Lợi ích nhóm thao túng, doanh nghiệp nhà nước sẽ bị "vắt" đến kiệt quệ

12/12/2016 06:10
Mai Anh
(GDVN) - Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, có lợi ích nhóm thao túng, doanh nghiệp nhà nước đầu tư không hiệu quả, thậm chí thua lỗ và mất vốn.

Trong nhiều diễn đàn, hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục khẳng định, Chính phủ sẵn sàng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Thủ tướng cũng hơn một lần nhấn mạnh, Chính phủ không đi bán bia, bán sữa. Cái gì mà doanh nghiệp tư nhân làm được thì để tư nhân làm.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn đồng tình với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo GS.Thái, trong xu thế phát triển chung của các quốc gia, số lượng doanh nghiệp tư nhân không chỉ tăng nhanh về số lượng mà đi kèm là có nhiều đóng góp cho nền kinh tế (nếu kể cả kinh tế hộ gia đình thì đóng góp lên tới hơn 40% GDP). 

Do đó, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khu vực tư nhân và doanh nghiệp tư nhân là việc cần thiết và đúng với xu hướng phát triển chung cùa thế giới. 

Dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân - ảnh nguồn VGP.
Dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân - ảnh nguồn VGP.

Trong khi doanh nghiệp nhà nước đang trên đà thoái vốn, đẩy mạnh cổ phần hóa thì vai trò của khu vực tư nhân trong nước sẽ ngày càng thêm quan trọng, đóng góp phần chủ chốt vào việc nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập.

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập là quan điểm đúng đắn, được các nhà kinh tế trong nước và nhân dân ủng hộ.

Ở các nước phát triển thì kinh tế tư nhân rất mạnh, còn Việt Nam nhiều năm qua vẫn duy trì mô hình Tập đoàn, Tổng Công ty sử dụng vốn nhà nước nên dẫn tới thất thoát, lãng phí, tham nhũng”, GS.Thái cho biết.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái cho rằng, việc Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập là quan điểm đúng đắn - ảnh Việt Dũng (Tuổi Trẻ)
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái cho rằng, việc Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập là quan điểm đúng đắn - ảnh Việt Dũng (Tuổi Trẻ)

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái phân tích, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (trong đó có doanh nghiệp nhà nước), cùng với quan điểm Đảng ta khẳng định nội dung, kết cấu của nền kinh tế Việt Nam là có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật.

Đây là bước tiến rất quan trọng trong quan điểm về nền kinh tế thị trường có nhiều loại hình sở hữu đan xen. 

Từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong 30 năm đổi mới, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa chế độ sở hữu, hình thức sở hữu và loại hình kinh doanh.

“Như vậy, quan điểm của Thủ tướng là việc triển khai cụ thể quan điểm của Đảng về nền kinh tế đa sở hữu, vì những nhận thức trên đây có giá trị định hướng lâu dài và cần tiếp tục cụ thể hoá phù hợp với từng giai đoạn phát triển”, GS.Thái cho biết.

Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Tức là doanh nghiệp sử dụng vốn tư nhân 100% hay doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng đều bình đẳng, muốn như vậy thì phải công khai minh bach hoạt động của các doanh nghiệp và phải thực hiện nghiêm.

Lợi ích nhóm thao túng, doanh nghiệp nhà nước sẽ bị "vắt" đến kiệt quệ ảnh 3

Thủ tướng yêu cầu "không phải nghe để biết, để đó"

Theo GS.Nguyễn Quang Thái, nên xây dựng định hướng doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Đối với doanh nghiệp tư nhân cần phải tạo mọi điều kiện để có thể tham gia được ở bất kỳ lĩnh vực nào có thể, như vậy sẽ rút dần vốn nhà nước ra để tập trung cho những nhiệm vụ chiến lược.

Một thí dụ cụ thể là trước đây, doanh nghiệp nhà nước chiếm lĩnh toàn bộ hàng không, nhưng kể từ khi có các hãng hàng không tư nhân, mức độ cạnh tranh rất cao, vì vậy các dịch vụ đều tốt hơn, và đương nhiên người dân được thụ hưởng nhiều hơn.

Ngoài hàng không, đối với đường sắt nếu có cơ chế tốt thì cũng hoàn toàn có thể kêu gọi tư nhân đầu tư khai thác, hạn chế tối đa việc sử dụng vốn nhà nước mà vẫn kém hiệu quả như nhiều năm qua.

Lợi ích nhóm trong doanh nghiệp nhà nước

Trong khi doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng thì doanh nghiệp nhà nước vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, đặc biệt cơ chế quản lý vẫn mang nặng tính bao cấp.

Yếu kém trong vấn đề quản lý doanh nghiệp nhà nước được PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học Kinh tế nêu ví dụ qua dự án đầu tư thua lỗ, mà gần nhất là 5 dự án thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng đã được đề cập nhiều lần tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. 

Nguyên nhân khiến nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thua lỗ diễn ra năm này qua năm khác theo PGS.TS Bùi Quang Bình do tư duy "cha chung không ai khóc". Tiền của nhà nước là tiền chung, chứ không của riêng ai, cho nên dẫn tới chuyện tiêu xài hoang phí.

Lợi ích nhóm thao túng, doanh nghiệp nhà nước sẽ bị "vắt" đến kiệt quệ ảnh 4

"Siết chặt hàng không để đường sắt phát triển là không công bằng"

Quá nhiều doanh nghiệp nhà nước quen “vắt” tiền ngân sách để đầu tư các dự án. Nếu dự án thành công, doanh nghiệp phát triển thì lãnh đạo, cá nhân được khen thưởng, ngược lại thua lỗ thì nhà nước mất tiền, nguyên nhân thua lỗ đổ cho khách quan, đổ cho tập thể.

“Muốn nâng cao chất lượng dự án đầu tư bằng vốn doanh nghiệp nhà nước thì điểm mấu chốt là phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, các cơ quan có liên quan và cá nhân thực thi công vụ”, PGS.Bình nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm này, GS.Nguyễn Quang Thái nêu thêm một điểm cần lưu ý, đó là phải cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước như nội dung quan trọng đã được đề ra như một trong ba đột phá chiến lược từ Đại hội XI của Đảng. 

Tuy nhiên trên thực tế, tiến độ thực hiện việc cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các lĩnh vực nhà nước không cần nắm còn khá chậm trễ. 

Điều này đã được nêu trong Nghị quyết mới đây của Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) và đòi hỏi có những chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy phát triển, cải cách thể chế, đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao chất lượng liêm chính của cán bộ công chức. 

Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong 5 dự án thua lỗ đã được đề cập nhiều lần tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. ảnh nguồn vtcnews.
Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong 5 dự án thua lỗ đã được  đề cập nhiều lần tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV. ảnh nguồn vtcnews.

“Không loại trừ khả năng có lợi ích nhóm thao túng việc đầu tư không hiệu quả và làm trì chậm cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Việc quản lý doanh nghiệp nhà nước không gắn giữa quyền và trách nhiệm đã gây khó khăn cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước”, GS.Thái cho biết. 

Theo GS.Thái cần phải tạo điều kiện để nghiệp tư nhân phát triển trong môi trường bình đẳng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhà nước phải tham gia cạnh tranh bình đẳng trên thị trường trong và ngoài nước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Để tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị phù hợp của diễn đàn để sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật liên quan, trước hết là một số việc bất cập, tồn tại kéo dài.

Thủ tướng yêu cầu, tinh thần là luật pháp phải phù hợp với thông lệ quốc tế và tính thị trường.

Lợi ích nhóm thao túng, doanh nghiệp nhà nước sẽ bị "vắt" đến kiệt quệ ảnh 6

Ông Trần Quốc Thuận: "Cấp trên thiếu trách nhiệm, làm sao bảo được cấp dưới"

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016, Thủ tướng đã cho biết: “Tôi có trao đổi với đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và một số đồng chí Thứ trưởng có mặt hôm nay rằng chúng ta nghe phản hồi nhưng phải có biện pháp xử lý, giải quyết đúng mức, kịp thời.

Không phải nghe để biết, để đó. Cái chính là: Nhà nước được gì? Doanh nghiệp được gì? Nhân dân và người lao động được gì?

Ba câu hỏi này đang đặt ra để làm chính sách tốt hơn, mà trước hết là cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng nói.

Nhận định phát biểu của Thủ tướng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, GS.Nguyễn Quang Thái cho hay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, một trong các trụ cột quan trọng là cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô. 

Vì vậy, liên tiếp trong ba năm 2014, 2015 và 2016, Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết 19 để nâng cao  chất lượng của môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô - ảnh nguồn Diễn đàn đầu tư
Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô - ảnh nguồn Diễn đàn đầu tư

Trên thực tế, các chỉ tiêu về thuận lợi cho doanh nghiệp đã được cải thiện như ghi nhận trong báo cáo hằng năm của Ngân hàng thế giới và các nhà tư vấn quốc tế. 

Tuy nhiên, thành tựu đạt được còn cách xa yêu cầu. GS. Thái nêu ra thí dụ: “Chẳng hạn, trong lĩnh vực hải quan, một phần ít hơn trực tiếp phụ thuộc nỗ lực cải thiện của các cơ quan hải quan ở cửa khẩu xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng gần 2/3 thời gian thông quan lại phụ thuộc vào việc kiểm tra bởi các quy định chuyên ngành của các bộ ngành khác. Do đó, cần có sự cố gắng của cả hệ thống”. 

Theo GS.Nguyễn Quang Thái do lợi ích cục bộ của nhiều bộ ngành, địa phương, các cải cách nêu ra trong Nghị quyết đã được thực thi chậm trong thực tế, thiếu phối hợp. Do đó mới có hiện tượng “bắn chỉ thiên” như Thủ tướng đã nêu. 

Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng trong nhóm 4 nước tốt nhất khu vực ASEAN còn phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống, trong đó đáng chú ý là Chính phủ cần tiếp tục có những biện pháp mạnh để giám sát mức độ hoàn thành của các bộ, ngành, địa phương và chỉ ra trách nhiệm cá nhân cụ thể.

Bên cạnh đó, cần có những cơ chế thuận lợi để người dân và các tổ chức xã hội cùng góp sức giúp Chính phủ giám sát cán bộ các bộ, ngành, địa phương, đúng với tinh thần liêm chính - kiến tạo mà Thủ tướng, Chính phủ đang nỗ lực xây dựng.

Mai Anh