Bỏ “điểm sàn” vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học vừa phù hợp với xu thế

27/12/2016 07:55
Thùy Linh
(GDVN) - “Việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn theo Dự thảo tuyển sinh đại học 2017 vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học, vừa phù hợp với xu thế chung của giáo dục hiện đại”.

Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017 của Bộ GD&ĐT, Bộ không quy định điểm sàn mà các trường tự đưa ra điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển cho mình. 

Việc Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ “điểm sàn” là bước đi quan trọng tiến tới giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường đại học theo Luật Giáo dục Đại học. 

Theo Điều 34 của luật này, các trường đại học vừa được xét tuyển theo kết quả điểm của kỳ thi THPT quốc gia, vừa được xét tuyển theo kết quả học tập bậc THPT nên “điểm sàn” trở nên vô nghĩa. 

Khi được giao quyền tự chủ thì các trường sẽ có trách nhiệm hơn trong xác định ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển để đảm bảo chất lượng đào tạo và thương hiệu của mình.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến lãnh đạo một số trường và một số chuyên gia lo ngại sẽ làm cho các trường tốp dưới, một số trường ngoài công lập sẽ khó khăn hơn trong tuyển sinh và và nếu thả nổi chất lượng đầu vào thì chất lượng đầu ra của sinh viên sẽ không được đảm bảo. 

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng: 

Ở Việt Nam quy định “điểm sàn” chỉ xuất hiện từ khi bắt đầu thực hiện kỳ thi “3 chung”. Tuy nhiên, nhiều năm nay Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã không ủng hộ quy định này. 

Bỏ “điểm sàn” vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học vừa phù hợp với xu thế  ảnh 1
TS.Lê Viết Khuyến (Ảnh: Thùy Linh)

Lý giải nguyên nhân không ủng hộ, TS.Lê Viết Khuyến cho biết: “Trên thế giới, ở cấp độ Nhà nước không có quốc gia nào quy định "điểm sàn" hoặc nếu có quy định thì chỉ quy định "điểm sàn" cho những nhóm trường công lập đẳng cấp.

Ví dụ, tại tiểu bang California (Hoa Kỳ) để duy trì ổn định đẳng cấp của các cơ sở giáo dục đại học công lập, chính quyền tiểu bang đã đưa ra quy định các trường thuộc hệ thống UC (gồm 10 trường được đào tạo tới cấp tiến sĩ) chỉ được phép tiếp nhận sinh viên nằm trong tốp 12.5% đầu bảng tốt nghiệp trung học.

Trong khi các trường thuộc hệ thống CSU (gồm 23 trường được đào tạo tới cấp thạc sĩ) được tuyển sinh viên nằm trong tốp 33% đứng đầu. 

Còn các trường thuộc hệ thống đại học cộng đồng (105 trường) và các trường tư không bị khống chế về nguồn tuyển, chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học.

Quan niệm phổ biến hiện nay là mọi người khi đã hoàn thành một cấp học nào đó đều có quyền được học lên cấp học cao hơn (xem ISCED-2011 của UNESCO), còn việc có được vào học ở một trường cụ thể nào thì phải phụ thuộc vào điều kiện tuyển sinh của chính trường đó.

Chính vì vậy mà bên cạnh những trường có thi tuyển (ở các mức độ sàng lọc khác nhau) còn có các trường cho sinh viên ghi danh học tự do (như Viện Đại học Sài Gòn trước đây), thậm chí còn có các trường đại học mở (open university).

Nhiều trường đại học nước ngoài khi tuyển sinh ở Việt Nam chỉ đòi hỏi người học có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương là đủ”. 

Từ một góc độ khác, có thể thấy quy trình xây dựng "điểm sàn" của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm qua khi còn kỳ thi tuyển sinh quốc gia có quá nhiều sai sót và thiếu khoa học. 

Nếu lý giải làm "điểm sàn" là để đảm bảo chất lượng đồng đều của thí sinh trúng tuyển thì "điểm sàn" cần phải xây dựng riêng cho từng vùng lãnh thổ.

Bỏ “điểm sàn” vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học vừa phù hợp với xu thế  ảnh 2

Vì sao Bộ Giáo dục bỏ quy định “điểm sàn” Đại học?

(GDVN) - “Bộ GD&ĐT thấy việc đưa ra quy định ngưỡng điểm đầu vào chung cho tất cả các trường Đại học không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng".

Còn nếu làm "điểm sàn" chung cho cả nước thì mặc nhiên đã xem hệ thống giáo dục đại học cả nước như một trường đại học khổng lồ, mà không phải thí sinh nào cũng có điều kiện để sẵn sàng đăng ký đến học ở những trường quá xa nhà. 

Cách làm đó cũng dẫn tới hậu quả là làm cho các chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các vùng khó khăn khó đi vào cuộc sống.

Khái niệm "điểm sàn" cũng trở nên vô nghĩa khi đề thi không mang tính tiêu chuẩn
”, ông Khuyến nêu quan điểm. 

Ngày nay, theo Điều 34 Luật Giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển) và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. 

Cùng với đó hiện nay Việt Nam không còn kỳ thi tuyển sinh quốc gia “3 chung” mà chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Vậy lấy gì làm căn cứ để xây dựng “điểm sàn”?

Do đó, việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn theo Dự thảo tuyển sinh đại học 2017 để trao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học, vừa phù hợp với quan niệm của giáo dục hiện đại”, TS.Lê Viết Khuyến khẳng định. 

Đồng tình với quan điểm này, GS.Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: 

"Tôi cho rằng quyết định bỏ điểm sàn là quyết định đúng. Tôi thấy rằng các trường đại học cần được tự chủ trong tuyển sinh, không nên quy định điểm sàn cho tất cả các trường. 

Điểm tối thiểu mặc nhiên đã được quy định, đó là tốt nghiệp phổ thông xem như điều kiện cần để vào đại học. 

Nếu muốn tuyển chất lượng thế nào, các trường tự quy định điều kiện. Bởi có nhiều loại trường đại học, đào tạo nhiều loại nhân lực khác nhau, thì yêu cầu đầu vào khác nhau, chúng ta không nên quy định điểm sàn
".

Tuy nhiên, theo ông Khuyến, điều khiến dư luận cảm thấy băn khoăn hiện nay là bỏ điểm sàn có thể dẫn đến việc các trường tùy tiện trong nguồn tuyển dẫn đến chất lượng nguồn tuyển thấp, cạnh tranh không công bằng.

Trước lo ngại này, ông Khuyến đề xuất: “Tôi cho rằng, bên cạnh việc bỏ điểm sàn, Bộ GD&ĐT cũng cần triển khai đồng bộ các giải pháp cùng với các chế tài kèm theo. 

Ví dụ như, phải siết chặt chỉ tiêu của các trường dựa theo năng lực đào tạo của các ngành như đã nêu tại Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phải quy định về việc đã là trường trọng điểm quốc gia, có thương hiệu thì chất lượng nguồn tuyển phải cao hơn.

Trước hết Bộ phải xác định lại chuẩn tốt nghiệp THPT, tránh tình trạng 99% tốt nghiệp THPT như các năm qua.

Ngoài ra, mở đầu vào nhưng cũng cần siết chặt điều kiện đảm bảo đầu ra như tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục của các trường, đặc biệt là căn cứ vào kết quả điều tra tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp để xem xét chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường. 

Nếu làm chặt chẽ được như thế thì những lo lắng của xã hội về chất lượng nguồn tuyển suy giảm khi bỏ điểm sàn sẽ không còn
”- TS.Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Bỏ điểm sàn không “bóp chết” các trường cao đẳng, trung cấp

Với những thay đổi này của Bộ GD&ĐT, nhiều trường cao đẳng, trung cấp dự đoán kỳ tuyển sinh 2017 các trường này sẽ không còn nguồn tuyển do quy định chỉ cần đỗ tốt nghiệp là có thể vào đại học, cộng với dự kiến rút ngắn thời gian đào tạo đại học thì rõ ràng người dân với tâm lý ưa chuộng bằng cấp sẽ đổ xô đi học đại học nhiều hơn. Còn các trường thì đua nhau “vét” thí sinh bằng mọi giá.

Nhưng theo nhìn nhận của TS.Lê Viết Khuyến thì việc bỏ điểm sàn sẽ không hề “bóp chết” các trường cao đẳng, trung cấp. 

Bỏ “điểm sàn” vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học vừa phù hợp với xu thế  ảnh 3

Điểm sàn là gì, vì sao Bộ loại bỏ?

(GDVN) - “Bỏ điểm sàn là chủ trương đúng bởi Bộ không nên quyết định thay mà hãy để các trường được tự chủ trong tuyển sinh”.

Ông Khuyến lý giải:

Thứ nhất, đối với hệ trung cấp: Theo Luật giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu về nguồn tuyền của hệ trung cấp không cần tốt nghiệp bậc THPT mà chủ yếu tuyển từ nguồn sau THCS.

Do đó, việc bỏ điểm sàn không ảnh hưởng tới nguồn tuyển của các trường trung cấp chuyên nghiệp.
 
Thứ hai, đối với hệ cao đẳng: Theo Luật giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng không thuộc về bậc đại học nên học sinh tốt nghiệp trung cấp nếu được bổ sung khối lượng kiến thức văn hóa còn thiếu thì vẫn được vào học cao đẳng.
 
Hơn nữa, quy chế tuyển sinh của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội còn cho phép hệ cao đẳng được tuyển sinh quanh năm.

Do đó, chính những quy định này đã cho phép mở rộng nguồn tuyển sinh cao đẳng, làm cho việc bỏ điểm sàn trong tuyển sinh đại học sẽ không ảnh hưởng tới nguồn tuyển của hệ này. 

Không thể áp đặt “điểm sàn” cho các trường chưa kiểm định

Mới đây có chuyên gia nêu đề xuất Bộ GD&ĐT vẫn nên áp đặt “điểm sàn” đối với những trường hoặc chương trình chưa được kiểm định. 

Về vấn đề này, TS.Lê Viết Khuyến khẳng định: Đề nghị này không hợp lý, không khả thi. 

Theo TS.Khuyến phân tích, thứ nhất, kiểm định chất lượng là nhằm đánh giá khả năng đảm bảo chất lượng đào tạo của trường đại học, còn kết quả thi THPT quốc gia xác định thành quả học tập của học sinh sau 12 năm học phổ thông. Mục đích của hai việc làm này hoàn toàn khác nhau.

Thứ hai, mức độ sẵn sàng để được kiểm định chất lượng giáo dục của các trường hiện còn rất khiêm tốn trong khi số trường đại học, cao đẳng lại quá nhiều. Chẳng lẽ phải chờ đợi nhiều năm nữa thì Điều 34 của Luật Giáo dục đại học mới được đi vào cuộc sống.

Ba là, hiện nay chúng ta không còn kỳ thi tuyển sinh quốc gia như trước đây nữa để Bộ GD&ĐT làm “điểm sàn”.

Thùy Linh