa lý “Vùng biển Việt Nam”, “Đặc điểm sông ngòi Việt Nam” (Địa lý lớp 8), học sinh sẽ được thầy cô giáo dục kĩ năng phòng tránh đuối nước. 

Hay bài “Dân số và gia tăng dân số”, “Lao động việc làm chất lượng cuộc sống” (Địa lý lớp 9)…, học sinh sẽ được giáo dục về giới tính, kĩ năng phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn…

Có thể nói hầu hết các em đều được học những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống nhưng chỉ được tiếp cận theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” nên chẳng mấy tác dụng. 

Có bài học giáo viên chỉ được phép dành 1-2 phút lồng ghép nội dung giáo dục nên không hiệu quả cũng là điều dễ hiểu. 

Chẳng phải ngẫu nhiên mà có câu tục ngữ “Học đi đôi với hành”.

Học về cách phòng cháy chữa cháy, cách thoát hiểm nhưng các em không được tập dượt, không được thực hành trong một tình huống cụ thể cũng chẳng có tác dụng gì. 

Học về phòng tránh đuối nước nhưng cũng chỉ được nghe thầy cô dạy theo kiểu dặn dò thì làm sao có thể hình thành nổi kĩ năng? 

Học về phòng tránh mang thai ngoài ý muốn mà học sinh không được hỏi, không được tranh luận, không được trả lời những thắc mắc…

Bởi dạy lồng ghép thì làm gì có thời gian để các em thảo luận, để trực tiếp nêu chính kiến…  

Với cách dạy lồng ghép các kĩ năng sống ở các trường học hiện nay thì việc hình thành và phát triển những kĩ năng ấy cho học sinh còn khó nói gì đến việc áp dụng những kĩ năng học được vào thực tế để bảo vệ bản thân mình khi gặp tình huống như người lớn kì vọng.

Giải pháp nào giúp việc hình thành và phát triển kĩ năng sống hiệu quả?

Với học sinh Tiểu học đã học 2 buổi/ ngày, cần giảm tải thời gian học kiến thức ở buổi thứ hai, tăng cường những hoạt động thực hành. 

Chẳng hạn việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về những chủ đề đơn giản nhưng vô cùng cần thiết như cách xếp hàng ngay ngắn khi mua hàng, cách giữ trật tự nơi công cộng, giữ vệ sinh chung...

Dạy theo kiểu lồng ghép hiện nay kết quả cũng là không ảnh 3

7 bước cha mẹ cần chuẩn bị cho con đi du học

Đặc biệt, chúng ta cũng nên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về giới tính, về cách phòng chống cháy nổ, về phòng tránh đuối nước…

Tăng cường những buổi sinh hoạt dã ngoại như thăm biển, hồ bơi, thăm thú ruộng đồng, trồng cây xanh…

Với học sinh các bậc học khác do thời gian không nhiều nhưng ít nhất một tháng nhà trường cũng cần tổ chức cho các em một lần ngoại khóa về các "chủ đề nóng" như giới tính, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ…

Học lý thuyết và được thực hành bằng những bài học thực tế thì những kĩ năng các em tiếp thu được trong mỗi bài học mới có cơ hội phát huy.

Phan Tuyết