Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện lời hứa và "không bắn chỉ thiên"

30/11/2016 08:19
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng nhắc nhở, hứa với Quốc hội như thế nào thì phải thực hiện đúng lời hứa của mình, nhất là các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết, đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11/2016.

Cụ thể, tại phiên họp, Chính phủ bàn về triển khai Nghị quyết Trung ương 4, chỉnh đốn xây dựng Đảng, về đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống trong cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là vấn đề tự chuyển biến, tự chuyển hoá trong nội bộ.

Cụ thể, có ba nhóm giải pháp rất quan trọng được nêu ra:

Nhóm giải pháp thứ nhất là vấn đề công tác chính trị tư tưởng: Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó có vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, nhận thức của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt phải mẫu mực thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Vấn đề rà soát, kiểm điểm tập thể và cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, đánh giá, xếp loại cán bộ công chức, viên chức hằng năm đều được Thủ tướng nêu lên.

Tất cả các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là người đứng đầu phải noi gương, vì Nghị quyết Trung ương 4 được triển khai rộng rãi cho toàn Đảng, toàn dân, chứ không phải riêng cán bộ, công chức, viên chức, nhưng cán bộ, công chức, viên chức là người làm gương, làm mẫu mực.

Bộ trưởng Mai Tiếng Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở các thành viên của Chính phủ quyết tâm thực hiện những vấn đề đã chất vấn trước Quốc hội. ảnh: VGP.
Bộ trưởng Mai Tiếng Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở các thành viên của Chính phủ quyết tâm thực hiện những vấn đề đã chất vấn trước Quốc hội. ảnh: VGP.

Nhóm giải pháp thứ hai là xây dựng cơ chế chính sách: Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương tiếp thu tinh thần góp ý của các thành viên Chính phủ, quan tâm đến vấn đề xây dựng thể chế, tránh lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế, hoàn thiện các chính sách, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, tránh việc một việc giao cho nhiều cơ quan chồng chéo, đan xen.

“Gắn với việc này, Thủ tướng nhấn mạnh, các nhiệm vụ của các bộ, ngành được xem xét, rà soát phân định rõ ràng, gắn với trách nhiệm kiểm tra, giám sát, trách nhiệm của người đứng đầu”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Người phát ngôn Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực.

“Báo chí cũng đặt vấn đề ở các địa phương, bộ, ngành khi thực hiện quy trình cán bộ đều nói thực hiện đúng quy trình. Vậy quy trình như thế nào?

Vấn đề công khai, minh bạch và đặc biệt là chủ động công khai với các cơ quan báo chí, công khai  với dân để có sự giám sát của báo chí, dân về công tác cán bộ như thế nào?

Thủ tướng đã từng phát biểu thi tuyển để tìm người tài chứ không phải người nhà. Đây cũng là một nội dung được nhấn mạnh trong đề án thực hiện quy trình tuyển dụng.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng thực hiện lời hứa và "không bắn chỉ thiên" ảnh 2

Ông Trần Quốc Thuận: "Cấp trên thiếu trách nhiệm, làm sao bảo được cấp dưới"

Trong chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành phải tập trung xây dựng Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của các bộ, ngành theo tinh thần tinh giản biên chế, nhất là sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tự chủ”, ông Dũng cho biết.

Nhóm vấn đề thứ ba là về kỷ luật, kỷ cương: Thủ tướng Chính phủ có ban hành chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ…

Tại buổi họp báo, phóng viên đã đề cập tới nhiều vụ việc cán bộ, công chức có hành vi xấu ở nơi công cộng như vụ cán bộ kiểm lâm ở Hoà Bình đánh nhân viên trạm thu phí, ở Hà Nội thì có vụ đánh nhân viên hàng không hay vụ cán bộ Sở Ngoại vụ đánh cụ già 76 tuổi. Những việc này được chấn chỉnh như thế nào?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: “Các vụ việc cán bộ Sở GTVT Hà Nội đánh phụ nữ ở sân bay Nội Bài, vụ cán bộ kiểm lâm đánh nhân viên trạm thu phí… là những việc đáng lên án.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, không thể chấp nhận có hành vi thiếu văn hoá, thiếu gương mẫu như thế. Chúng ta phải lên án.

Trong phiên họp hôm nay, Thủ tướng giao cho Bộ VHTT&DL, Bộ Nội vụ ngoài việc xây dựng Nghị định về văn hoá từ chức, thì còn xây dựng văn hoá ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành nhiệm vụ, tránh tình trạng “bắn chỉ thiên”.

Thủ tướng luôn nhắc không được “bắn chỉ thiên” và hứa với Quốc hội như thế nào thì phải thực hiện đúng lời hứa của mình, nhất là các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn Quốc hội.

Thủ tướng nhắc đi nhắc lại là đã hứa trước đồng bào, cử tri thì phải thực hiện đúng lời hứa của mình”.

Xử lý dứt điểm vụ việc quá nhiều lãnh đạo trong một sở

Thứ trưởng Bộ Nội vụ - ông Triệu Văn Cường cho biết: “Liên quan đến việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo trong các cơ quan đơn vị, cụ thể là ở Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Bộ nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời vấn đề này trước đại biểu Quốc hội. 

Đúng như các cơ quan báo chí phát hiện, cơ quan này có 46 người, thì có 44 lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên. UBND tỉnh Hải Dương chưa có quy định cấp trưởng, phó phòng đối với Sở.

Tuy nhiên, theo quy định chung, cộng với 4 lãnh đạo cấp Sở thì Sở này chỉ có thể có 27 người là lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên. Do vậy, con số 44 lãnh đạo là vượt so với quy định.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương  báo cáo cụ thể và có biện pháp chấn chỉnh.

Theo chúng tôi được biết, Sở LĐTB&XH Hải Dương đã có biện pháp chấn chỉnh và những ai chưa đủ tiêu chuẩn đều sẵn sàng rút lui không làm phó phòng nữa”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Hoàng Quốc Vượng cho biết: Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2016, các bộ, ngành phải xây dựng lại Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ, ngành.

Đối với Bộ Công Thương, trong thời gian qua, có dư luận có thể nói là không tích cực về bộ máy cồng kềnh, chưa hiệu quả của Bộ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo xây dựng lại, cải tổ lại bộ máy cho gọn nhẹ, hiệu quả hơn. Chính vì vậy, đến nay Bộ Công Thương đã dự thảo Nghị định mới về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ.

Về chức năng, nhiệm vụ của Bộ trong khoá này chắc sẽ không khác gì nhiều so với các khoá trước, tuy nhiên về cơ cấu tổ chức, hiện nay chúng tôi đã xây dựng dự thảo Nghị định gồm 28 đầu mối, giảm đi 7 đầu mối so với 35 đầu mối trước đây.

Đương nhiên khi giảm đầu mối, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng vụ, từng cục, chúng ta phải sắp xếp lại con người.

Đây cũng là dịp để Bộ Công Thương sàng lọc, đánh giá lại đội ngũ cán bộ để lựa chọn được những người thật sự có tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm để trong thời gian tới, việc triển khai nhiệm vụ của Bộ Công Thương tốt hơn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Ngọc Quang