Thế giới ghi nhận nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông của Việt Nam

26/11/2016 08:00
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, thế giới đánh giá cao nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông của Việt Nam.

Được thế giới ghi nhận

Sáng ngày 24/11/2016, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tổ chức Hội nghị cấp cao đối tác an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam.

Tham dự hội nghị, bà Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, thành tựu của Việt Nam trong công tác đảm bảo an toàn giao thông những năm qua góp phần vào thành công chung của thế giới.

Bà Socorro Escalante cho rằng, Việt Nam đã nêu kinh nghiệm quý trong việc thực hành và thực thi thành công quy định đội mũ bảo hiểm vào năm 2007 - ảnh nguồn Báo giao thông vận tải.
Bà Socorro Escalante cho rằng, Việt Nam đã nêu kinh nghiệm quý trong việc thực hành và thực thi thành công quy định đội mũ bảo hiểm vào năm 2007 -  ảnh nguồn Báo giao thông vận tải.

Kinh nghiệm cho thấy, việc ban hành và thực thi nghiêm pháp luật về an toàn giao thông sẽ góp phần giảm tai nạn giao thông.

Một số quy định nổi bật như: đội mũ bảo hiểm, ngăn ngừa lái xe sử dụng rượu, bia, kiểm soát tốc độ,... đang được Việt Nam thực hiện nghiêm.

“Việt Nam đã nêu kinh nghiệm quý trong việc thực hành và thực thi thành công quy định đội mũ bảo hiểm vào năm 2007 và hiện nay đang thực thi mạnh mẽ quy định ngăn ngừa lái xe uống rượu bia cùng với các chính sách khác.

Nhờ những giải pháp mạnh mẽ đó, cùng với sự vào cuộc của toàn xã hội, Việt Nam đã liên tục giảm số người chết do tai nạn giao thông từ năm 2008”, bà Socorro Escalante đánh giá cao nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông của Việt Nam những năm qua.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội nghị - ảnh nguồn Báo giao thông vận tải
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội nghị - ảnh nguồn Báo giao thông vận tải

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết năm 2010, Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 64 với tuyến bố giai đoạn 2010-2020 là “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông”.

Năm 2016, Đại hội đồng Liên Hợp quốc tiếp tục ban hành Nghị quyết 70 về cải thiện ATGT đường bộ toàn cầu, với mục tiêu đến năm 2020 kéo giảm thương vong tai nạn giao thông đường bộ xuống còn 50% so với năm 2010.

Ông Hùng cho biết thêm, tại Việt Nam những năm qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, các cơ quan tài chính quốc tế trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ vận tải công cộng, hoàn thiện nhiều chính sách hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông,... khiến Việt Nam như điểm sáng trong đảm bảo an toàn giao thông.

Đứng trước thách thức lớn, phải thực hiện mục tiêu đến năm 2020 kéo giảm số thương vong vì tai nạn giao thông còn 50% so với năm 2010, ông Hùng mong muốn các tổ chức đa phương, Đại sứ quán các nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ giúp đỡ Việt Nam kéo giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Hùng, thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như tiếp tục thực hiện hệ thống quy định pháp luật, thể chế chính sách đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trong đó sẽ tập trung chủ trương để người dân tiếp cận, sử dụng các phương tiện vận tải công cộng an toàn, thuận tiện, chú trọng phương tiện giao thông phi cơ giới, giảm thiểu phương tiện cá nhân.

Sự quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, Ngành đã nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. - ảnh nguồn Tạp chí Đảng Cộng sản.
Sự quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, Ngành đã nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. - ảnh nguồn Tạp chí Đảng Cộng sản.

Đây không phải lần đầu tiên đại diện WHO có những đánh giá tích cực về công tác đảm bảo an toàn giao thông của Việt Nam.

Năm 2014 khi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Tổ chức Y tế Thế WHO tổng kết Dự án An toàn giao thông đường bộ 2010 - 2014 tại Việt Nam.

Tại lễ tổng kết, đại diện WHO tại Việt Nam cũng khẳng định: Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là công tác phòng chống uống rượu, bia và lái xe và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy.

“Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Trung ương và địa phương, nhất là Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhằm giảm thiểu số người chết và bị thương do tai nạn giao thông tại Việt Nam”, ông Jeffery Kobza - Quyền trưởng đại diện WHO tại Việt Nam thời điểm 2014 nhận định.

Mục tiêu giảm 5-10% các vụ tai nạn giao thông

Những đánh giá của WHO cho thấy sự ghi nhận của thế giới về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa vừa ký báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông 2017 trình Quốc hội.

Theo đó báo cáo nêu rõ: 9 tháng đầu năm 2016, toàn quốc xảy ra hơn 15,4 nghìn vụ tai nạn giao thông làm chết hơn 6,4 nghìn người, bị thương hơn 13,4 nghìn người.

So với cùng kỳ năm 2015, giảm 1.275 vụ (-7,6%), giảm 133 người chết (-2%), giảm 1.747 người bị thương (-11,5%).

Trong đó, riêng đường bộ xảy ra hơn 15,1 nghìn vụ, làm chết 6.270 người, bị thương 13.428 người. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 1.241 vụ (-7,5%), giảm 82 người chết (-1,29%), giảm 1.728 người bị thương (-11,40%). Các vụ tai nạn giao thông  đối với đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải đều giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông dọn dầu loang trên phố tránh việc người tham gia giao thông bị trượt ngã được dư luận đánh giá cao.- ảnh nguồn VTCNews.
Hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông dọn dầu loang trên phố tránh việc người tham gia giao thông bị trượt ngã được dư luận đánh giá cao.- ảnh nguồn VTCNews.

Xét riêng từng địa phương, 9 tháng đầu năm, có 39 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì TNGT, trong đó 11 địa phương giảm trên 15% số người chết. Tuy nhiên, vẫn còn 22 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng.

Sang năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016; giảm số người chết do TNGT năm 2017 xuống dưới 8.500 người.

Liên quan đến công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, báo cáo của Chính phủ cho biết, sau 2 năm, tình hình vi phạm về tải trọng phương tiện đã được kiểm soát, giảm trên 92% so với thời điểm trước khi thực hiện kế hoạch phối hợp thực hiện việc tuần tra, kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải.

Đặc biệt, theo báo cáo, các phương tiện chở hàng lưu thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm Bắc - Nam, ý thức chấp hành quy định về tải trọng của lái xe, chủ xe, chủ hàng… đã được nâng lên.

Hồng Minh (Tổng hợp)