Kinh nghiệm quốc tế xử lý vi phạm an toàn giao thông do uống bia, rượu

28/05/2016 09:00
Hồng Minh
(GDVN) - Ngoài việc ra tăng mức xử phạt vi phạm nhiều quốc gia còn áp dụng lao động công ích với người điều khiển phương tiện giao thông uống bia, rượu.

Những con số “biết nói”

Uống rượu, bia là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, lạm dụng rượu, bia lại vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe mà sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, có thể cướp đi tính mạng hoặc để lại thương tật suốt đời.

Trên thế giới mỗi năm tai nạn giao thông đường bộ đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,2 triệu người, gây thương tật suốt đời trên 50 triệu người.

Trung bình mỗi ngày tai nạn giao thông cướp đi sinh mệnh của 3.000 người và tính tỷ lệ số người chết do tai nạn giao thông đường bộ 11/100.000 công dân, thiệt hại về tài sản trên 518 tỷ USD.

Thói quen sử dụng rượu bia dẫn đến việc nhiều người không ý thức tác hại rượu bia đối với sức khỏe - ảnh minh họa nguồn Cục Cảnh sát giao thông.
Thói quen sử dụng rượu bia dẫn đến việc nhiều người không ý thức tác hại rượu bia đối với sức khỏe - ảnh minh họa nguồn Cục Cảnh sát giao thông. 

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm xảy ra trên 9.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đã cướp đi tính mạng của gần 10.000 người và trên 10.000 người bị thương tật vĩnh viễn.

Như vậy, trung bình mỗi ngày tai nạn giao thông đường bộ đã cướp đi tính mạng của trên 30 người, gây thương tính khoảng trên 80 người, thiệt hại về tài sản gần 18.000 tỷ đồng tương đương với 900 triệu USD. 

Những con số nêu trên cho thấy việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông gây thiệt hại rất lớn về con người, tiêu tốn không ít tiền của trong việc xử lý hậu quả. 

Có thể chia những lái xe say rượu, bia ra làm hai nhóm: Nhóm thứ nhất là nhóm những người nghiện rượu, bia.

Nhóm thứ hai cũng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất, là người lao động, cán bộ, công chức nhà nước, trong đó không ít người hiểu được tính nghiêm trọng của việc lái xe khi say rượu, bia, nhưng khi vào cuộc thì khó lòng khước từ vì trăm nghìn lý do khác nhau. 

Chưa ý thức tác hại rượu bia

Nguyên nhân dẫn đến việc lái xe ô tô sử dụng rượu, bia và chất khích thích rất đa dạng nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do nhận thức của một bộ phận lái xe còn hạn chế về hậu quả, tác hại của rượu, bia trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông.

Mọt bộ phận lái xe hiện nay, nhất là lái xe Container, xe khách tuyến đường dài, xe vận tải tuyến bắc nam chưa nhận thức được nguy hại của rượu bia khi lái xe - ảnh nguồn Vietnamnet
Mọt bộ phận lái xe hiện nay, nhất là lái xe Container, xe khách tuyến đường dài, xe vận tải tuyến bắc nam chưa nhận thức được nguy hại của rượu bia khi lái xe - ảnh nguồn Vietnamnet

Nhận thức của một bộ phận lái xe hiện nay, nhất là lái xe Container, xe khách tuyến đường dài, xe vận tải tuyến bắc nam và thậm chí cả lái xe của một số hãng taxi do phải thường xuyên lái xe nên mệt mỏi, căng thẳng và tâm lý của họ cho rằng để có sức khỏe, đỡ mệt mỏi, căng thẳng và sẽ tỉnh táo trong quá trình lái xe thì sử dụng một chút rượu bia, thậm chí chất kích thích khác sẽ lấy lại sức khỏe sau chặng đường dài mệt mỏi. 

Do hạn chế về nhận thức, mà họ không thấy được hậy quả, tác hại của việc sử dụng rượu, bia là những chất độc hại, gây ra những cơn ngủ gật, làm sai lệch hành vi và làm chậm quá trình thao tác điều khiển phương tiện giao thông, làm giảm tầm nhìn, tầm quan sát, làm chậm phản xạ lái xe từ 20- 30 lần; gây tổn hại cho não bộ và thậm chí gây ra ảo giác khiến lái xe “bốc hơn” tăng lên 30- 40 lần so với người không sử dụng rượu, bia.

Và chính lúc này sẽ gây tại nạn giao thông và thường hậu quả rất thảm khốc.

Thứ hai nhiều điểm dừng, đỗ của lái xe trên các tuyến đường là nơi cung cấp chất rượu, bia thậm chí là chất kích thích khác cho lái xe.

Thực tiễn cho thấy không ít những điểm dừng, đỗ nghỉ ngơi, ăn trưa, ăn tối trên tuyến đường dài bắc nam là những nơi lái xe, nhất là lái xe khách được các chủ quán “khuyến mại những bữa ăn miễn phí” và thường trong bữa ăn này bao giờ cũng có rượu, bia.

Thứ ba việc quản lý đội ngũ lái xe còn hạn chế. Hiện nay các loại hình doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ vận tải ở Việt Nam phát triển rất nhanh rất đa dạng với nhiều loại hình thức khác nhau như kinh doanh xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe vận tải chở hàng hóa, Container, vận tải theo tuyến đường dài

Thực tế việc quản lý của chủ các doanh nghiệp, dịch vụ vận tải chủ yếu tập trung quản lý doanh thu theo đầu xe, loại xe, thời gian chạy xe, tuyến lưu thông, số lượng hành khách và số lượng hàng hóa vận chuyển.

Việc quản lý con người, nắm bắt tư tưởng, nắm bắt những biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật của lái xe còn nhiều hạn chế.

Thứ tư, phương tiện phát hiện và xử lý lái xe sử dụng rượu, bia còn có hạn chế nhất định.

Hiện nay các cơ quan chức năng kiểm soát trật tự an toàn giao thông đã có thiết bị đo nồng độ cồn trong máu đối với lái xe trên nhiều tuyến đường.

Do vậy, các lực lượng chức năng đã hạn chế nhiều lái xe sử dụng rượu bia trong khi lưu hành xe và đã hạn chế tai nạn giao thông đáng kể.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội do người lái xe ô tô sử dụng rượu bia khiến 3 người thiệt mạng - ảnh nguồn Cục Cảnh sát giao thông.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông tại Ái Mộ, Long Biên, Hà Nội do người lái xe ô tô sử dụng rượu bia khiến 3 người thiệt mạng - ảnh nguồn Cục Cảnh sát giao thông.

Tuy nhiên, việc kiểm tra nông độ cồn đối với lái xe còn chưa đáp ứng với đòi hỏi thực tiễn. Lực lượng chức năng mới chỉ tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trên các tuyến giao thông chiếm tỷ lệ trên 16%. Còn lại 84% lái xe không bị kiểm tra.

Như vậy cứ khoảng 100 lái xe, lực lượng chức năng mới chỉ kiểm tra được 16 lái xe, còn lại 84 lái xe không kiểm tra được. Đây là một trong những nguyên nhân lái xe vẫn uống rượu, bia trong quá trình điều khiển phương tiện và tiếp tục gây tai nạn.

Trong khi đó việc phát hiện, xử lý lái xe sử dụng nồng độ còn vượt quá mức qui định của lực lượng chức năng đối với lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông chỉ chiếm 1,62% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông và vi phạm nồng độ cồn chiếm 0,25% trong tổng số xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ.

Sau khi sử dụng rượu bia người điều khiển phương tiện không làm chủ được bản thân: đi xe lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, tránh vượt sai quy định, đi sai làn đường, khả năng phán đoán tình huống kém hơn so với lúc bình thường. Bởi vậy tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra thường rất nghiêm trọng

Kinh nghiệm xử lý của các nước

Theo TS. Trần Hữu Minh Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cần thiết kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn đối với lái xe đã quá rõ ràng, với đầy đủ các căn cứ về khoa học cũng như thực tế. 

Do nồng độ cồn có mối quan hệ với tốc độ nên đây là một giải pháp trúng hai đích, xử lý được cả vấn đề nồng độ cồn và một phần vấn đề chạy quá tốc độ - là hai nguyên nhân chính gây nên tai nạn giao thông trên thế giới và cũng như tại Việt Nam.

Với Nghị định mới của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/8/2016, cho thấy quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, Ngành đối với vấn nạn sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

TS. Trần Hữu Minh Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông chia sẻ kinh nghiệm từ các nước trong việc xử lý vi phạm an toàn giao thông do bia, rượu - ảnh: H.Lực
TS. Trần Hữu Minh Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông chia sẻ kinh nghiệm từ các nước trong việc xử lý vi phạm an toàn giao thông do bia, rượu - ảnh: H.Lực

Theo đó với việc điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ có mức phạt từ 16 - 18 triệu đồng (mức phạt cũ là 10 - 15 triệu đồng). Ngoài ra hành vi này sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.

Nghị định cũng quy định rõ mức phạt đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cũng sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng, sau đó mới tiếp tục xử lí các vi phạm tiếp theo nếu có.

Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, để giải quyết vấn nận sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, theo TS. Trần Hữu Minh đữa ra một số giải pháp như: Buộc tham gia chương trình huấn luyện đặc biệt cho người có hành vi lái xe nguy hiểm. Theo đó, bất cứ người vi phạm nào đều phải tham gia và thi đạt mới được nhận lại bằng lái.

Phạt lao động công ích phục vụ cộng đồng cũng có thể được sử dụng với người vi phạm lần đầu.

Buộc lắp đặt thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe và chỉ kích hoạt khi người lái có nồng độ cồn dưới mức cho phép. Biện pháp này có thể áp dụng với người lái xe ô tô vi phạm lần 2, với chi phí do người vi phạm trả.

Phân trách nhiệm cho lực lượng cảnh sát làm đúng chức năng của họ là kiểm tra giám sát cưỡng chế thực thi và để tòa án ra các quyết định liên quan đến tịch thu/xử lý hình sự. Đảm bảo có sự phân công chức năng rõ ràng giữa hành pháp và tư pháp.

Bên cạnh đó TS. Trần Hữu Minh cho rằng cần tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng rượu, bia. Giải pháp này tập trung vào việc kiểm soát nhu cầu sử dụng, kiểm soát việc cung cấp, giảm tác hại của việc lạm dụng rượu bia… 

Mặt khác chú trọng công tác tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức của xã hội về sử dụng rượu, bia. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Hồng Minh