Đà Nẵng “trục xuất” 71 trường hợp lang thang ăn xin về lại địa phương

05/01/2017 13:27
An Nguyên
(GDVN) - Lực lượng chức năng trực tiếp đưa 71 người thang lang ăn xin từ các tỉnh, thành khác đến ra tận bến xe, "trả" về lại địa phương.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại hội nghị “tổng kết năm văn hóa, văn minh đô thị 2016” do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 5/1.

Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Đà Nẵng, thời gian qua, địa phương này đã triển khai nhiều biện pháp xử lý người lang thang ăn xin, xin ăn biến tướng.

Nhằm xây dựng thương hiệu “thành phố không có người lang thang xin ăn”, lực lượng chức năng đã tổ chức bảy đợt cao điểm, đồng loạt ra quân xử lý nạn ăn xin.

Một trường hợp lang thang ăn xin tại các nhà hàng ven biển Đà Nẵng (người đứng). Ảnh: LHA
Một trường hợp lang thang ăn xin tại các nhà hàng ven biển Đà Nẵng (người đứng). Ảnh: LHA

Trong năm 2016, đường dây nóng 0511.3550.550 đã tiếp nhận 567 cuộc gọi báo về tình trạng chăn dắt trẻ em, người lang thang xin ăn và ăn xin biến tướng (tăng 27,7% so với năm 2015).

Qua tiếp nhận và xử lý thông tin, tổ 550 (chuyên xử lý thông tin người lang thang xin ăn) đã phối hợp với địa phương xử lý, thu gom 224 trường hợp.

Kêu gọi "đừng thương người", có bất nhẫn quá không?

Kêu gọi "đừng thương người", có bất nhẫn quá không?

Trong đó có nhiều đối tượng là người tâm thần, người ăn xin “chuyên nghiệp”...

Tổ 550 cũng đưa trả về gia đình 69 đệ tử “Cái Bang”. Trực tiếp đưa ra tận bến xe, “trả” về lại địa phương 71 trường hợp.

Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng việc xử lý tình trạng ăn xin gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là đa số các trường hợp này từ địa phương khác đến, cư trú không ổn định trên địa bàn thành phố.

“Họ thường hoạt động sau giờ nghỉ, ngày lễ và ở nơi có đông khách vãng lai. Hình thức hoạt động khá tinh vi.

Khi phát hiện có lực lượng chức năng thì lẩn trốn rất nhanh nên việc phát hiện xử lý gặp khó khăn” ông Chiến nói.

Mặc dù một số cơ sở kinh doanh dịch vụ cam kết với chính quyền địa phương nhưng chưa thực sự hợp tác trong việc phát hiện, xử lý đối tượng xin ăn, xin ăn biến tướng.

Bên cạnh đó, công tác quản lý địa bàn của một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa kiên quyết trong việc áp dụng mạnh các hình thức xử phạt.

Chưa có sự phối hợp trong việc xử lý đối tượng tại các vùng giáp ranh giữa các địa bàn - ông Chiến thông tin thêm.

Đại diện Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố cũng kiến nghị, cần phát huy vai trò của người dân trong việc “không tiếp tay cho hành vi lang thang ăn xin”.

“Phải làm sao để cho mọi người dân thấy sự quyết liệt của thành phố trong xử lý triệt để vấn đề ăn xin. Để người nhập cư không còn ý định đến Đà Nẵng và thực hiện hành vi lang thang xin ăn” vị đại diện Sở nhấn mạnh

An Nguyên