Vượt núi đem con chữ đến học sinh vùng cao

25/01/2017 07:19
Hoàng Hà
(GDVN) - Để đến trường, các giáo viên phải mang theo lương thực cho nửa tháng, trèo núi vượt suối, băng qua những con dốc đầy đá dựng đứng.

Cách trung tâm thành phố hơn 100km, Thượng Trạch là một xã vùng cao của huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Có đặt chân đến đây, tận mắt chứng kiến mới hiểu hết những gian lao, vất vả mà các thầy cô cắm bản giữa đại ngàn trường sơn gặp phải trên con đường mang con chữ đến cho các em học sinh.

Các em học sinh ở bản Aki mặt mũi lấm lem, đi chân trần tới trường.
Các em học sinh ở bản Aki mặt mũi lấm lem, đi chân trần tới trường. 

Dù đường đi còn rất nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế ở đây lại quá thiếu thốn, cơ cực nhưng không làm giảm đi sự nhiệt huyết của các thầy cô giáo.

Ngày qua ngày, những giáo viên cắm bản vẫn miệt mài gieo mầm kiến thức cho các em đồng bào người Ma Coong.

Dù nhiều khó khăn, vất vả nhưng các giáo viên nơi đây vẫn miệt mài dạy chữ cho các em.
Dù nhiều khó khăn, vất vả nhưng các giáo viên nơi đây vẫn miệt mài dạy chữ cho các em.

Bản Aki là một bản làng nằm ở nơi xa xôi, hẻo lánh nhất của xã Thượng Trạch. Để vào được bản làng này, từ Đồn Biên phòng Cà Roòng phải đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ, vượt qua nhiều con suối và dốc đồi đầy đất đá cheo leo.

Dù khó khăn như vậy, nhưng những năm qua, bao thế hệ giáo viên của trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch vẫn trèo núi vượt suối mang con chữ đến cho các em học sinh.

Dù học trong điều kiện thiếu thốn, phòng học tạm bợ, nhưng các em học sinh vẫn rất vui khi được đến trường.
Dù học trong điều kiện thiếu thốn, phòng học tạm bợ, nhưng các em học sinh vẫn rất vui khi được đến trường.

Bản Aki chỉ có 17 em học sinh tiểu học, được chia làm 2 lớp ghép do hai thầy giáo phụ trách. Vì điều kiện còn quá nhiều khó khăn và thiếu thốn nên các em độ tuổi mầm non nơi đây không được đến trường. Cũng chính vì thế mà việc dạy học của các giáo viên tiểu học càng vất vả hơn.

Nhìn hình ảnh các em học sinh vùng cao Thượng Trạch khiến nhiều người phải nhói lòng.
Nhìn hình ảnh các em học sinh vùng cao Thượng Trạch khiến nhiều người phải nhói lòng.

Thầy Nguyễn Quốc Chung (giáo viên phụ trách lớp ghép 1,2 ở bản Aki) cho biết: “Ở đây các em học sinh không được học mầm non, hơn nữa lại ít được giao tiếp với người kinh nên vốn tiếng Việt của các em rất ít. Vì vây, việc dạy và học ở đây gặp nhiều khó khăn, người Việt dạy tiếng Việt mà giống như dạy ngoại ngữ vậy”.

Theo thầy Chung, thầy đã có hơn 6 năm cắm bản ở xã Thượng Trạch, nhưng Aki là bản khó khăn nhất so với những bản khác, nhất là về đường đi. Mỗi lần từ nhà lên trường, các thầy phải chạy đường rừng lên gần Đồn Biên phòng Cà Roòng, rồi gửi xe và đi bộ 2 tiếng nữa mới đến được bản Aki.

Đường đi vào bản Aki rất gian nan.
Đường đi vào bản Aki rất gian nan.

“Đường xa đã đành, lại còn rất cheo leo. Nhiều con suối, dốc đồi đầy đất đá bây giờ đi nhiều rồi nên thành quen chứ hồi đầu thấy sợ lắm. Khổ nhất là những ngày trời mưa, đi không cẩn thận là bị trượt chân ngay.

Thấy đường đi nhiều lúc cũng thấy ngại lắm, nhưng vì sự nghiệp mà nên phải cố gắng thôi. Với lại các em ở đó thiệt thòi lắm, khó khăn thiếu thốn nhiều vậy rồi mà các em không được học chữ nữa thì tội lắm”, thầy Chung chia sẻ.

Người dân nơi đây đã quen với cuộc sống nơi rừng sâu, hẻo lánh này.
Người dân nơi đây đã quen với cuộc sống nơi rừng sâu, hẻo lánh này.

Aki chưa có điện thắp sáng, không có sóng điện thoại, buổi tối các thầy giáo phải sử dùng đèn để soạn giáo án.

Vốn đã nằm ở vị trí xa xôi, địa hình lại hiểm trở nên ngoài lực lượng bộ đội Biên phòng, cán bộ xã và giáo giáo viên cắm bản thì rất ít khi có khách đến ghé thăm.

Bản làng này nằm lọt thỏm giữa bốn bề là núi rừng.
Bản làng này nằm lọt thỏm giữa bốn bề là núi rừng.

Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng các giáo viên nơi đây vẫn yêu nghề, vẫn vượt rừng miệt mài dạy học cho các em đồng bào dân tộc, với hy vọng một tương lai không xa, cuộc sống nơi đây sẽ đủ đầy, phát triển hơn.

Hoàng Hà