Ngăn chặn xe quá tải tàn phá hạ tầng, gây mất an toàn giao thông

06/06/2016 08:00
Hồng Minh
(GDVN) - Dù có đầy đủ văn bản từ Luật đến Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, thậm chí Nghị định xử phạt hành chính, nhưng xe quá tải vẫn lưu thông trên đường.

Tàn phá hạ tầng - gây mất an toàn giao thông

Xe quá khổ, quá tải được hiểu là các phương tiện xe ô tô tải chở khối lượng hàng hóa vượt tải hoặc cơi nới thùng xe nhằm chất thêm hàng hóa.

Việc chở hàng quá tải mang lại lợi ích không nhỏ cho chủ hàng, chủ phương tiện. Vì thế thực trạng xe quá tải lưu thông trên đường đang diễn ra phức tạp.

Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP. Hải Phòng, ước tính sơ bộ, các tuyến đường trọng điểm vận chuyển hàng hóa trong toàn thành phố có tới 20-50% xe quá tải hoạt động, cao điểm lên đến 80%. Hệ quả để lại hạ tầng giao thông bị tàn phá, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Cụ thể ở những tuyến đường cho phép xe tải lớn lưu thông tại Hải Phòng, mặt đường bị cày xới, lồi lõm thảm hại, ẩn họa những vụ tai nạn giao thông khó lường. 

Xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động, lưu thông trên đường dù chúng ta có đầy đủ luật, nghị định xử lý vi phạm - ảnh minh họa/ nguồn chinhphu.vn
Xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động, lưu thông trên đường dù chúng ta có đầy đủ luật, nghị định xử lý vi phạm - ảnh minh họa/ nguồn chinhphu.vn

Tại quận Kiến An, nhiều tuyến đường ẩn chứa hiểm họa đối với người đi đường, vì chất lượng mặt đường xuống cấp như ở đường Phan Đăng Lưu, đường 355, khu vực ngã tư Cống Đôi…

Đây là những tuyến đường thường xuyên có xe trọng tải lớn lưu hành. Trên tuyến đường này, hàng ngày chứng kiến những chiếc xe tải lớn chở đất đá ầm ầm chạy qua, gây bụi mù mịt. 

Tại huyện An Lão, xe quá tải trở thành ám ảnh đối với người dân ở đây. Sau khi tuyến quốc lộ 10 mới thông xe, quốc lộ 10 cũ trở thành tuyến đường ngắn nhất cho xe quá tải chở hàng hóa vào nội thành, hơn nữa tuyến đường này ít bị lực lượng chức năng kiểm tra xử lý. 

Lượng xe quá tải qua đây có ngày lên đến hàng nghìn lượt, vì thế đoạn từ ngã ba An Tràng đến ngã tư Quang Thanh xuất hiện nhiều ổ gà. 

Đường đã vậy, đối với những cây cầu còn nguy hiểm hơn, những đợt rung lắc do xe quá tải gây ra khiến những cây cầu trọng điểm như cầu vượt Lạch Tray, cầu An Đồng, cầu Kiền, cầu Niệm, cầu Vàng, cầu Tiên Cựu, Quý Cao, cầu Đá Bạc… cũng trong tình trạng phải sửa chữa gấp.

Mặt cầu gồ ghề, công trình vượt sông trở nên yếu, đang là mối lo ngại đối với người tham gia giao thông.

Cũng chính vì mặt đường bị cày xới, xuất hiện ổ gà khiến phương tiện di chuyển gặp khó tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Tương tự như Hải Phòng, hằng ngày trên địa bàn Hà Nội có lượng khá lớn ô tô tải tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa, phục vụ xây dựng... 

Nguyên nhân chính của việc cao tốc bị phá hỏng được chuyên gia nhận định là do tải trọng xe quá tải - ảnh nguồn Infonet
Nguyên nhân chính của việc cao tốc bị phá hỏng được chuyên gia nhận định là do tải trọng xe quá tải - ảnh nguồn Infonet

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội), hiện tại, đơn vị đang quản lý hơn 43.676 xe tải. Trong số này có hơn 11.570 xe tải trọng tải dưới 1,25 tấn và 31.918 xe trọng tải trên 1,25 tấn đến dưới 10 tấn…

Hiện nay, có hơn 40 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô.

Tuy nhiên, đối với người tham gia giao thông, xe tải đôi khi trở thành "hung thần" trên đường phố. Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 88 vụ tai nạn giao thông, làm 67 người chết, 62 người bị thương do xe ô tô tải gây ra.

Không chỉ trên các tuyến đường khu vực ngoại thành, quốc lộ, ngay trong nội thành, vào giờ được phép lưu thông, nhiều tài xế xe tải điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. 

Nhiều xe chở vật liệu rời nhưng không che chắn khiến cát rơi vãi, bụi mù mịt. Có xe tải lại chở vật liệu quá khổ, quá tải gây mất mỹ quan, đe dọa hạ tầng giao thông, gây nguy hiểm... 

Nguyên nhân là do ý thức của lái xe chưa cao, lại chịu sức ép về tiến độ nên phải hoạt động hết công suất. Cũng do khai thác quá công suất, nhiều xe không bảo đảm về an toàn kỹ thuật, không đáp ứng được yêu cầu về khí thải...

Vi phạm chiều hướng gia tăng

Hiện tượng xe quá tải, quá khổ lưu thông trên đường không phải mới diễn ra, vấn đề đặt ra là tại sao trong nhiều năm qua, với đầy đủ các văn bản từ Luật đến Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, thậm chí Nghị định xử phạt hành chính được thay đổi, bổ sung hàng năm theo chiều hướng ngày càng tăng nặng mức phạt nhưng vấn không giải quyết được vấn đề xe chở quá tải.

Luật giao thông đường bộ được Quốc Hội thông qua năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ;

Công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ là cần thiết để hướng đến mục đích là bảo vệ hạ tầng giao thông đường bộ và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. 

Lực lượng kiểm tra liên ngành tiến hành cân trọng tải xe - ảnh nguồn: Báo Giao thông.
Lực lượng kiểm tra liên ngành tiến hành cân trọng tải xe - ảnh nguồn: Báo Giao thông.

Thậm chí, mỗi lần sửa đổi chế tài xử phạt hành chính càng cao thì xe lại chở hàng quá tải lại càng nhiều và mức độ quá tải ngày càng nghiêm trọng.

Nguyên nhân sâu xa cũng là do quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chế tài xử phạt hành chính áp dụng chưa đúng đối tượng, chưa đủ sức răn đe, phương thức kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe chưa phù hợp. 

Còn thiếu quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các cá nhân, đơn vị có liên quan đến hoạt động xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa như chủ hàng, chủ phương tiện, khu công nghiệp, khu chế xuất, kho tàng, bến cảng... và các lực lượng kiểm tra, xử phạt như Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông nên chưa đạt kết quả như mong muốn.

Mặt khác, sau các đợt cao điểm xử lý xe quá tải, quá khổ dường như việc kiểm tra, xử lý vi phạm này không được duy trì quyết liệt khiến doanh nghiệp vận tải tiếp tục tái diễn vi phạm.

Năm giải pháp giải quyết xe quá tải

Để giải bài toán chống xe chở hàng quá tải cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, cả về pháp lý lẫn kinh tế xã hội mới hi vọng đạt được hiệu quả như mong muốn cần thực hiện các giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, việc kiểm tra tải trọng xe phải có lộ trình cụ thể, cần triển khai từng bước, trước mắt nên tập trung áp dụng đối với các loại xe có mức quá tải lớn.

Thứ hai, phải thay đổi đối tượng xử phạt, thêm trách nhiệm pháp lý của chủ hàng, chủ xe và các đối tượng có liên quan.

Thực chất lái xe chỉ là người lao động, ký hợp đồng làm thuê cho doanh nghiệp. Nguyên nhân chở hàng quá tải là câu chuyện của giới chủ hàng và chủ xe do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh bằng cách chở hàng quá tải để giảm giá cước. 

Do vậy, lỗi do giới chủ gây ra mà đi phạt người làm công là chưa thuyết phục, chưa công bằng, vì thế cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung lại đối tượng áp dụng xử phạt do hành vi xe chở hàng quá tải cho phù hợp.

Thứ ba, thay đổi phương thức kiểm tra tải trọng xe, tập trung kiểm tra tại các điểm xuất phát hàng, hạn chế việc kiểm tra tải trọng trên đường dễ phát sinh tiêu cực.

Thứ tư, việc kiểm tra tải trọng xe phải gắn liền với việc công nhận tải trọng thiết kế của phương tiện, đặc biệt là cần phải ghi nhận tải trọng xe chuyên dụng đầu kéo kéo sơ mi-rơ moóc chở container và hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Thứ năm, việc kiểm tra tải trọng xe phải triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước, kiểm tra liên tục và lâu dài để bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật.

Cụ thể, kế hoạch kiểm tra tải trong xe phải áp dụng một cách đồng bộ, thực hiện liên tục và lâu dài trên phạm vi cả nước để bảo đảm sự bình đẳng cho các doan nghiệp vận tải. 

Nếu không kiểm tra liên tục và lâu dài thì xong mỗi đợt kiểm tra, xe chở hàng quá tải lại cứ diễn ra như thường, điều này dẫn đến tâm lý đối phó và “nhờn luật” trong giới lái xe và doanh nghiệp vận tải.

Hồng Minh