639 giáo viên Yên Định bị chấm dứt hợp đồng, còn lao động tại Sở Y tế thì sao?

29/12/2016 06:44
THỤY MIÊN
(GDVN) - Việc tuyển dụng giáo viên tại huyện Yên Định và lao động Sở Y tế có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, vì sao hàng nghìn lao động Sở Y tế không bị cắt hợp đồng?

Huyện Yên Định cắt hợp đồng máy móc

Sau khi huyện Yên Định chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 639 giáo viên, chưa đầy 1 tháng sau, đơn vị này lại có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin bổ sung thêm 253 nhân viên, giáo viên cho các bậc học do huyện thiếu giáo viên.

Cũng mới đây, ngày 19/12/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 14583/UBND-VX về việc giải quyết kiến nghị của huyện Yên Định xin bổ sung số lượng người làm việc tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho huyện Yên Định thực hiện hiện hợp đồng 56 giáo viên Mầm non ngoài biên chế theo quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện 28 hợp đồng làm kế toán các trường Mầm non, 06 hợp đồng giáo viên Tiếng Anh để bố trí cho các trường Tiểu học.

Trong khi hàng trăm giáo viên đang hoang mang vì bị chấm dứt hợp đồng thì bà Ngô Thị Hoa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định - người ký tuyển dụng nhiều trường hợp, vẫn ung dung sống trong căn nhà gỗ, khang trang ngay tại trung tâm thị trấn Yên Định (ảnh: Congluan.vn).
Trong khi hàng trăm giáo viên đang hoang mang vì bị chấm dứt hợp đồng thì bà Ngô Thị Hoa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Định - người ký tuyển dụng nhiều trường hợp, vẫn ung dung sống trong căn nhà gỗ, khang trang ngay tại trung tâm thị trấn Yên Định (ảnh: Congluan.vn).

Đáng lý ra, theo kế hoạch số 120/KH-UBND, ngày 9/8/2016 UBND tỉnh Thanh Hóa về việc sắp xếp, bố trí và tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên... thì sau khi thực hiện việc điều động, thuyên chuyển, nếu số biên chế còn dôi dư, số hợp đồng ngoài biên chế đang làm giáo viên, nhân viên tại các trường học không được tuyển dụng hoặc không được tiếp tục hợp đồng, chủ tịch UBND các huyện thị xã, thành phố lập kế hoạch tinh giản biên chế đối với số giáo viên dôi dư và chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định hiện hành của pháp luật.

Nhưng thay vì bố trí nhân sự dôi dư vào các vị trí việc

639 giáo viên Yên Định bị chấm dứt hợp đồng, còn lao động tại Sở Y tế thì sao? ảnh 2

“Sao lại có chuyện một người ốm bắt cả làng uống thuốc?

làm còn thiếu sau khi thực hiện rà soát, để hoạt động giáo dục không bị gián đoạn, xáo trộn, thì UBND huyện vẫn ra quyết định chấm dứt hợp đồng với tất cả các giáo viên nói trên.

Trong khi đó, thực tế là huyện vẫn thiếu hàng trăm giáo viên, đặc biệt là số giáo viên mầm non.

Về việc này, hôm 25/12, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đầu Thanh Tùng – Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, việc chấm dứt đồng loạt các hợp đồng nói trên (trong đó có cả giáo viên mầm non) là cách làm máy móc của lãnh đạo huyện Yên Định. 

“Đáng lẽ ra trước khi chấm dứt hợp đồng anh phải rà soát lại vị trí, việc làm, những hợp đồng nào đúng, cần thiết thì giữ lại.

Còn những hợp đồng dôi dư, ký sai sau khi đã thực hiện rà soát thì chấm dứt.

Việc chấm dứt đồng loạt như vậy là máy móc”, ông Tùng nói, và cho biết sẽ đề nghị xem xét, ưu tiên những người đã có thời gian công tác, kinh nghiệm từng công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non để tiếp tục hợp đồng lại.

Trong khi đó, lãnh đạo huyện Yên Định cho biết, việc cắt hợp đồng đối với số giáo viên nói trên (trong đó có cả giáo viên mầm non) là do tỉnh chỉ đạo.

Phải thay đổi suy nghĩ "vào được công chức, viên chức thì không có ra”

Nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng, việc hàng chục giáo viên, nhân viên sẽ được huyện Yên Định hợp đồng trong thời gian có thể sẽ chung số phận với 639 giáo viên huyện Yên Định vừa bị chấm dứt hợp, trong trường hợp địa phương không có nhu cầu sử dụng?

Về việc này, ông Đầu Thanh Tùng cho rằng, việc tỉnh cho phép huyện Yên Định ký hợp đồng đối với các vị trí số giáo viên mầm non là phù hợp với thực tế và nhu cầu cấp bách về sự biến động số lượng học sinh trên địa bàn huyện.

Sự việc huyện Yên Định, Thanh Hóa bất ngờ cắt hợp đồng 639 giáo viên rồi lại xin tuyển mới 253 giáo viên vì thiếu chỉ tiêu đã đẩy nhiều giáo viên vào tình cảnh thất nghiệp, gây bức xúc dư luận! (Ảnh: vietnamnet.vn).
Sự việc huyện Yên Định, Thanh Hóa bất ngờ cắt hợp đồng 639 giáo viên rồi lại xin tuyển mới 253 giáo viên vì thiếu chỉ tiêu đã đẩy nhiều giáo viên vào tình cảnh thất nghiệp, gây bức xúc dư luận! (Ảnh: vietnamnet.vn).

Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết thêm: “Xưa nay chúng ta đã mặc định suy nghĩ, đã vào được công chức, viên chức thì không có ra.

Nhưng bây giờ theo chủ trương, ngay cả công chức, viên chức, hợp đồng lao động đều có thể bị chấm dứt hợp đồng nếu huyện không có nhu cầu. 

Đây cũng là quan điểm tương đối mở của Chính phủ trong việc quản lý công chức, viên chức tại các đơn vị hành chính sự nghiệp.

Do đó, khi có sự biến động về khối lượng công việc, nhu cầu thì các đơn vị phải có phương án, kế hoạch điều chỉnh nhân sự cho phù hợp”, ông Tùng nói.

Hơn 3000 lao động tuyển dụng trái quy định tại Sở Y tế thì sao?

Xét về mặt bản chất, việc huyện Yên Định tuyển dụng/chấm dứt hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên (trong đó có nhiều trường hợp hợp đồng không đúng quy định) có nhiều điểm tương đồng với việc tuyển dụng trái quy định hàng nghìn lao động tại Sở Y tế Thanh Hóa.

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao số lao động được tuyển dụng trái quy định tại Sở Y tế Thanh Hóa không bị chấm dứt hợp đồng như hàng trăm lao động tại huyện Yên Định

Lý giải về việc này, ông Đầu Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho rằng, việc tuyển dụng lao động tại Sở Y tế tuy trái quy định, nhưng phù hợp với yêu cầu thực tế.

"Thực tế, theo định mức giường bệnh thì nhiều cơ sở Y tế trên địa bàn tỉnh còn thiếu lao động. Do đó, nhu cầu tuyển dụng là cần thiết. 

Còn đối với huyện Yên Định, lãnh đạo huyện này vẫn tuyển dụng lao động trong khi nhu cầu thực tế thì không cần thiết", ông Tùng lý giải.

Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào sáng 8/12, kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021), ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng, việc tuyển dụng lao động trái quy định tại nhiều đơn vị trong tỉnh là việc làm sai trái gây bức xúc cho nhân dân.

"Theo báo cáo Sở Nội vụ, trong 5 năm qua, Thanh Hóa ký với 7.486 lao động, nhưng số lao động được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chỉ có 589 trường hợp.

Số lao động còn lại là các đơn vị tự ký. Trong số hơn 6.800 lao động do các đơn vị tự ký không phải tất cả đều cả, nhưng trong số này cái sai cũng không nhỏ. 

Trong số này có cả việc người ta tạo ra nhu cầu giả tạo để ký hợp đồng đối với lao động mà không tuân thủ quy định tuyển dụng.

Tất cả lao động đã ký đều phải trả lương, nếu không chi trả chế độ thì vi phạm hợp đồng. Điều này gây sức ép đối với nguồn chi trả lương, từ đó đẻ ra nợ nần...

Mặt khác, điều này cũng làm cho những người được tuyển đàng hoàng người ta nghi ngờ, chán làm việc, gây bức xúc cho nhân dân...", Bí thư Chiến nói.

Từ thực tế trên, Bí thư Trịnh Văn Chiến đề nghị các đơn vị có trách nhiệm nhanh chóng hoàn thiện về hệ thống thể chế trong việc tuyển dụng, giám sát tuyển dụng.

Không thể để kéo dài tình trạng trên, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm của cán bộ trong việc tuyển dụng.

THỤY MIÊN