Ngày Tết, đừng để mất vui vì chai bia chén rượu

25/01/2017 07:18
Lê Xuân Chiến
(GDVN) - Với không ít người, uống rượu để xã giao, thâm giao đâu không thấy, chỉ thấy sức khỏe ngày càng giảm sút, đi đứng nói năng “lệch chuẩn”.

LTS: Ngày nay, mỗi dịp Tết đến, người Việt thường mời nhau chén rượu như một nghi thức giao tiếp. Tuy nhiên, việc lạm dụng rượu bia cũng gây ra những hậu quả khôn lường.

Thầy giáo Lê Xuân Chiến chia sẻ những tác hại của việc lạm dụng rượu bia trong ngày Tết và nhắn nhủ mọi người hãy nâng ly có trách nhiệm để không làm mất vui dịp đầu năm

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Dân gian có câu “Vô tửu bất thành lễ”, “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Người thích rượu nghe câu này hẳn thích lắm.

Kể cả người ít dùng rượu hoặc không dùng được rượu nghe câu này vẫn thấy có lý, không thể phủ nhận được. 

Trong lễ nghi, giao tiếp, tiệc tùng, mọi người uống với nhau chén rượu như một nghi thức giao tiếp, làm cho mọi người thêm “tình thương mến thương”. 

Ngày Tết, nâng chén rượu, ly bia chúc nhau, không khi xuân thêm nồng ấm, thắt chặt tình họ hàng, bằng hữu, xóm giềng...  

Rượu hay như vậy nhưng nhiều khi bị người ta lạm dụng, thành dở. Chất men gây hưng phấn trở thành chất gây nghiện, trở thành thứ “ma men” làm khổ bao người.

Khổ thân người nghiện rượu, khổ gia đình, vợ con. Cứ “rượu vào” là “lời ra”, ồn ào, chửi mắng, gây sự.

Gia đình khổ, xóm giềng nhiều khi cũng chịu khổ lây. 

Với không ít người, uống rượu để xã giao, thâm giao đâu không thấy, chỉ thấy sức khỏe ngày càng giảm sút, đi đứng nói năng “lệch chuẩn”. Hễ có tí rượu là “coi trời bằng vung”.

Mới đầu thì “chén chú chén anh”, sau thì chẳng có tôn ti trật tự gì cả, ai cũng coi “cái tôi” của mình trên tất cả.

Hễ ai hơi “khó chịu”, “khó ưa” một tí là mình to tiếng, chửi thề, thách đố.

Khi đã có tí men trong người, chẳng ai nhịn ai, thế là sinh chuyện, ẩu đả đánh nhau, để lại hậu quả đáng tiếc. 

Nhậu say rồi đánh nhau, biếm họa trên cand.com.vn
Nhậu say rồi đánh nhau, biếm họa trên cand.com.vn

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong kỳ nghỉ Tết năm ngoái, cả nước có hơn 5.000 trường hợp nhập viện do đánh nhau, xô xát, trong đó 13 ca tử vong. Đó là một con số đáng báo động về tệ nạn rượu bia ngày Tết. (1) 

Người ta thường nói “Ăn cơm mới, không nên nói chuyện cũ”, nhưng riêng câu chuyện khổ vì rượu ngày Tết thì có lẽ nên nhắc đi nhắc lại, nhắc mấy cũng không thừa, dù đây là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. 

Không chỉ đánh nhau, tai nạn giao thông kỳ nghỉ Tết năm nào cũng tăng đột biến do người ta tham gia giao thông sau khi uống nhiều rượu bia. 

Điều này không xa lạ gì, ai cũng biết, thế nhưng nhiều người vẫn phải ân hận, khi sự đã rồi thì mới nghĩ đến hai từ “giá như” trong sự muộn màn, tiếc nuối. 

Tại sao cứ gặp nhau là nhậu, phải nhậu? Đành rằng đời người ngắn lắm, “còn gặp nhau thì hãy cứ vui”(1), nhưng không nhất thiết gặp nhau là phải uống rượu bia. Ngày Tết sao cứ ép rượu bia nhau, thay vì tùy nghi của khách? 

Ngày Tết, đừng để mất vui vì chai bia chén rượu ảnh 2

Tết đến, thầy lại lo học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật và bỏ học

Còn người được mời, sao không biết từ chối hay dừng đúng lúc?

Vì cái danh hão, vì “cố chấp” mấy lời mỉa mai của đám bạn nhậu như “không nhiệt tình”, “không hòa đồng”, “không chơi hết mình với bạn bè” hoặc “cay cú” hơn là “thiếu bản lĩnh”, “không phải đàn ông”... 

Chao ôi, lẽ ra người đàn ông bản lĩnh phải là người biết từ chối chén rượu khi cần hoặc biết dừng đúng lúc (vì lý do sức khỏe, vì tham gia giao thông, vì có việc cần phải làm...). 

Vậy đừng dao động vì mấy lời châm chọc, nói khích của bạn bè mà thiếu làm chủ mình. 

Tôi tin chắc, ai từng trải qua cái thời tuổi trẻ “hiếu kỳ, nông nổi”, “ham vui”, “thích thể hiện”, từng khổ vì rượu hoặc chứng kiến những người xung quanh khổ vì rượu, sẽ thấy sự hạn chế rượu bia là hết sức cần thiết. 

Người lớn không “chuẩn” khi uống rượu bia sẽ khó giáo dục con em mình. Một bộ phận không nhỏ thiếu niên, thanh niên mới lớn bây giờ cũng thích ăn nhậu, rượu bia do ảnh hưởng từ người lớn. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản lượng bia tiêu thụ năm 2016 của Việt Nam là 3,788 tỷ lít. Như vậy, tính trung bình mỗi người Việt uống 42 lít bia, tăng khoảng 4 lít so với năm 2015. (2)

Trong dịp Tết này, lượng bia tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng lên nhiều. Ngoài bia còn có rượu, rượu đóng chai và rượu do người dân tự nấu để bán. Vàng thau lẫn lộn, người ta thật khó phân biệt rượu thật, giả. 

Một lít rượu gạo mua tại lò chỉ khoảng 15 - 20 nghìn đồng. Quá rẻ! Bán với giá như vậy mà người nấu rượu vẫn có lãi. Vậy, chất lượng rượu liệu có đáng tin cậy không?   

Mà cho dù rượu, bia có đảm bảo chất lượng đi chăng nữa, khi ta “quá chén”, uống nhiều quá chắc chắn sẽ mất vui, ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân. 

Một trận say rượu, bia tương đương với một trận ốm nặng, chưa kể biến chứng có thể có về sau như thần kinh, tim mạch, gan, dạ dày... 

Ngoài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, việc dùng rượu bia quá độ còn gây ra nhiều tác hại khác như đã nói ở trên.

Vui Tết đón xuân, sum họp hội ngộ cùng bà con, anh em, bạn bè, mọi người nâng ly vui vẻ chúc nhau, đó là nét đẹp văn hóa ngày Tết. Nhưng “tửu bất khả ép”, mọi người không nên ép rượu bia nhau làm gì. 

Hãy nâng ly có trách nhiệm, đừng để Tết mất vui vì rượu bia.

Tài liệu tham khảo:
(1): Trích từ bài thơ “Còn gặp nhau” của Tôn Nữ Hỷ Khương
(2): http://www.tienphong.vn/xa-hoi/5000-truong-hop-nhap-vien-vi-danh-nhau-trong-dip-tet-969629.tpo
(3): http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/nam-2016-moi-nguoi-viet-uong-41-lit-bia-351699.html

Lê Xuân Chiến