Tổng Bí thư giao 4 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cho Ban Kinh tế Trung ương

12/02/2017 08:59
Diệu Linh
(GDVN) - Trong đó, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngăn chặn những dự án kém chất lượng, gây thất thoát vốn nhà nước.

Ngày 11/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương.

Tổng Bí thư đánh giá, Tổng Bí thư đánh giá, năm 2017 và các năm tiếp theo, kinh tế - xã hội nước ta có nhiều cơ hội và thuận lợi lớn để phát triển.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trên con đường phát triển vẫn rất nặng nề và gay gắt. Tình hình đất nước, thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động.

Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; nợ xấu, nợ công tăng cao; việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu tư thấp; hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại còn nhiều hạn chế, yếu kém. 

Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường. 

Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là vấn đề xã hội và quản lý xã hội chưa được nhận thức đầy đủ và giải quyết có hiệu quả; còn tiềm ẩn những nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội. 

Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường còn nhiều bất cập; vi phạm về môi trường xảy ra nghiêm trọng, gây tác hại lớn và bức xúc trong xã hội trong khi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng xảy ra sớm và nặng nề hơn so với dự báo…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. ảnh: dangcongsan.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. ảnh: dangcongsan.vn

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 4 nhiệm vụ mà Ban Kinh tế Trung ương cần chú trọng trong năm 2017 và cả nhiệm kỳ khoá XII:

Một là, phải tập trung ưu tiên thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ những nội dung, vấn đề và định hướng tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển. Chương trình làm việc toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã xác định rõ những đề án, báo cáo cần được triển khai xây dựng.

Tổng Bí thư giao 4 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cho Ban Kinh tế Trung ương ảnh 2

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi có một bức thư góp ý cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương

Ban Kinh tế Trung ương cần bám sát, quán triệt thật sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII, nhất là hai Nghị quyết của Hội Nghị Trung ương 4 khoá XII nêu trên, nghiêm túc tổng kết lý luận và thực tiễn để có những đề xuất bổ sung, phát triển cần thiết, đúng đắn.

Chú trọng đến các vấn đề như: động lực và nguồn lực cho phát triển; việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, tranh thủ những thời cơ, thuận lợi, vượt qua những khó khăn, thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem lại;

Thực hiện thành công ba đột phá chiến lược; thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước;

Phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; đổi mới quản lý và phát triển xã hội; tăng cưởng quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tập trung ưu tiên triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án: "Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập"; "Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách đối với người có công"…

Trong quá trình chủ trì nghiên cứu, xây dựng các báo cáo, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là trình Hội nghị Trung ương 5 sắp tới, các đồng chí cần tập trung làm rõ những vấn đề quan trọng như:

- Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối phát triển kinh tế nhanh, bền vững và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp, chương trình, kế hoạch để thực hiện, thực tế đến nay kinh tế - xã hội nước ta đã phát triển nhanh và bền vững chưa? Nhanh và bền vững ở mức nào?

Nếu chưa nhanh, chưa bền vững thì nguyên nhân do đâu? Từ đó đề xuất các chính sách, biện pháp tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện để thực hiện bằng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Phải chăng nguyên nhân bao trùm là do việc huy động, đặc biệt là phân bổ, sử dụng các nguồn lực còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường?

- Vì sao việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước không đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra; vì sao nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn với những công trình hàng nghìn tỉ đồng "bị đắp chiếu"?

Từ đó đề xuất đồng bộ các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, có tính đột phá nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để Hội nghị Trung ương 5 xem xét, ban hành một Nghị quyết mới, đúng tầm, góp phần làm cho doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.

- Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh kinh tế tư nhân, chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.

Từ đó đề xuất những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp để tiếp tục định hướng, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển một cách đúng đắn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

- Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương xã hội hoá dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hoá, xã hội, quán triệt đầy đủ, đúng đắn Nghị quyết Đại hội XII, nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị và Trung ương các chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công.

Hai là, cần chủ động, tích cực tham gia quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội. 

Phải phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động cụ thể trên lĩnh vực này. 

Đồng thời, cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để nâng cao, thống nhất nhận thức và hành động, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; chú ý đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm cơ bản, đúng đắn của Đảng; phê phán, bác bỏ những nhận thức sai, quan điểm sai.

Thời gian qua, nhiệm vụ này dường như chưa được chú trọng đúng mức và Ban cũng chưa chủ động có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này. 

Ví dụ như, Hội nghị Trung ương 4 khoá XII vừa qua đã ban hành hai nghị quyết rất quan trọng, góp phần bảo đảm phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, khu vực và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng. 

Đó là: Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Mặc dù là cơ quan trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thẩm định, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành, nhưng đến nay, sự đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương vào quá trình quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn việc triển khai thực hiện hai nghị quyết này vẫn chưa thật rõ nét.

Đồng thời, phải chủ động hơn nữa trong việc cập nhật, phân tích, dự báo diễn biến tình hình quốc tế, khu vực để đề xuất, tham mưu kịp thời những quyết sách, giải pháp chính xác, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển. 

Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) thua lỗ lớn. ảnh: pvc.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) thua lỗ lớn. ảnh: pvc.

Ba là, cần thường xuyên quan tâm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, các quyết sách của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Các đồng chí cần chú ý sớm phát hiện những vướng mắc, sai phạm trong việc cụ thể hoá, thể chế hoá, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng để kịp thời trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, tìm biện pháp điều chỉnh, tháo gỡ hoặc xử lý, chứ không phải chờ 3 năm, 5 năm mới sơ kết, 10 năm mới tổng kết và có báo cáo”. 

Ví dụ như trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xã hội hoá các dịch vụ công, khi phát hiện một số cảng biển, sân bay được công bố sẽ bán cho nước ngoài hoặc một số trường học, bệnh viện công lập được cổ phần hoá thì phải kịp thời nắm bắt, phân tích, đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kịp thời có điều chỉnh cần thiết. 

“Tôi có cảm giác là vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương chưa chú trọng đúng mức việc này, lơi lỏng nhiệm vụ này”, Tổng Bí thư đánh giá và đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phải chú trọng nhiều hơn nữa việc hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống một cách đúng đắn, có hiệu quả. 

Tổng Bí thư giao 4 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cho Ban Kinh tế Trung ương ảnh 4

"Dứt khoát phải loại bỏ những kẻ cơ hội ra khỏi Đảng"

Kịp thời phát hiện những thành tích, ưu điểm để tổng kết, phát huy; những vướng mắc để tháo gỡ, những khuyết điểm, sai phạm để uốn nắn, xử lý. 

Vừa qua, một loạt những doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị có vi phạm, làm ăn thua lỗ, nhiều dự án, công trình "đắp chiếu", nhưng hầu như không thấy Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến gì. 

Đây là do không phát hiện được hay phát hiện được mà không có dũng khí báo cáo, đề xuất xử lý?”.

Tổng Bí thư cũng đặt ra yêu cầu, Ban Kinh tế Trung ương cũng cần phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương để phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chống tham nhũng về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và đề xuất các giải pháp thanh tra, điều tra, ngăn ngừa và khắc phục, bảo đảm an ninh kinh tế.

Bốn là, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Ban Kinh tế Trung ương và cán bộ của Ban phải nắm rất chắc và quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Đảng được nêu trong Cương lĩnh, các nghị quyết đại hội Đảng;

Căn cứ vào chương trình công tác toàn khoá và hằng năm của Trung ương Đảng; đồng thời thường xuyên bám sát thực tiễn, theo sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới để tổng kết, đề xuất những cái mới, sáng tạo.

Cần chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, không ngừng nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ; ây dựng cơ quan thật tinh gọn, chất lượng, có trình độ cao, có tính chiến đấu cao, nhất là đội ngũ chuyên gia đầu ngành.

Xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, cán bộ phải có quan điểm vững vàng, am hiểu lý luận và thực tiễn sâu sắc, đoàn kết, thống nhất cao, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Diệu Linh