Trong mỗi cuộc thi ở trường, thật thì có ít, giả dối quá nhiều

08/01/2017 07:04
Đỗ Quyên
(GDVN) - Nếu nói không ngoa trong tất cả những cuộc thi ấy điều thật có ít nhưng sự giả dối lại chiếm quá nhiều.

LTS: Chuyện về những kỳ thi đang thực sự làm đau đầu những người làm công tác giáo dục bởi nó hoàn toàn mang tính hình thức.

Tác giả Đỗ Quyên "chỉ mặt" cũng cuộc thi không có ý nghĩa thực sự khi thầy cô và học sinh phải tìm kiếm, sao chép những thông tin, đáp án trên mạng để đem đi thi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Có thể nói bài viết “Những cuộc thi thật là giả, giả là thật” của tác giả Nguyễn Văn Lự đăng trên Báo Giáo dục Việt Nam ngày 3/1/2017 là bức tranh toàn cảnh về thực trạng của nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Bởi, bất kì giáo viên nào sống ở vùng miền nào trong cả nước khi đọc bài báo này vẫn thấy được những cuộc thi quá ư quen thuộc với chính mình, những cuộc thi ấy đã đang diễn ra ở trường mình, ở ngay địa phương mình. 

Nếu làm một cuộc tổng kết sơ bộ về các cuộc thi trong các trường học hiện nay của cả thầy và trò ở cả ba cấp học con số chưa dừng lại như trong bài viết của thầy Lự.

Nhiều cuộc thi chỉ nói đến tên bất cứ giáo viên nào cũng thấy chóng mặt bởi áp lực của nó. Nếu nói không ngoa trong tất cả những cuộc thi ấy điều thật có ít nhưng sự giả dối lại chiếm quá nhiều.

Những cuộc thi của giáo viên

Điển hình là hai cuộc thi lớn “Giáo viên dạy giỏi" và "Giáo viên chủ nhiệm giỏi”. Rõ ràng người đi thi là thật, nhận giấy khen công nhận đạt các danh hiệu ấy cũng thật.

Khốn nỗi để có được những thành quả ấy, phần lớn giáo viên đều copy sáng kiến kinh nghiệm trên mạng về chỉnh sửa làm đề tài cho mình.

Một số tiết dạy đã được dạy trước, góp ý, bởi nhiều giáo viên gạo cội trong trường. Khi tới nơi dự thi, giáo viên đi thi cũng được đồng nghiệp trường sở tại giúp đỡ trong việc "gà bài, mớm bài".

Chưa nói đến một số ban giám khảo chưa đủ năng lực “cầm cân nảy mực”, số khác chấm thi còn vị nể, cảm tính đôi khi mang tích cục bộ hoặc theo kiểu “nhìn mặt đặt tên”. 

Một giáo viên đang trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi. (Ảnh minh họa, nguồn: laodong.com.vn).
Một giáo viên đang trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi. (Ảnh minh họa, nguồn: laodong.com.vn).

Riêng cuộc thi “Giáo viên chủ nhiệm giỏi”, còn thêm phần kể câu chuyện về kỉ niệm khó quên của thầy cô khi làm chủ nhiệm lớp của mình hoặc nêu một vài tình huống sư phạm và cách xử lý.

Phần này, toàn là những câu chuyện được thầy cô bỏ công sưu tầm trên mạng về “thêm mắm thêm muối” cho phần "lâm li bi đát" để lấy cảm xúc của người chấm.

Bởi thế, không ít thầy cô giáo đỗ chủ nhiệm giỏi vì biết kể chuyện hay, xử lý khéo chứ tuyệt nhiên làm công tác chủ nhiệm ở lớp lại dở vô cùng. 

Ngay việc thi “Bồi dưỡng thường xuyên” cho giáo viên hàng năm cũng có nhiều chuyện để nói. Có đến mấy chục cái chuyên đề để giáo viên tự học, tự bồi dưỡng, tự nâng cao tay nghề.

Đầu năm, thầy cô đăng kí học khoảng 3 chuyên đề. Cuối năm, giáo viên nộp nội dung tự học về trường (chủ yếu copy lẫn nhau), Phòng Giáo dục đưa câu hỏi và nhà trường tổ chức thi, chấm, trình danh sách, điểm bài thi về Phòng cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chuyên đề ấy.

Dù thế, nếu hỏi bất kì một giáo viên nào về nội dung chuyên đề mình đã học trong cả năm sẽ chẳng mấy ai trả lời được.

Nhưng có lẽ bi hài nhất vẫn là kì thi Ngoại ngữ lấy bằng B2 (theo văn bản TT 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).

Trong mỗi cuộc thi ở trường, thật thì có ít, giả dối quá nhiều ảnh 2

Nhiều thầy cô mải thi chủ nhiệm giỏi mà quên cả lớp của mình

Với mức học phí chỉ 400 ngàn đồng cho 4 buổi học và một buổi thi, giáo viên có thể ung dung cầm trên tay chiếc bằng tiếng Anh B2 có chữ kí và con dấu đỏ chót của trung tâm Ngoại ngữ.

Nói là 4 buổi học, thực ra thầy cô giáo đến đó đóng tiền, hướng dẫn cách kiểm tra, nhận tài liệu về photo copy để vào phòng thi có “bùa hộ mệnh”.

Dù là bằng Ngoại ngữ như ai nhưng không thể nói được một câu tiếng Anh dù đó chỉ là một lời chào thông thường nhất.

Thi kiến thức liên môn, nhiều bài thi đạt giải cấp này, cấp kia nhưng nguồn cũng chỉ là copy trên mạng mà có.

Người copy giỏi theo kiểu biết chắt lọc cái hay của nhiều bài viết thì đạt giải, người lười hơn “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì bị loại.

Dù là đạt giải hay bị loại người trong nghề cũng chẳng chê mà cũng không khen. Bởi họ biết những kiến thức ấy chỉ là vay mượn, người này lấy của người kia mà thôi.

Một số cuộc thi khác như tìm hiểu Hiến pháp, pháp luật, lịch sử về công đoàn, luật bảo hiểm, luật giao thông, biển đảo…

Đa phần những câu trả lời đã được photo phát cho người một bản để chép vào, mỗi bài chỉ khác nhau câu nêu cảm nghĩ của bản thân.

Những cuộc thi của học sinh

Những cuộc thi này phần lớn là “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Điển hình là cuộc thi Toán, tiếng Anh trên mạng.

Giáo viên hướng dẫn, thậm chí làm sẵn để học sinh vượt qua các vòng thi để đủ điều kiện dự thi.

Vào ngày thi, các em có mặt ngồi vào máy nhưng kiến thức trong đầu cũng chẳng có mấy em là thật. Em học thuộc từng bài, nhớ từng kết quả. Em bấm đại bấm thí theo kiểu ăn may…​

Trong mỗi cuộc thi ở trường, thật thì có ít, giả dối quá nhiều ảnh 3

Không đánh vật với các kì thi, lấy đâu ra thành tích?

Không ít học sinh nhận tờ giấy khen “Học sinh đạt giải nhất Toán Violympic cấp tỉnh" nhưng không giải nổi bài toán đơn giản trong sách giáo khoa. 

Cuộc thi nổi đình đám nhất là “Sáng tạo trẻ thơ” được tổ chức hàng năm.

Đã có nhiều giải cấp thị, cấp tỉnh được trao vì sự phát minh, sự sáng tạo của các em học sinh thiếu niên nhi đồng nhưng từ ý tưởng, thiết kế đến lời thuyết trình đều của thầy cô hoặc của cha mẹ học sinh.

Thế mới có chuyện xảy ra, trong buổi lễ tổng kết trao giải hai sản phẩm đạt nhất và nhì, ban tổ chức phỏng vấn “Ý tưởng nào mà các em nghĩ ra sáng kiến này?”. Hai học sinh ngơ ngác không biết đó là sản phẩm gì và vì sao lại đạt giải…

Một số hội thi như “Giao lưu tiếng Anh”, thi hùng biện, “Để học tốt tiếng Anh”…, giáo viên Anh văn phải vật vả hàng tháng trời đôi khi lơ là cả việc dạy dỗ để viết kịch bản, viết lời giới thiệu, ráng sức tập dượt cho học sinh.

Có em hàng tháng trời tập luyện cũng chỉ thuộc được vài câu giới thiệu. Lên sân khấu, không ít em trả lời hay hùng biện hay nhận những tràng pháo tay giòn giã, những lời khen có cánh nhưng tất cả kiến thức ấy, những vất vả nhọc nhằn ấy là của thầy cô, học sinh đơn giản chỉ là người thể hiện.

Thầy cô thi kiến thức liên môn, trò cũng thi. Để có thành tích cho lớp, cho trường giáo viên lại nỗ lực hướng dẫn học sinh cách “ăn cắp kiến thức” bằng cách tải bài trên mạng, thầy cô đọc góp ý và chỉnh sửa thêm…

Nếu có hỏi “Kiến thức liên môn” là gì cũng chẳng mấy em trả lời được dù bài làm của các em dài đến mấy trang.

Nghĩ cho cùng những hoạt động ngoài giờ lên lớp, những cuộc thi kiến thức được tổ chức trong các trường học hiện nay không nhằm mục đính nâng cao chất lượng dạy và học như mọi người nói.

Nó chỉ nhằm thỏa mãn căn bệnh thành tích của các trường, của từng giáo viên.

Giảm nhẹ và thẳng tay dẹp bỏ những cuộc thi giả tạo như thế cũng là một biện pháp giúp giáo viên có thời gian để chăm lo cho việc dạy, giúp học sinh có thời gian đầu tư cho việc học của mình.

Đỗ Quyên