Chi phí đào tạo thấp sao đòi chất lượng cao?

12/01/2017 09:25
Tấn Tài
(GDVN) - Các trường đại học phải minh bạch về vấn đề học phí, nếu đào tạo chất lượng cao thì công khai tuyên bố thu học phí cao là điều tất nhiên.

Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia giáo dục tại hội nghị toàn quốc bàn về “giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng cuối tuần qua với sự tham gia của đại diện 270 trường đại học trên cả nước.

Chi phí đào tạo thấp sao đòi chất lượng cao?  

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chi phí đào tạo của chúng ta so với các nước có nền giáo dục tiến bộ trên thế giới đang có sự chênh lệch một trời một vực.

Hiện chính phủ đã có chủ trương thu học phí tương đương với chất lượng đào tạo. Chi phí đào tạo thế nào thì phải tương ứng với chất lượng đào tạo thế đó – ông Nhạ nói.

Các chuyên gia về giáo dục góp ý nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Ảnh: An Nguyên
Các chuyên gia về giáo dục góp ý nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Ảnh: An Nguyên

Theo tính toán, mức đầu tư từ các nguồn khác nhau trong giáo dục của Việt Nam là 13 triệu đồng/sinh viên/năm (khoảng 600 USD/sinh viên).

Trong khi chi phí này ở Mỹ lên đến 16.000 USD/sinh viên/năm ở hệ công lập và 36.000 USD/sinh viên/năm ở hệ tư thục.

Từ con số thống kê nói trên Bộ trưởng đặt vấn đề “chi phí chênh lệch một trời một vực như vậy thì làm sao giám so sánh về chất lượng?”.  

Hiệu trưởng nêu đích danh ba khuyết điểm đào tạo đại học của Bộ Giáo dục

Hiệu trưởng nêu đích danh ba khuyết điểm đào tạo đại học của Bộ Giáo dục

Hiện nay, nhiều trường Đại học rất chú trọng đến “mưu sinh” để bù chi phí bỏ ra. “60% nguồn chi hiện nay là chi cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, còn đầu tư cho cơ sở vật chất thì lại thấp. Trong đó, số trường Đại học có tích lũy (về tài chính) là rất ít” ông Nhạ nêu thực tế.

PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, hiện nay chất lượng giáo dục Đại học của Việt Nam đang rất thấp.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do vấn đề đầu tư kinh phí cho giáo dục chưa cao. Mà cụ thể là vấn đề học phí.

“Hiện nay chi phí đào tạo Đại học của Việt Nam là rất thấp, chỉ bằng 1/17 so với Malaysia, 1/15 so với Singapore hay 1/20 so với Hồng Kông. Trong khi, bối cảnh ngày nay đòi hỏi sự cạnh tranh rất lớn giữa các trường.

Với nguồn chi phí ít ỏi như vậy thì các trường không thể tham gia cuộc chơi mang tính hội nhập được” ông Sơn nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nhạ nói, chi phí đào tạo Đại học của chúng ta quá thấp thì không thể nào đảm bảo về chất lượng.

Thực tế này dẫn đến các trường hầu như phải tập trung toàn bộ thời gian cho việc “mưu sinh” để lấy thu bù chi, duy trì tồn tại nên ít có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng đào tạo.

Phải minh bạch về học phí

Tại hội nghị, bộ trưởng Nhạ nêu vấn đề “liệu rằng giá cả có tỷ lệ thuận với chất lượng đào tạo hay không?”.

Từ đó, ông nhấn mạnh, các trường phải cân đối giữa chất lượng đào tạo với giá cả học tập.  

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ khai tử những trường đại học không đạt chuẩn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ khai tử những trường đại học không đạt chuẩn

Để đạt được hiệu quả, các trường nên chọn ra một vài chương trình phù hợp để đào tạo chất lượng cao.

“Khi chất lượng cao thì các trường đàng hoàng thu, đàng hoàng quảng cáo” bộ trưởng Nhạ nói.  

Kèm theo đó, Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề minh bạch thông tin. Theo đó, minh bạch thông tin ở đây là minh bạch cả về chất lượng đào tạo và minh bạch về giá cả học phí.

Tránh tình trạng khi vào nói giá học phí một đàng nhưng càng về sau lại càng tăng giá.

Các trường phải công khai một cách minh bạch về học phí. Nhiều trường hợp tăng học phí không có căn cứ đẩy sinh viên vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan” ông Nhạ chấn chỉnh.

Theo hiệu trưởng một trường đại học ở TP.HCM, việc tăng học phí cũng không hề đơn giản vì sẽ vấp phải sự phản đối của sinh viên và dư luận.

“Thực tế thì việc tăng học phí nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, mua sắm thêm các trang thiết bị dạy học.

Tuy nhiên, lộ trình tăng như thế nào phải được công khai từ sớm cho sinh viên biết từ thời điểm tuyển sinh. Nếu người nào thấy thích hợp thì ký cam kết vào học, còn nếu không thì chuyển trường khác”.

Vị này nói thêm, các trường đại học cũng phải công khai chỉ tiêu, chất lượng đào tạo, sinh viên ra trường có việc làm hay không để mọi người biết chất lượng giảng dạy như vậy có phù hợp với mức thu học phí hay không?

“Vì sao một số trường ngoài công lập thu học phí cao ngất ngưởng nhưng người ta vẫn tìm đến học. Đó là vì chất lượng họ đào tạo ra đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, của xã hội” vị này nói.

Tấn Tài