“Khéo gói thì no khéo nằm co thì ấm”

25/01/2017 07:19
Phan Tuyết
(GDVN) - Tuy lương, thưởng của giáo viên đều thấp nhưng nhờ biết chi tiêu, nhờ tài vun vén nên “Xuân vẫn đến từng nhà” một cách đầy đủ và vui tươi.

LTS: Hiện nay, so với những ngành nghề khác thì mức thu nhập của nghề giáo còn thấp. Mức thưởng Tết mà đa số nhà giáo nhận được cũng chỉ dăm bảy trăm ngàn đồng.

Tuy nhiên, cô giáo Phan Tuyết cho rằng các thầy cô giáo vẫn có thể đón một cái Tết đầm ấm, vui vẻ nếu biết chi tiêu.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Tiền thưởng Tết! Luôn là nỗi khát khao, niềm mong ước của tất cả giáo viên khi mỗi độ Xuân về.

Trong khi nhiều ngành nghề khác người ta thưởng cho nhau vài ba chục triệu, chí ít cũng là dăm bảy triệu. Nhiều nhà giáo chỉ nhận được dăm bảy trăm ngàn đồng đã là nhiều. 

Nhưng không vì thế mà thầy cô thiếu Tết. Nhờ biết chi tiêu, nhờ tài vun vén “Xuân vẫn đến từng nhà” một cách đầy đủ và vui tươi.

Trổ tài nội trợ

Dù đồng tiền không dư giả nhưng nhiều giáo viên vẫn rất lạc quan “Làm cả năm nên ba ngày Tết cái gì cũng phải đủ đầy. Người ta có tiền thì có quyền hưởng thụ. Mình nghèo phải tự làm để cắt giảm chi tiêu”. 

Thế rồi, nhiều gia đình nhà giáo đã tự làm tất cả những món ăn trong ngày Tết để gia đình mình không phải thiếu thứ gì, như muối củ kiệu, muối cà, muối dưa đến gói giò, gói bánh, làm hũ tai heo ngâm dấm dành khi có khách. 

Dù mức thưởng Tết thấp nhưng nhờ khéo chi tiêu, các thầy cô vẫn đón Xuân vui vẻ cùng gia đình. (Ảnh minh họa trên Báo Người Lao Động)
Dù mức thưởng Tết thấp nhưng nhờ khéo chi tiêu, các thầy cô vẫn đón Xuân vui vẻ cùng gia đình. (Ảnh minh họa trên Báo Người Lao Động)

Nhiều thầy cô khéo tay làm cả mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, mứt khoai lang, mứt me… Ngày Tết không thể thiếu nồi măng kho thịt. 

Một cân măng dịp Tết loại ngon cũng đến dăm trăm ngàn đồng. Ngay từ đầu mùa măng, nhiều gia đình đã mua măng về phơi và cất giữ đợi Tết. 

Cách này vừa có được măng ngon, vừa đảm bảo chất lượng và đỡ tốn nhiều tiền. Không ít nhà rủ nhau mua chung con heo (lợn) về tự làm thịt. 

Thế là có đủ từng bộ phận của con heo để chế biến các món ăn ưa thích. Như chân giò để kho măng, thịt ba chỉ kho trứng, lòng làm món nhậu, tai, thủ gói giò…

Đồ ăn dành ba ngày Tết cũng xôm tụ, đủ đầy chẳng kém những nhà có rủng rỉnh tiền bạc. Do tự làm lấy mọi thứ nên đã tiết kiệm được một số tiền không nhỏ. 

Chuyện trang trí nhà cửa đôi khi còn quan trọng hơn nhiều chuyện ăn uống. Bởi thế, nhiều gia đình nhà giáo cũng chia sẻ bí quyết để nhà cửa thêm tươi đẹp. 

“Khéo gói thì no khéo nằm co thì ấm” ảnh 2

Chạnh lòng thưởng tết thầy cô, nơi hàng chục triệu, chỗ chỉ trăm ngàn

Rước Xuân về nhà

Thầy Khanh giáo viên một trường trung học cơ sở trong thị xã chia sẻ: “Dù thế nào, ngày Tết trong nhà nhất định cũng phải có một nhành mai. 

Ngoài cửa phải có hai chậu bông cúc đại đóa, hai cây hoa mặt trời và một vài bình hoa. Nếu mua trước Tết, với số lượng như thế cũng phải tốn đến vài triệu. 

Năm nào cũng thế, gia đình tôi toàn đi sắm vào đêm 30 trước giao thừa. Lúc này, hoa rẻ dù không được đẹp như mấy ngày trước nhưng với người có thu nhập thấp như mình cũng đã là tốt rồi. Có điều…”. 

Thầy chợt dừng lại cười, rồi nói tiếp “Cũng có năm hút hàng, hoa đêm 30 đắt bất thường cũng đành chấp nhận và mua với số lượng ít lại”.

Nhờ biết biết cách chi tiêu hợp lý mà nhiều gia đình nhà giáo nơi đây lương thu nhập của hai vợ chồng chưa đến 10 triệu/ tháng nhưng họ vẫn mua được đất làm nhà, vẫn đầy đủ tiện nghi và nuôi hai con học đại học đến nơi đến chốn.

Quả đúng như câu nói của ông bà ta “Khéo gói thì no khéo nằm co thì ấm”.

Phan Tuyết