Khen thưởng doanh nhân, doanh nghiệp cần lấy ý kiến công khai, rộng rãi

24/12/2016 06:07
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh yêu cầu này tạiHội nghị toàn quốc về thi đua-khen thưởng, ngày 23/12 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thi đua khen thưởng thời gian qua, đã tạo sự đồng thuận hưởng ứng của toàn xã hội trong các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Hội đồng Thi đua-khen thưởng cũng thẳng thắn nhận định, một số phong trào thi đua hiệu quả chưa cao, có nơi còn hình thức, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát phong trào thi đua chưa được coi trọng, việc sơ kết và tổng kết chưa kịp thời.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác thi đua-khen thưởng năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác thi đua-khen thưởng năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 với công tác này.

Đó là, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện công tác thi đua khen thưởng.

Tập trung nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, làm rõ những vướng mắc, bất cập để sửa đổi, bổ sung, đề xuất các hình thức khen thưởng phù hợp với công cuộc đổi mới của đất nước, chú ý khen thưởng trực tiếp cho người lao động trực tiếp ở cơ sở như công nhân, nông dân, chiến sĩ.

Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cần có kế hoạch phát động phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bảo đảm dân chủ trong bình chọn các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương khi trình khen thưởng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đối tượng, hình thức, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng.

Thực hiện việc xem xét, lựa chọn những tập thể, cá nhân thật sự tiêu biểu, xuất sắc để khen thưởng và trình khen thưởng, tránh khen thưởng tràn lan, vượt cấp, phải vận dụng các quy định của pháp luật trong khen thưởng.

“Cần hết sức lưu ý khi đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho tập thể, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ, doanh nghiệp, doanh nhân.

Trước khi đề nghị khen thưởng cần lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện thông tin, phối hợp với các cơ quan để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện các quy định của pháp luật, nghĩa vụ đóng góp đối với Nhà nước và chịu trách nhiệm khi trình khen thưởng”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Do đó, cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp thực hiện tốt chức năng, tham mưu, thẩm định hồ sơ khen thưởng bảo đảm quy trình, thủ tục, hồ sơ và thời gian theo quy định.

Phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như: Thuế, Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán, môi trường và cơ quan truyền thông trong việc nắm bắt thông tin, lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng.

Ngọc Quang